Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2019, khi chủ trì phiên họp thứ 15 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Công tác phòng, chống tham nhũng trở thành xu thế, phong trào. Tham nhũng được ngăn chặn, từng bước được đẩy lùi, để lại dấu ấn tích cực, củng cố thêm niềm tin, góp phần quan trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ngay đầu năm 2019, chủ trì phiên họp thứ 15 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Giữa tháng 5, Tổng bí thư chủ trì họp với các lãnh đạo chủ chốt đã một lần nữa khẳng định: "Phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Vừa qua ta đã làm tốt. Phải làm tiếp, không được nghỉ. Có khi phải làm mạnh hơn nữa thì mới tốt".
Ông yêu cầu công cuộc phòng chống tham nhũng không được ngơi nghỉ, không được để người dân có suy nghĩ Đảng và Nhà nước chùng xuống.
Từ Ủy viên Bộ Chính trị đến nguyên Phó thủ tướng, bộ trưởng
Tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh được minh chứng bằng việc nhiều cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự về những sai phạm của mình.
Trong tháng cuối cùng của năm 2019, ông Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - bị đề nghị kỷ luật vì có vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ cương vị Phó thủ tướng, đã cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II).
Ông Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trước đó vài tháng, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó thủ tướng, vì đã ký một số văn bản ý trái với kết luận của Bộ Chính trị và nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước...
Ở cấp bộ trưởng, tháng 10/2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khai trừ Đảng hai cựu ủy viên Trung ương, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.
Ông Son và ông Tuấn cùng bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Cả hai bị cáo buộc “Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”. Cả hai vừa phải hầu tòa sơ thẩm trong những ngày cuối năm. Trong đó, mức án dành cho ông Son là chung thân, ông Tuấn là 14-16 năm tù.
Hai cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn. |
Ở cấp thứ trưởng, năm 2019, Bộ GTVT có đến 4 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng cùng bị kỷ luật vì có những vi phạm nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công bị kỷ luật cảnh cáo. Hai ông Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật cùng nhận hình thức kỷ luật khiển trách.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường bị Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức cách chức vụ trong Đảng và bị xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT giai đoạn 2011-2015 và 2016-2017.
Ở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật với mức cảnh cáo vì vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của Đảng, về trách nhiệm nêu gương...
Lãnh đạo tỉnh “dính chàm”, tướng lĩnh vướng lao lý
Hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành phố cũng dính sai phạm và bị kỷ luật nghiêm khắc và Khánh Hoà là ví dụ điển hình. Ban Thường vụ tỉnh này đã có hàng loạt dấu hiệu sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng đất.
Ông Lê Thanh Quang - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa. Ảnh: An Bình. |
Trong đó, trách nhiệm cá nhân của các lãnh đạo tỉnh, trước hết là ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, khi để xảy ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.
Loạt lãnh đạo tỉnh này từ Chủ tịch (ông Lê Đức Vinh) đến Phó chủ tịch (ông Đào Công Thiên) đều bị cách chức. Cựu Chủ tịch tỉnh Nguyễn Chiến Thắng cũng bị xoá tư cách chức vụ trong quá khứ.
Bê bối gian lận thi cử năm 2018 khiến 2 lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật, đề nghị kỷ luật. Trong đó, Phó chủ tịch tỉnh Hoà Bình Bùi Văn Cửu phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo.
Nguyên Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương - bị đề nghị kỷ luật vì vi phạm Quy định trách nhiệm nêu gương, khi để người thân tác động nâng điểm cho con.
Nguyên Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, bị đề nghị kỷ luật vì vi phạm Quy định trách nhiệm nêu gương, khi để người thân tác động nâng điểm cho con. Ảnh: Hoàng Hà. |
Không chỉ vậy, trong lực lượng vũ trang, năm 2019 ghi nhận nhiều trường hợp tướng lĩnh quân đội, công an bị kỷ luật. Trong đó, đại tá Nguyễn Ngọc Thư và đại tá Đào Ngọc Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, bị cách tất cả chức vụ trong Đảng vì liên quan việc bổ nhiệm, phong hàm cho Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) sai quy định.
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, ông đã bị cách chức trong Đảng, xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Hình thức kỷ luật này xuất phát từ việc ông Hiến đã vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng đối với 10 khu đất quốc phòng.
Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình trong thời gian giữ cương vị Chính ủy Quân chủng Hải quân cũng đã có nhiều sai phạm và bị kỷ luật cảnh cáo.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến và ông Huỳnh Tiến Mạnh. Ảnh: Nguyễn Hưng, An ninh Hải Phòng. |
Đặc biệt, ở Đồng Nai, nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo công an tỉnh đã mắc sai phạm và bị kỷ luật. Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai bị mất chức vì để nhiều cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật và pháp luật; vi phạm trong công tác cán bộ; để Phòng CSGT (do ông trực tiếp phụ trách) xảy ra vi phạm kéo dài, có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, còn có 1 cựu giám đốc, 2 phó giám đốc cùng 2 cựu phó giám đốc công an tỉnh này phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo.
Phải làm mạnh hơn nữa
Nhìn vào việc hàng loạt cán bộ bị kỷ luật thời gian qua cũng như những phát ngôn về quyết tâm chống tham nhũng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nhận định thời gian qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã phát huy rất tốt vai trò trong chỉ đạo quyết liệt chống tham nhũng, tạo dựng niềm tin cho nhân dân.
"Người dân kỳ vọng việc này sẽ được tiếp tục mạnh mẽ hơn với tinh thần kỷ luật nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", ông Vũ Mão nói.
Ngày 12/10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII. Nhắc đến số lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ, ông nói: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân”. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Còn theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư, Bộ Chính trị và Ban bí thư, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng chống tiêu cực, tham nhũng đã đạt những kết quả tốt. Người dân kỳ vọng việc này sẽ tiếp tục có bước tiến, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII.
“Tôi luôn ấn tượng với phong cách làm việc trách nhiệm, quyết liệt nhưng lại luôn bình tĩnh của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Mong ông luôn khỏe để tiếp tục có những chỉ đạo đúng đắn, đem lại niềm tin cho nhân dân”, ông Hùng gửi gắm.