Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lở bờ sông, hàng trăm người sống màn trời chiếu đất

Suốt đêm 15 đến hết ngày 16/11, gần 20 hộ dân với gần 100 người của thôn 11 (xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) lâm vào cảnh màn trời chiếu đất và suýt bỏ mạng vì dòng nước hung hãn dưới chân thủy điện Đăk Mi 4 cuộn về.

Đợt lũ trong hai ngày 15 và 16/11 ở các tỉnh miền Trung không những vượt mốc lịch sử ở nhiều nơi mà còn diễn ra quá nhanh, trước đây chưa từng chứng kiến.

Chiều 16/11, lũ bắt đầu rút chậm, nhưng nước từ thượng nguồn sông Kôn, sông Hà Thanh vẫn cuồn cuộn đổ về nên nhiều huyện như Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước (Bình Định) vẫn còn ngập trong lũ. Riêng huyện Tuy Phước bị cô lập, chia cắt kéo dài.

Trở tay không kịp

“Hàng ngàn người dân huyện Tuy Phước đang cầu cứu, chính quyền đã cố gắng làm hết sức mình để cứu dân trong lúc ngặt nghèo, nhưng sức lực của địa phương có hạn, chúng tôi kêu gọi giúp đỡ”, trưa 16/11, phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Phạm Tích Hiếu cho biết.

Ông Hiếu cho biết quay quắt nhất là hơn 5.000 dân ở hai thôn Cồn Chim và Huỳnh Giản Nam nằm chơ vơ trên đầm Thị Nại giữa muôn trùng nước lũ từ sông Kôn và sông Hà Thanh đang ào ào đổ về.

“Bà con ở đó đang cần từng ngụm nước ngọt, từng gói mì cầm hơi mà nơi này sẽ là nơi lũ rút sau cùng vì là vùng trũng nhất, hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài”, ông Hiếu nói.

“Nước lũ từ thượng nguồn sông Kôn bất ngờ đổ về quá nhanh nên chính quyền và người dân trở tay không kịp”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc nhận định.

Các chiến sĩ trung đoàn cảnh sát cơ động 23 Duyên hải - Nam Trung bộ giúp đưa một em bé trong vùng lũ xuống canô

Cụ Lê Bạn (83 tuổi, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) cho biết: “Tui đã gần đất xa trời, cả đời chỉ chứng kiến vài trận lũ lụt lớn thế này. Ngày trước, lũ lụt cũng lớn nhưng nước lên chậm và rút nhanh, lũ hồi xưa mang về phù sa cho ruộng đồng và tôm cá, còn bây giờ sao lũ về nhanh quá, cuốn phăng phăng hết, chỉ kịp leo lên mái nhà kêu cứu”.

Đến chiều 16-11, hàng ngàn hộ dân ở huyện Tây Sơn vẫn còn bị cô lập, chia cắt. Công việc ứng cứu rất khó khăn. Tương tự, hơn 35.000 nhà dân của thị xã An Nhơn và 42.000 nhà dân huyện Tuy Phước còn ngập sâu trong lũ.

Hàng trăm người dân thoát chết

Suốt đêm 15 đến hết ngày 16/11, gần 20 hộ dân với gần 100 người của thôn 11 (xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) lâm vào cảnh màn trời chiếu đất và suýt bỏ mạng vì dòng nước hung hãn dưới chân thủy điện Đăk Mi 4 cuộn về.

Dòng nước hung dữ đã “ăn vào” bờ sông Trường (một nhánh ở đầu nguồn sông Thu Bồn) khiến đất sụt lở, gần 20 căn nhà bỗng chốc đứng chơ vơ bên vực thẳm.

Vụ việc xảy ra 17h ngày 15/11 nhưng do tuyến đường từ trung tâm huyện Phước Sơn đến xã Phước Hiệp bị cắt đứt nên sáng 16/11 các cơ quan chức năng mới hay tin.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Nam, đến 16g ngày 16/11, các hồ thủy điện ở thượng nguồn như Sông Tranh 2, A Vương, Đăk Mi 4 vẫn tiếp tục xả tràn với lưu lượng hàng ngàn mét khối/giây.

Tại Đà Nẵng, mưa lớn từ tối 15 kéo dài đến chiều 16/11 cùng với đó là nước lũ từ huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đổ về khiến hàng ngàn nhà dân ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) bị nước nhấn chìm, huyện Hòa Vang phải di dời khẩn cấp gần 2.000 hộ dân đến nơi an toàn. Mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến phố của Đà Nẵng chìm trong nước, xe cộ không thể lưu thông. Trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Trường Sơn, quốc lộ 14B nhiều đoạn nước ngập gần 1m. Xe máy, ôtô qua đây bị nước ngập làm hư hỏng.

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm