Ngày 23/6, Facebook đưa ra thông báo sẽ xóa tất cả những bài đăng liên quan tới việc "mua, bán và trao đổi cổ vật lịch sử". Quyết định xuất phát sau hàng loạt chỉ trích mạng xã hội này chính là "chợ đen" lớn nhất trên Internet để tiêu thụ những cổ vật bị đánh cắp ở Trung Đông.
Theo New York Times, các tổ chức khảo cổ học cho biết đã theo dõi và phát hiện hơn 200 nhóm cộng đồng Facebook với khoảng 2 triệu thành viên đang ngày đêm buôn bán, trao đổi cổ vật bất hợp pháp. Các nhóm này còn hướng dẫn về cách đào trộm và cách bán hàng để thu về nhiều lợi nhuận nhất có thể.
Các món khảo cổ phổ biến bao gồm các món di tích chôn cất bên dưới lòng đất, đá điêu khắc, đá khảm và trong một số trường hợp là nguyên phần mộ, quách cổ từ Syria, Ai Cập và Iraq.
Có khoảng hơn 200 nhóm cộng đồng Facebook đang tiến hành buôn bán, trao đổi trái phép cổ vật trộm cắp từ Trung Đông. Ảnh: PBS. |
Các đối tượng buôn bán cổ vật còn sử dụng nhóm cộng đồng Facebook để livestream trực tuyến cho các thành viên thấy họ đang đào trộm những cổ vật thật, sau đó rao bán liền tay cho người xem.
"Người dẫn đầu buổi livestream luôn cố gắng trấn an rằng họ bán sản phẩm thật, thỉnh thoảng họ còn cho người xem thấy địa bàn nơi vụ khai quật đang diễn ra", Katie Paul, đồng sáng lập Dự án theo dõi về di sản cổ vật Trung Đông cho biết.
Paul cho biết người mua và người bán sau khi đồng ý về giá, sẽ chuyển sang một ứng dụng bảo mật để hoàn thành giao dịch, nên rất khó để truy vết những món cổ vật bị đánh cắp này.
"Vấn đề này đã tồn tại trong nhiều năm nhưng Facebook không có hành động cụ thể để xử lý, nền tảng của họ đóng vai trò như một cửa hàng chính thức cho những kẻ đánh cắp vô tư bán cổ vật ra khắp hành tinh", Paul nói thêm.
Amr al-Azm, Giáo sư Đại học Shawnee, Ohio đồng ý với quan điểm Facebook chính là một "chợ đen" kỹ thuật số tạo điều kiện cho việc buôn bán cổ vật trái phép dễ dàng được thực hiện.
"Tôi không đồng ý phải cách Facebook xóa những bài đăng. Ảnh và video của cổ vật bị đánh cắp cần được giữ lại để làm bằng chứng theo dõi", Amr chia sẻ.
Chính sách của Facebook định nghĩa cổ vật "là những vật phẩm quý hiếm, có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc khoa học, bao gồm các vật phẩm như tiền xu, bia mộ, con dấu khắc hoặc các văn bản".
"Facebook có đầy đủ những quy tắc để ngăn chặn việc buôn bán các cổ vật bị đánh cắp. Vì thủ đoạn của người dùng ngày càng tinh vi, chúng tôi buộc phải cấm hoàn toàn hoạt động này trên cả Facebook và Instagram", Greg Mandel, Giám đốc chính sách đối ngoại của Facebook nói.