Liverpool - Arsenal không phải là cặp kỳ phùng địch thủ ở Premier League. Thứ hạng, khát vọng, tiềm năng khác nhau cũng khiến cho "The Kop" và "Pháo thủ" hiếm khi chạm trán ở những trận đấu có ý nghĩa thay đổi cục diện cuộc đua Premier League.
Tuy nhiên, nhìn sâu vào số phận của hai ông lớn này, ta sẽ nhận ra một câu chuyện cực kỳ thú vị, khi cả hai đều nằm trong quyền kiểm soát của những ông chủ Mỹ nhưng triều đại của "Pháo thủ" và "The Kop" lại đi theo hai hướng trái ngược hoàn toàn.
Cùng nằm trong tay chủ Mỹ nhưng số phận của Arsenal và Liverpool lại đi theo hai chiều trái ngược. Ảnh: ESPN. |
Arsenal bị chủ Mỹ bóc lột
Tạp chí chuyên nghiên cứu về các vấn đề tài chính trong bóng đá, Ramble, vừa công bố cho người hâm mộ Arsenal một thống kê bất ngờ: suốt thời gian nắm quyền ở Arsenal, ông chủ người Mỹ Stan Kroenke chưa bỏ một xu tiền túi nào cho CLB.
Từ năm 2008 đến 2017, Arsenal đã chi 236 triệu bảng vào hoạt động chuyển nhượng nhưng toàn bộ số tiền đó họ đều phải tự kiếm. Các nguồn tiền đổ vào chuyển nhượng của Arsenal đến từ bản quyền truyền hình, hợp đồng quảng cáo, marketing và tiền thưởng ở các giải đấu họ tham dự.
Năm nào kinh doanh tốt, Arsenal sẽ có tiền chuyển nhượng. Và trái lại, năm nào làm ăn không suôn sẻ, "Pháo thủ" sẽ phải mua sắm với một ngân quỹ cực kỳ eo hẹp. Trong những hoàn cảnh trớ trêu như vậy, Arsenal luôn cầu cứu ông chủ Stan Kroenke, người sở hữu khối tài sản lên tới 7 tỷ bảng, nhưng tỷ phú Mỹ chưa bao giờ ra tay cứu giúp đội bóng.
Không những không đầu tư cho Arsenal, Stan Kroenke còn tìm mọi cách biến tiền của Arsenal thành tiền riêng của mình. Tháng 9/2015, Hội cổ động viên Arsenal tình cờ phát hiện một khoản chi 3 triệu bảng từ Arsenal chuyển vào công ty có tên KSE. Tìm hiểu mới biết, KSE chính là Kroenke Sports and Entertainment - một công ty khác của tỷ phú Kroenke. Hàng năm, công ty này vẫn nhận đều đặn 3 triệu bảng từ Arsenal trên danh nghĩa tư vấn chiến lược.
Kroenke bị chỉ trích dữ dội vì dùng một công ty do chính mình sở hữu thu tiền từ Arsenal. Kể cả hoạt động tư vấn có thật thì trên tư cách đại cổ đông của Arsenal, Kroenke cũng nên miễn phí khoản tiền này cho "Pháo thủ". Arsenal hoàn toàn không nhận được một chút tình yêu nào từ Stan Kroenke. Họ bị sử dụng như một món hàng.
Phong trào phản đối Stan Kroenke chưa bao giờ nguội ở Arsenal. Ảnh: IAN KINGTON/AFP/Getty Images. |
Liverpool đổi đời nhờ người Mỹ
Trái ngược với bi kịch của Arsenal, Liverpool lại "thay da đổi thịt" hoàn toàn nhờ sự xuất hiện của ông chủ John W.Henry. Nếu như Kroenke chưa đầu tư một xu nào cho Arsenal thì kể từ khi sở hữu Liverpool, tỷ phú John Henry đã chi tới 864,4 triệu bảng vào hoạt động chuyển nhượng của "The Kop". Đây là quãng thời gian "The Kop" chi nhiều nhất trong lịch sử CLB, với vô số những bản hợp đồng chất lượng như Luis Suarez, Alisson, Virgil van Dijk, Mohamed Salah...
Vào thời điểm Kroenke tiếp quản Arsenal, "Pháo thủ" vẫn là một trong những ứng viên lớn cho ngai vàng Premier League, nằm bền vững trong nhóm "tứ đại gia". Chiều ngược lại, thời điểm John Henry mua Liverpool, "The Kop" đang ở vào giai đoạn khốn đốn bậc nhất trong lịch sử.
Hai ông chủ cũ Tom Hicks và George Gillett ra đi để lại cho Liverpool khoản nợ 237 triệu bảng và một điều kiện phát triển cực kỳ tồi tàn. Ian Ayre, người được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc điều hành Liverpool năm 2007 cho biết, ông từng bị sốc vì sự nghèo nàn của Liverpool. Toàn bộ nhân viên của "The Kop" có thời điểm chỉ khoảng 200 người. Một số hoạt động như bán lẻ phải thuê người ở ngoài đảm nhiệm.
Trong khi Kroenke không đầu tư mua sắm gì cho "Pháo thủ" thì tôn chỉ của ông chủ John Henry là: “Sẵn sàng chi tiền nếu cầu thủ đó xứng đáng. Điều quan trọng là thu lại giá trị tối đa từ những bản hợp đồng, để tạo nên chất lượng và chiều sâu. Tiết kiệm vài triệu bảng chả có nghĩa lý gì”.
Tỷ phú John Henry (ngoài cùng bên phải) đã thay da đổi thịt Liverpool. Ảnh: Getty Images. |
Dưới triều đại của Kroenke, thượng tầng Arsenal luôn trong tình trạng rối loạn. Các cổ đông tranh nhau từng cổ phiếu, từng cơ hội để hút máu CLB. Đó là những con người mà theo "fan" Arsenal mô tả là “không có DNA của Arsenal trong máu”.
Liverpool thì ngược lại. Từ một đội bóng nợ nần ngập đầu, tương lai tăm tối, họ đã trở lại hàng ngũ các đại gia và vừa vô địch Champions League. Trong khi Kroenke thu tiền tư vấn cho Arsenal thì John Henry dành tất cả tâm huyết cho Liverpool. Ngày ông ra mắt sân Anfield, John Henry còn gây được ấn tượng đẹp khi đọc lại câu nói huyền thoại của Bill Shankly, chứng tỏ ông đã bỏ công tìm hiểu lịch sử và hiểu được những nét văn hóa của "The Kop", dù bản thân là dân ngoại đạo.
Vậy đó, cùng chủ Mỹ, nhưng trong khi Liverpool được hưởng tình yêu, tiền bạc thì Arsenal khốn khổ trong sự tham lam của giới chủ.