Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liệu có muộn để ngăn bê tông hóa Phú Quốc?

Phú Quốc bây giờ giống như nhiều tỉnh miền Trung, các bãi biển bị lấp bởi các nhà hàng, khu resort, tạo thành những con đê chắn trước biển.

Đó là nhận định của PGS TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), khi trao đổi với Zing.vn về trận lụt Phú Quốc. Theo ông, cách phát triển thiếu bền vững này của con người cùng với bất thường của thời tiết khiến Phú Quốc ngập sâu dù bao quanh bởi biển.

Ông cho rằng Phú Quốc cũng như các địa phương ven biển khác cần xem xét hệ sinh thái, sức chịu tải của môi trường trước khi cấp phép dự án. Tiêu chí chọn nhà đầu tư cũng cần thêm thành tích về mặt môi trường, xã hội của mỗi doanh nghiệp. 

chuyen gia noi ve phu quoc anh 1
PGS TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Ðại học Cần Thơ). Ảnh: Báo Nhân Dân.

Những khu resort như một con đê chắn ngang bờ biển

- Hiện tại có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra dẫn tới trận ngập lụt lịch sử tại Phú Quốc vừa qua. Là một chuyên gia nghiên cứu về môi trường và biến đổi khí hậu, góc nhìn của ông là gì?

- Tôi cho rằng có 2 nguyên nhân chính là sự bất thường của thời tiết và do con người.

Lượng mưa trong những ngày qua ở Phú Quốc là khoảng 1.000 mm trong 9 ngày từ 2-9/8. Lượng mưa này bằng khoảng 1/3 của trung bình cả năm. Đây là dấu hiệu bất thường của thời tiết rất rõ ràng. Lượng nước từ trên cao đổ xuống vùng đô thị là thị trấn Dương Đông và khu vực cửa tràn gây ra ngập lụt.

Nguyên nhân thứ hai là do con người. Thời gian qua, đô thị hóa tại Phú Quốc diễn ra quá nhanh. Trong khi đó hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được tốc độ đô thị hóa và sự bất thường của thời tiết.

Hệ thống cống rãnh của thị trấn Dương Đông chưa được cải tạo hay mở rộng bao nhiêu so với trước kia. Trong khi đó rác thải đổ xuống và quá trình san lấp diễn ra khá nhiều. Công tác quản lý lại yếu kém. Hệ thống giao thông bị đào xới lên rất nhiều, không quan tâm đến hệ thống thoát nước. Việc nâng cấp các trục đường xung quanh đảo diễn ra nhưng hệ thống cống lại làm quá nhỏ.

Một nguyên nhân khác là chính quyền Phú Quốc không cho phá rừng nhưng người dân vẫn lén lút lên phá, từ đó làm giảm chất lượng rừng.

Phú Quốc lại phát triển quá nóng, ai cũng ráng chạy qua đó để mua đất. Hạ tầng không đáp ứng được. Rất nhiều dự án cấp phép ven biển, hạ tầng khu vực đó đáp ứng như thế nào với hạ tầng thoát nước chung là dấu hỏi. Những dự án đó như một “rừng bê tông” chắn ngang ven biển, thoát nước không đảm bảo khi lượng mưa bất thường.

Đất đai bị bê tông hóa rất nhiều. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói không được bê tông hóa Phú Quốc, nhưng theo tôi điều đó là muộn rồi. Bây giờ nhiều resort, nhà ở mọc lên rất nhiều rồi làm cho đất ngấm nước mưa tự nhiên bị thu hẹp, đường thoát bị cản, cần xem xét lại.

chuyen gia noi ve phu quoc anh 2
Phú Quốc vừa chịu đợt mưa lớn chưa từng có trong lịch sử, khiến hòn đảo bị ngập ở nhiều địa điểm. Ảnh: Thuận Thắng.

- Dư luận có nhắc đến việc quy hoạch quá nhiều dự án bất động sản ven biển tạo ra sự bất hợp lý. Nó như những “rừng bê tông” chắn đường thoát lũ. Cá nhân ông thấy điều đó như thế nào?

- Phú Quốc bây giờ giống như nhiều tỉnh miền Trung. Các bãi biển bị lấp bởi các nhà hàng, khu resort. Từ đó dẫn đến các hệ thống thoát nước tự nhiên bị chặn lại.

Mà thường những dự án đó khi xây dựng sẽ đổ đất cao hơn đất hiện hữu, như một con đê. Trong tính toán lại không lường hết bất thường của thời tiết. Họ cứ lấy lượng mưa trong quá khứ, nhỏ hơn bây giờ để xây dựng các công trình.

Các thông số thiết kế không điều chỉnh kịp sự bất thường của thời tiết. Trước kia, ở Phú Quốc lượng mưa thông thường khoảng 100-120 mm, bây giờ có những trận trên 150 mm. Trong thiết kế và quy hoạch phải tính sự bất thường thời tiết, cực đoan hơn, tăng lưu lượng thoát ra.

Phú Quốc cũng cần giữ vùng rừng đầu nguồn, không cho người dân xâm hại.

Cấp phép các dự án cần xem xét sức chịu tải của môi trường tới đâu

- Ngoài những giải pháp cấp bách để cải tạo hệ thống thoát nước, Phú Quốc cần ứng xử thế nào với làn sóng các dự án bất động sản ồ ạt đổ vốn vào nơi đây? Làm thế nào để phát triển kinh tế mà không làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, ứng phó với biến đối khí hậu?

- Phú Quốc một mặt cần tăng cường hệ thống thoát nước, một mặt không nên dễ dãi cấp phép dự án. Thậm chí là cần chọn lọc dự án.

Một số đảo trên thế giới, chính quyền thậm chí còn hạn chế khách du lịch, chọn lọc khách đến. Một số nơi áp dụng quy định không mang theo rác thải nhựa, túi nylon. Một số nơi cấp phép kèm theo theo điều kiện về xử lý chất thải.

Chúng ta thấy thực trạng ở Côn Đảo, rác ở đó không thể xử lý nổi và phải chở vào đất liền. Côn Đảo hay Phú Quốc mới chỉ cấp phép dự án đơn thuần mà không đi kèm với các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cấp thoát nước, hệ thống xử lý rác thải. Thậm chí ở những địa phương này, năng lực quản lý vẫn còn hạn chế.

Phú Quốc khi cấp phép các dự án cần xem xét hệ sinh thái, sức chịu tải của môi trường tới đâu. Hay nói cách khác cần xem xét tài nguyên đất, nước, cây trồng, khả năng chịu đựng của thiên nhiên đến mức nào, rồi mới quyết định số người định cư và khách du lịch.

Mấy năm trước có những người ở Phú Quốc liên hệ với Đại học Cần Thơ nhờ thiết kế hệ thống trữ nước ngọt bởi ở đây thường thiếu nước vào mùa khô. Mùa mưa có thể xảy ra lũ như vừa qua, nhưng đến mùa khô thì thiếu nước liền.

Du khách tăng nhanh đến Phú Quốc thường đi kèm với nhu cầu sử dụng rất nhiều nước, nhiều hơn cả những người dân địa phương. Ví dụ một người dân ở nhà, một ngày dùng trung bình 100-120 lít nước. Du khách thường dùng rất nhiều, có thể dùng tới 200 lít nước.

Đó là chưa kể lượng nước dùng để thay giặt đồ đạc hàng ngày, nhu cầu nhà hàng, dịch vụ khác… Tính toán cụ thể lượng nước đáp ứng cho du lịch, mình phải xem xét từ những cái nhỏ như vậy.

Bài học không chỉ riêng cho Phú Quốc mà còn Hạ Long, Đà Lạt, Sa Pa…

- Vậy bài học của Phú Quốc còn có thể ứng dụng với nhiều địa phương khác đang phát triển “nóng”? Chúng ta có cần luật hóa các quy định để tránh việc phát triển quá nhanh mà vượt quá sức chịu đựng của môi trường tự nhiên?

- Đúng vậy, đây là bài học không chỉ riêng cho Phú Quốc mà cả những địa điểm du lịch nổi tiếng khác như Hạ Long, Đà Lạt, Sa Pa…

Về luật hóa, tôi thấy rằng Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch có nhấn mạnh yếu tố tích hợp. Trước kia, mỗi ngành lại có một bản quy hoạch riêng. Ví dụ ngành xây dựng làm quy hoạch riêng, hạ tầng làm một bản khác, ngành nông nghiệp cũng vậy. Bất cập là những bản quy hoạch đó “đạp lên nhau”, không tương thích, thậm chí là trói buộc nhau.

Hiện tại, cần áp dụng nhanh chóng Luật Quy hoạch, nghĩa là có quy hoạch tích hợp, tương thích hài hòa những quy hoạch ngành. Muốn xây dựng hay cấp phép dự án nào, đểu phải xem xét quy hoạch tổng thể tất cả các lĩnh vực có phù hợp không.

Tuy nhiên, tối thấy rằng thực trạng của Phú Quốc hiện này là đã thực hiện những quy hoạch trước đó. Những công trình đã được phê duyệt, đã xây dựng rồi nên sửa chữa là rất khó. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là mình không làm.

chuyen gia noi ve phu quoc anh 7
Đồ họa: Nhân Lê.

- Nhưng nhiều người cho rằng nếu không phát triển nhanh, không tận dụng thì tuột mất cơ hội?

- Đúng là Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, nhiều đô thị đang phát triển giống như “ăn xổi, ở thì”. Tôi cho rằng họ xây dựng hào nhoáng bên ngoài, nhưng rủi ro và rất nhiều nguy cơ bên trong. Nguy cơ dễ nhận thấy là về ô nhiễm môi trường và bất ổn xã hội…

Do đó, tôi nhấn mạnh cần phải coi trọng câu chuyện phát triển nhưng phải bền vững.

- Các chủ đầu tư bất động sản khi đến với Phú Quốc xây dựng các đại dự án và thu được nhiều lợi nhuận từ đây. Họ cần đóng góp gì cho dự phát triển bền vững ở đảo ngọc?

- Bây giờ phải xem xét trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ở nước ngoài, khi đấu thầu, cấp phép một dự án nào đó, chính quyền ngoài xem xét năng lực của chủ đầu tư, còn xem xét đến trách nhiệm xã hội, đóng góp với cộng đồng.

Một doanh nghiệp từng biết cách bảo vệ môi trường, kiểm soát rác thải, trích một phần lợi nhuận để xử lý rác thải, tham gia các hoạt động cộng đồng sẽ được những điểm ưu tiên hơn. Chúng ta lại khác. Khi cấp phép, chúng ta chủ yếu xem năng lực nhà thầu, vốn điều lệ, ít khi nào xem xét thành tích về mặt xã hội, môi trường.

Chúng ta cần thay đổi điều đó.

Hiếu Công

Đồ họa: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm