An ninh sân bay Tân Sơn Nhất vừa phát hiện một hành khách người Campuchia mang theo trong hành lý xách tay 4 viên đạn còn nguyên hạt nổ. Hành khách này tên Chun Sokhoun (26 tuổi) dự kiến đi chuyến bay K6813 từ TP.HCM đi Phnompenh.
Tại thời điểm kiểm tra, hành khách không xuất trình được các giấy tờ có liên quan.
Đủ chiêu đối phó lực lượng chức năng
Đáng lưu ý, cùng ngày, an ninh hàng không cũng phát hiện một hành khách người Nhật Bản tên Okada Masami (51 tuổi) để 2 chân đế súng máy trong hành lý ký gửi.
Lực lượng chức năng đã tạm giữ tang vật và cách ly nam hành khách dự định bay đi sân bay Kansai (Nhật Bản) này đồng thời kiểm tra trực quan hành khách và hành lý nhưng không phát hiện gì thêm.
Cách đó không lâu, an ninh sân bay Tân Sơn Nhất cũng phát hiện một hành khách 53 tuổi, quốc tịch Mỹ, tên Hernandez Anselmo Virgilio mang bình xịt hơi cay hiệu MACE trong hành lý xách tay. Hành khách dự kiến đi chuyến bay từ TP.HCM đi Kuala Lumpur (Malaysia) của hãng hàng không Air Asia.
Cùng thời điểm, an ninh hàng không sân bay Nội Bài phát hiện trong hành lý xách tay của một nam hành khách một súng bắn đạn hơi cay màu đen, cùng với 3 viên đạn màu vàng nằm trong hộp tiếp đạn. Hành khách sau đó đã xuất trình giấy phép sử dụng súng nhưng… đã hết hạn. Được biết, nam hành khách tên Phạm Ngọc L. (43 tuổi, thường trú tại Hà Giang), dự kiến đi chuyến bay TG561 của Thai Airways từ Nội Bài đi Bangkok (Thái Lan).
Một vụ việc khác, nhân viên an ninh soi chiếu tại Nội Bài phát hiện trong hành lý xách tay của hành khách tên Đặng Hồng S. (32 tuổi, thường trú tại Đắk Nông) một ống ngắm của súng và 1 khoá nòng súng. Hành khách này sau đó khai nhặt được những thứ này khi đang làm nương, sau đó mang về giấu trong ba lô của mình. Được biết, hành khách dự định đi chuyến bay VJ491 từ Hà Nội đi Buôn Ma Thuột.
Phạt nặng vi phạm
Đại diện Cục Hàng không VN cho hay, quy định về an ninh hàng không nêu rõ cấm hành khách mang theo các vật phẩm: Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bao gồm các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laser, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này; các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; các loại lựu đạn khói, lựu đại cay, quả nổ; các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, còng khóa số 8, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn; động vật nghiệp vụ…
Ngoài ra, theo Điều 5, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ gồm: Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ; mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ...
Theo quy định hiện hành, cá nhân, tổ chức mua hay sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép. Những hành vi vi phạm quy định về sử dụng công cụ hỗ trợ sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ; phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả, sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép.