Cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 đang trở thành tâm điểm trên thị trường chứng khoán khi vướng vào sự cố liên quan tới YouTube gần đây. Ngay sau thông tin bị YouTube chấp dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung ngày 3/3, cổ phiếu YEG đã giảm sàn 5 phiên liên tiếp khiến thị giá mất hơn 35%, cùng với hơn 2.300 tỷ đồng vốn hóa của doanh nghiệp cũng đã “bốc hơi”.
Lãi tăng vọt trước giờ niêm yết
Yeah1 là trường hợp đặc biệt trên sàn chứng khoán Việt khi một công ty mới niêm yết nhưng được định giá lên tới 250.000 đồng/cổ phiếu trong ngày giao dịch đầu tiên.
Trước khi giảm sàn 5 phiên liên tiếp, thị giá của YEG cũng được giao dịch trong khoảng 245.000 đồng, mức giá thuộc nhóm cao nhất thị trường hiện nay.
Chính điều này đã giúp Yeah1, một doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng, cùng mức lợi nhuận không quá ấn tượng nhưng lại sở hữu vốn hóa thị trường lên tới hơn 7.000 tỷ đồng.
Trong năm 2015-2016, kết quả kinh doanh của Yeah1 không quá nổi bật khi chỉ thu về lần lượt 426 tỷ và 574 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận trước thuế trong 2 năm này cũng chỉ trên dưới 20 tỷ đồng.
Đến năm 2017 - một năm trước khi niêm yết, kết quả kinh doanh của Yeah1 bất ngờ tăng vọt khi đạt 852 tỷ doanh thu và hơn 96 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 4 lần so với những năm trước.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế tăng mạnh nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Yeah1 năm 2017 chỉ tương đương với năm 2016, dương 25 tỷ đồng.
Nguyên nhân do Yeah1 tăng mạnh doanh thu từ hoạt động kinh doanh nhưng thực chất lại chưa thu được tiền từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Theo đó, cùng với đà tăng của doanh thu năm này thì các khoản phải thu của công ty cũng tăng thêm 221 tỷ đồng (năm 2016 chỉ tăng 33 tỷ đồng).
Đến năm 2018, báo cáo tới 227 tỷ lãi trước thuế nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty thậm chí còn âm 110 tỷ đồng. Và các khoản phải thu tiếp tục tăng thêm 213 tỷ đồng.
Theo nghiệp vụ kế toán, các khoản phải thu thực chất là phần doanh thu của công ty nhưng chưa thu được tiền nên phải thể hiện trên bảng cân đối kế toán. Nhiều doanh nghiệp vẫn hạch toán khoản mục này vào chỉ tiêu doanh thu, giúp chỉ số này tăng trưởng, nhưng thực chất tiền bán hàng vẫn chưa được thu về tài khoản.
Với Yeah1, các khoản này chủ yếu đến từ phải thu bên thứ 3, là các công ty vận hành nền tảng quảng cáo mà Yeah1 đang phát triển nội dung như Google Asia Pacific Ltd; Công ty TNHH Truyền thông MMS Việt Nam, Công ty TNHH Aegis Media Việt Nam; Công ty Springme Pte hay Facebook Ireland Limited…
Bên cạnh đó, việc giảm hàng tồn kho và tăng chi phí trả trước ngắn hạn đã khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Yeah1 âm rất lớn trong năm qua.
Mang 50% tài sản đi gửi ngân hàng
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm nhưng dòng tiền thuần trong năm của Yeah1 vẫn dương 150 tỷ đồng. Điều này nhờ vào khoản tiền hơn 1.147 tỷ đồng mà công ty thu được từ phát hành cổ phiếu và nhận vốn góp của chủ sở hữu. Đây chính là tiền Yeah1 thu được từ việc bán vốn cho đối tác ngoại hồi giữa năm 2018.
Sở hữu hơn nghìn tỷ dòng vốn mới, hầu hết Yeah1 mang đi gửi ngân hàng và mua trái phiếu doanh nghiệp lấy lãi.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, Yeah1 có tổng cộng 855 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng. Bao gồm 150 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn; 35 tỷ đồng tiền gửi có thời hạn 1-3 tháng tại các ngân hàng hưởng lãi suất 3-5,5%/năm; còn lại, gần 670 tỷ đồng đang được doanh nghiệp này gửi định kỳ ngân hàng hưởng lãi 4,3-8,2%/năm.
Yeah1 cũng đang chi hàng trăm tỷ đồng để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong đó có 100 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Nhựa Đại An; 100 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông; 50 tỷ đồng đầu tư tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine và 40 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM.
Chính các khoản tiền này cùng 114 tỷ đồng chi để đầu tư góp vốn vào các đơn vị kinh doanh khác khiến dòng tiền từ hoạt động đầu tư của Yeah1 năm vừa qua cũng âm 914 tỷ đồng.
Thủ thuật làm đẹp báo cáo tài chính?
Thực tế, việc doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm không phải chuyện hiếm. Với những doanh nghiệp mới, việc phải mở rộng kinh doanh, nhập hàng hóa, tăng phải thu, phải trả… khiến dòng tiền kinh doanh âm.
Và để bù đắp công ty phải sử dụng tới nguồn vốn vay hoặc huy động vốn từ cổ đông.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, về dài hạn dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông.
Với nhiều nhà đầu tư việc một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng trưởng luôn mang tới cơ hội đầu tư hiệu quả. Nhưng việc chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh là chưa đủ để đánh giá sức khỏe và tính ổn định của doanh nghiệp.
Báo lãi lớn mà dòng tiền kinh doanh âm tức là bán được hàng nhưng chưa thu được tiền. Nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra sẽ khiến doanh nghiệp không có vốn lưu động để tiếp tục sản xuất.
Trao đổi với Zing.vn, kế toán trưởng một doanh nghiệp Nhà nước lớn cho hay dòng tiền duy trì tất cả hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Bằng nhiều thủ thuật kế toán, doanh nghiệp có thể báo cáo lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 2-3 con số, nhưng điều đó sẽ được thể hiện trong dòng tiền.
Nếu nguồn tiền thu về từ bán hàng không đủ để trả chi phí sản xuất, doanh nghiệp sẽ buộc phải đi vay tiền, huy động vốn từ cổ đông, bán vốn hoặc bán tài sản để có tiền.
Vị này cũng cho biết thực tế không ít trường hợp doanh nghiệp Việt để muốn làm đẹp báo cáo tài chính nên đã sử dụng những thủ thuật nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận khiến những nhà đầu tư ít kiến thức chủ quan.