Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liên tiếp 5 hệ thống siêu thị điện máy 'gục ngã' trong 5 năm

Trong cuộc chạy đua cạnh tranh khốc liệt của thị trường điện tử, điện máy, chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm qua, thị trường đã chứng kiến có tới 5 hệ thống phải “gục ngã”.

Topcare

Topcare số 1 Hoàng Minh Giám (Hà Nội). 

Ngoài Topcare vừa đóng cửa toàn bộ 6 điểm bán tính đến ngày 23/1/2015 (nhưng chưa đưa ra thông tin chính thức về số phận của mình - PV), từ năm 2011 đến nay, thị trường điện máy trong nước đã chứng kiến 4 hệ thống khác đã phải phá sản, bao gồm WonderBuy năm 2011, Best Carings năm 2012, HomeOne năm 2013 và Việt Long trong năm 2014.

Trong vòng chưa đầy 5 năm qua, thị trường điện máy trong nước đã chứng kiến có đến 5 hệ thống lớn phải “ngã ngựa”. Thực tế đang cho thấy sự sàng lọc, cuộc chạy đua cạnh tranh của lĩnh vực này ngày càng trở nên khốc liệt.

Dưới đây là 4 thương hiệu, từ doanh nghiệp non trẻ mới có 1-2 năm kinh doanh, cho tới doanh nghiệp có hàng chục năm "chinh chiến" đã từng bị bật khỏi cuộc cạnh tranh:

WonderBuy

Tháng 6/2011, hệ thống siêu thị điện máy “bán hàng kiểu Mỹ” đầu tiên tại Việt Nam thương hiệu WonderBuy, thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Điện máy - Máy tính - Viễn thông Hợp Nhất trụ sở tại TP HCM đã chính thức tuyên bố phá sản sau chưa đầy 1 năm hoạt động.

WonderBuy được khai trương tháng 6/2010 kinh doanh hơn 70.000 chủng loại hàng điện máy và nội thất. Sau 1 năm hoạt động, tính đến 10/6/2011, hệ thống này bị lỗ tới 52 tỷ đồng, trong đó có 9 tỷ tiền đặt cọc thuê mặt bằng, 20 tỷ đồng hàng hoá, nợ hơn 11,5 tỷ đồng tiền thuê nhà, đầu tư thiết bị…

Wonderbuy bị thua lỗ đến vài chục tỷ đồng chỉ sau vỏn vẹn 1 năm kinh doanh. Ảnh: Internet.

Tại thời điểm đó, đại diện WonderBuy cho hay nguyên nhân dẫn đến sự phá sản của hệ thống này là thực tế kinh doanh chưa đạt hiệu quả như mong muốn, tiền thuê mặt bằng địa điểm quá cao. Đồng thời việc bán cổ phần cho các đối tác chiến lược, huy động vốn từ nhà đầu tư và vay ngân hàng không thành công.

Best Carings

Ra đời từ cuối năm 12/2004, sau một thời gian kinh doanh và đạt được những thành công nhất định, tính đến năm 2012, chuỗi siêu thị điện máy Best Carings (được thành lập với sự hợp tác nhượng quyền giữa nhà bán lẻ Best Denki Nhật Bản và Công ty Tiếp thị Bến Thành) đã hiện diện tại Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ.

Những năm 2009-2010 trở về trước, Best Carings được biết đến là địa chỉ kinh doanh mặt hàng điện tử, điện máy sôi động bậc nhất của Hà Nội, từng có tên trong “Top 500 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Châu Á - Thái Bình Dương” 2009, 2010; Top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam năm 2009-2010…

Best Carings tại Vincom Long Biên. 

Nhưng sau gần 8 năm tồn tại, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các hệ thống siêu thị khác với vị trí đắc địa hơn, thường xuyên khuyến mãi mạnh tay hơn, Best Caring bắt đầu lao dốc do ế ẩm.

Trong đó, nhất là từ thời điểm năm 2010 khi Best Carings bắt đầu đi xuống khi quay lại lĩnh vực phân phối sỉ. Không bán được hàng, các chương trình khuyến mãi giảm dần và sức cạnh tranh thua xa đối thủ; các khoản nợ lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng… đã khiến cho hệ thống này lần lượt đóng cửa các điểm bán. 

Đến cuối năm 2012, hệ thống này đã chính thức đóng cửa siêu thị cuối cùng, kể cả điểm tại Vincom Long Biên, Hà Nội (mới khai trương tháng 12/2011), lặng lẽ rút khỏi thị trường điện máy tiềm năng nhưng vô cùng khắc nghiệt.

HomeOne

Tháng 9/2013, hệ thống siêu thị điện máy HomeOne, thuộc quản lý của Công ty Cổ phần dịch vụ bán lẻ Tiên Phong đã chính thức rời sân chơi thị trường điện máy.

Trước đó, từ cuối quý II/2013 đến đầu tháng 9/2013, hệ thống này đã lần lượt cho khai tử cả 3 siêu thị tại TP HCM trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), đường Đồng Nai (quận 10) và Trung tâm Vincom A, Quận 1. Ngoài ra còn có 1 website bán hàng trực tuyến.

HomeOne tại Vincom TP HCM. 

HomeOne vốn là một hệ thống bán lẻ khá lớn trên địa bàn TP HCM, có số vốn khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ sau thời gian ngắn 2 năm kinh doanh, HomeOne liên tục lâm cảnh ế ẩm không bán được hàng, nợ lương nhân viên kéo dài nhiều tháng, nợ tiền thuê mặt bằng, nợ nhà cung cấp nhiều tỷ đồng tháng, cuối cùng đã bị niêm phong thu hồi mặt bằng.

Việt Long

Ngay từ năm 2002, siêu thị điện máy Việt Long của Công ty Cổ phần Thương mại Điện máy Việt Long đã nổi lên là một trong những thương hiệu lớn bậc nhất tại thị trường Hà Nội, được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Tại thời điểm phát triển mạnh nhất, Việt Long từng sở hữu các điểm bán như 187 Giảng Võ, 80 Ngô Gia Tự, số 10 Trần Phú (quận Hà Đông) và showroom Sony Center đặt tại 222 Trần Duy Hưng, 133 Thái Hà.

Siêu thị Việt Long 80 Ngô Gia Tự (Hà Nội) tại thời điểm bị ngân hàng siết nợ tháng 2/2014. 

Tuy nhiên, sau 11 năm hoạt động, đến năm 2013, Việt Long đã liên tục lao dốc, kiệt quệ, dần phải đóng cửa các điểm bán và bị ngân hàng siết nợ.

Đến đầu năm 2014, điểm bán cuối cùng của siêu thị điện máy Việt Long tại số 80 Ngô Gia Tự (Hà Nội) đã do phía ngân hàng tiếp quản, tự đứng ra tổ chức kinh doanh để giải phóng nguồn hàng siết nợ tồn đọng, đánh dấu sự ra đi “không kèn không trống” của hệ thống lâu năm này.


http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/lien-tiep-5-he-thong-sieu-thi-dien-may-guc-nga-trong-5-nam-123092.ict

Theo Nguyên Đức/ ITCnews

Bạn có thể quan tâm