Sự gián đoạn này khiến hàng triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh sởi và các bệnh chết người khác, AFP đưa tin.
Vào năm 2020, 23 triệu trẻ đã không được tiêm những loại vaccine cơ bản dành cho trẻ nhỏ khi dịch vụ y tế thông thường bị hạn chế bởi các lệnh phong tỏa ở các quốc gia để ngăn chặn đà lây lan của đại dịch.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh cũng không đưa con đi tiêm phòng do lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus tại các cơ sở y tế.
Theo số liệu được công bố vào hôm 15/7 bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), đây là con số cao nhất trong một thập kỷ vừa qua và nhiều hơn 3,7 triệu trẻ so với năm 2019.
Tình trạng hàng triệu trẻ nhỏ không được tiêm phòng các loại vaccine thông thường càng đáng báo động hơn khi nhiều quốc gia bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và hạn chế ngay cả khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc.
Điều này không chỉ gia tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 mà còn tăng nguy cơ lan rộng của các căn bệnh thường được ngăn chặn bằng cách tiêm vaccine ở trẻ nhỏ.
Hàng triệu trẻ em trên toàn cầu đã không được tiêm vaccine phòng các căn bệnh nguy hiểm như sởi hay bại liệt trong năm 2020. Ảnh: AFP. |
Cho đến nay, các biện pháp phong tỏa ở các quốc gia đã giúp những đứa trẻ chưa được tiêm vaccine không phải đối diện với những căn bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ.
"Vào năm 2021, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với một cơn bão hoàn hảo", bà Kate O’Brien người đứng đầu bộ phận vaccine và tiêm chủng của WHO cho biết, trong đó đề cập tới "cơn bão hoàn hảo" - mang ý nghĩa một tình huống nghiêm trọng do sự kết hợp nhiều yếu tố thực tại.
Theo dữ liệu của WHO, so với năm 2019, có thêm 3,5 triệu trẻ đã không được tiêm mũi vaccine đầu tiên phòng các bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván trong năm 2020. Trong khi đó, 3 triệu trẻ đã không được tiêm mũi vaccine phòng sởi đầu tiên.
Nghiêm trọng hơn, dữ liệu trên cũng cho biết có tới 17 triệu trẻ em đang sống tại các khu vực chiến sự hay có hoàn cảnh khó khăn trên thế giới đã không được tiêm phòng trong năm vừa qua.
"Chúng ta phải hành động ngay để cứu lấy những đứa trẻ này", bà O'brien cho biết.
Theo bà Henrietta Fore, giám đốc của UNICEF, đại dịch Covid-19 đã làm sụt giảm mạnh tỉ lệ tiêm chủng ở trẻ nhỏ. Bà Fore cảnh báo rằng cái giá phải trả cho tình trạng này sẽ là sức khỏe và tính mạnh của những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Liên Hợp Quốc đã cảnh báo các quốc gia không nên hy sinh quá trình tiêm chủng cho trẻ nhỏ để đẩy mạnh tốc độ tiêm phòng vaccine Covid-19.
"Mặc dù các quốc gia đang tranh giành nguồn cung vaccine Covid-19, chúng ta lại đang bỏ qua việc tiêm chủng các loại vaccine khác, khiến cho hàng triệu trẻ nhỏ đứng trước nguy cơ nhiễm các căn bệnh nguy hiểm như sởi, bại liệt hay viêm màng não", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, giám đốc WHO nói trong môt tuyên bố.
"Sự bùng phát của nhiều loại bệnh và virus sẽ phá hủy hoàn toàn hệ thống y tế toàn cầu vốn đang phải đối mặt với sự lây lan của Covid-19. Chính vì vậy chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng ở trẻ nhỏ", ông Ghebreyesus nhấn mạnh.