Thomas Friedman, người từng hai lần giành được giải Pulitzer với tư cách phóng viên The New York Times ở Liban và Israel, tiếp tục phác họa hai đất nước trong cuốn hồi ký hấp dẫn Từ Beirut đến Jerusalem.
Cuốn sách Từ Beirut đến Jerusalem. |
Trung Đông trong bủa vây xung đột
Ngay từ khi còn học trung học, tác giả Thomas Friedman đã có một niềm đam mê kỳ lạ đối với Israel và những câu chuyện xung quanh nó. Ở Minneapolis, nơi ông lớn lên, ông từng tạo một slideshow về cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967 cho các bạn cùng lớp xem.
Từ Minneapolis đến Đại học Brandeis, ông chăm chỉ học cả tiếng Ả Rập và tiếng Do Thái (ngôn ngữ bản địa của Israel). Ông lấy bằng thạc sĩ nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oxford. Năm 1979, ông từ Oxford tới Beirut lần đầu tiên với vai trò đại diện của United Press International, từ năm 1982, với tư cách nhà báo của The New York Times. Năm 1984, ông đến Jerusalem sau gần năm năm ở Beirut.
Phong cách viết của Friedman có sự khác biệt rõ rệt trong hai giai đoạn của cuốn sách. Trong năm năm đầu tiên khi ở Beirut (Liban), Friedman dấn thân vào miêu tả những sự kiện sôi nổi, thể hiện khả năng nhận thức sắc bén nhất trong từng bài viết. Nhiều sự kiện xung đột đã được tác giả miêu tả chi tiết.
Sự kiện ám sát Tổng thống Assad khi ông đang đợi đón tiếp nguyên thủ quốc gia từ Mali tới nhà khách chính phủ ở Damascus (Syria), được thực hiện bởi những tay ám sát thuộc nhóm Những Anh em Hồi giáo ngày 26/6/1980. Assad thoát nạn, nhưng đã gây nên một cuộc báo thù kinh khủng, "khoảng 600 đến 1.000 tù nhân được báo cáo là đã bị giết".
Sự kiện người Phalange thảm sát dân làng Cơ đốc giáo ở Damour, phía Nam Beirut, diễn ra trong ba ngày, từ ngày 16/9/1976 đến ngày 18/9/1976, đã giết chết khoảng 800 đến 1.000 người dân vô tội.
Trong cuộc xâm lược của người Israel vào Liban ngày 8/6/1982, ông miêu tả những sự kiện xảy ra bằng một cảm xúc không thể kìm nén. Đứng trước những cái chết liên tục hiện ra trong đống đổ nát bởi bom đạn, ông nhận ra sự đáng sợ của của Beirut, nhận ra sự mong manh trong cuộc sống ở đây, như chính ông đã ghi lại lời bình phẩm của một nhà nghiên cứu tâm lý học trẻ tuổi của Đại học Hoa Kỳ ở Beirut: “Còn ở đây, họ thậm chí còn chẳng nhắc đến tên bạn nữa. Họ chỉ nói: Ba mươi người bị chết. Rồi, ba mươi người ấy là ai? Họ thậm chí chẳng thèm bận tâm đến việc đọc tên người ta”.
Dải Gaza chưa khi nào ngừng tiếng súng và tiếng than khóc. |
Tại Israel, Friedman trở nên nội tâm hơn, thể hiện vai trò của mình như một người Mỹ Do Thái. Những tình cảm cá nhân dành cho Israel vẫn được đưa vào cuốn sách này nhưng thông qua những phân tích thuyết phục, súc tích nhất.
Bắt đầu từ sự kiện chiến tranh 6 ngày diễn ra vào tháng 6/1967, Israel trở thành bên chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza. Phân tích lại sự kiện năm đó, Friedman hỏi: Israel là gì? “Một quốc gia của người Do Thái sống trọn trên hết phần đất của Israel nhưng không có được dân chủ? Một quốc gia dân chủ ở trên cả vùng đất của Israel, nhưng không phải của người Do Thái? Hay một quốc gia dân chủ và của người Do Thái nhưng không được chiếm hết vùng đất của Israel?”.
Ông kết luận chính xác rằng thay vì chọn trong ba lựa chọn, hai đảng chính trị lớn của Israel, Lao động và Likud bảo thủ, đã đấu tranh mạnh mẽ để tránh lựa chọn. Xung đột ở Bờ Tây và Dài Gaza không thể dừng lại.
Friedman cũng nhấn mạnh rằng người Ả Rập đã làm xấu đi tình hình ở Israel bằng cách cố ý cho Israel cảm giác rằng từ bỏ các lãnh thổ bị chiếm đóng sẽ gây nguy hiểm cho sự an toàn của đất nước.
Rõ ràng quá khứ đang cầm tù cả người Do Thái và Ả Rập. Người Ả Rập được thúc đẩy để đòi lại một cái gì đó, nếu nó đã từng tồn tại, đã khiến thế giới không thể phục hồi. Người Israel, vẫn thấy mình là những người đối nghịch, phản ứng với lịch sử, thay vì định hình nó.
Thành phố Jerusalem - nơi diễn ra những cuộc chiến tranh chấp giữa Israel và Palestine. |
Hòa bình ở phía nào?
Friedman, với tư cách là một phóng viên, với những phẩm chất của sự say mê, kiên trì, năng nổ, ông ít khi đưa ra phán quyết về những hành động của các phe phái trước tình hình ở Israel. Khi đưa ra ý kiến, các phán đoán hầu hết xoay quanh sự bi ai về thân phận của con người trong vùng tâm chiến, cất lời kêu gọi đòi hòa bình. Hòa bình là điều trăn trở đầu tiên, sau cuối và luôn luôn hiện diện trên từng trang sách của Từ Beirut đến Jerusalem.
Mười năm hành trình Từ Beirut đến Jerusalem, chứng kiến những cuốn chiến tranh tràn lan khắp mọi ngõ ngách, Friedman không chỉ tập hợp miêu tả những sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến bầu không khí chính trị hay kinh tế của hai thành phố quan trọng nhất ở Trung Đông mà ông còn chú tâm quan sát dân chúng.
Dưới những thành phố đổ nát, văn hóa hoang tàn, ranh giới của sự sống và cái chết mong manh trong từng tích tắc, ông nhìn thấy gương mặt của người dân, những giọt nước mắt của họ, sự bế tắc, ám ảnh, cô độc của con người trên dải đất này. Hòa bình không tồn tại ở nơi này. Dù bên thắng, bên thua, bên gây chiến hay bên phải chịu sự đàn áp, cướp bóc. Hòa bình trở thành một ảo ảnh xa vời.
Tác giả Thomas Friedman. |
Cuốn sách ngồn ngột những sự kiện lịch sử, những câu chuyện Friedman đã chứng kiến, đã quan sát, tìm hiểu và tập hợp khiến khán giả bị choáng ngợp, nhưng đồng thời cung cấp cho độc giả một bức tranh lịch sử khá hoàn thiện về Trung Đông. Hơn nữa, bằng khả năng sử dụng ngôn ngữ đầy lôi cuốn của mình, Friedman đã khiến cuốn sách trở nên dễ tiếp cận với đông đảo công chúng.
Hành trình của Thomas Friedman ở Beirut và Jerusalem đã dừng lại, nhưng xung đột vẫn tiếp diễn ở vùng đất ấy, và cuốn sách của ông, đến cuối cùng, vẫn vang lên tiếng ca mưu cầu khao khát hòa bình, như lời ông đã từng nói trong khoảng thời gian tác nghiệp ở Trung Đông: “Hãy để cho chúng ta bước ra khỏi sự câm lặng của mình và hét lên chung một giọng: Không còn chiến tranh”.
Sau khi kết thúc 10 năm công tác tại Beirut và Jerusalem, Friedman trở về Hoa Kỳ, trở thành nhà báo - nhà bình luận chuyên về các vấn đề quốc tế trên trang nhật báo hàng đầu thế giới The New York Times.
Sau cuốn sách này, ông đã viết thêm 5 cuốn sách khác rất nổi tiếng là Chiếc Lexus và cây olive; Kinh độ và thái độ; Thế giới phẳng; Nóng, phẳng, chật; Từng là bá chủ.