Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lịch sử là cội nguồn sức sống và sự trường tồn của dân tộc

Chủ tịch nước khẳng định, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng. Lịch sử, văn hóa là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước, sự trường tồn của dân tộc.

Sáng 30/11, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khóa VII. Tới dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, cùng đại diện các nhà khoa học, nhà sử học trong cả nước.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam được thành lập 26/2/1966. Đây là một trong những Hội khoa học được thành lập vào sớm ở nước ta. Gần 50 năm qua, hội đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như xây dựng và bảo vệ đất nước...

Thời điểm này, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phát triển được 6.000 hội viên, công tác tại 59 hội, chi hội thành viên, trong đó có 33 hội cấp tỉnh, thành phố và 4 hội chuyên ngành.  

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Đại hội.

Sau khi lắng nghe báo cáo tóm tắt quá trình hoạt động của hội trong khóa VI (2010-2015), cùng nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết của đại biểu, Chủ tịch nước chỉ rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm cần được thực hiện: Hoàn tất biên soạn bộ Khoa học Lịch sử Việt Nam theo chỉ thị của Ban Bí thư. Động viên các nhà sử học và trực tiếp tham gia với tư cách là một tổ chức tư vấn, phản biện vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trước hết là vai trò, chức năng của môn lịch sử trong giáo dục phổ thông, làm rõ tầm quan trọng đặc biệt của môn lịch sử.

Học tập những phương pháp và kỹ năng tiên tiến, tranh thủ sự ủng hộ của giới sử học quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và giáo dục các vấn đề lịch sử của địa phương và nâng cao hiểu biết và niềm yêu thích của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với lịch sử dân tộc.

Trước những vận hội và thử thách đang đòi hỏi đất nước phải không ngừng phát triển, Chủ tịch nước khẳng định, trải qua hàng nghìn năm dựng và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng, nhưng cũng từng nếm trải nhiều đắng cay, gian truân. Lịch sử không chỉ là quá khứ mà còn soi chiếu hiện tại, dự báo tương lai. Lịch sử, văn hóa là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước, cội nguồn của sức sống, của sự trường tồn của dân tộc, nền tảng tinh thần quan trọng cho sự phát triển bền vững.

Xúc động nhắc lại hình ảnh không thể quên về những người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã ra trận với quyển lịch sử trong hành trang, Chủ tịch nước nêu rõ, những chiến công oai hùng của dân tộc trong thế kỷ XX có những cống hiến xứng đáng của các nhà sử học.

Chủ tịch nước cũng ghi nhận những đóng góp của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã nghiên cứu, đưa ra chứng cứ lịch sử góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, các nhà sử học cần không ngừng nâng cao trình độ, phát huy cao trách nhiệm và nhiệt huyết, thực sự là những chiến sĩ xung kích trong thực hiện sứ mệnh khoa học lịch sử, đẩy mạnh việc nghiên cứu lịch sử thế giới để xây dựng những luận cứ khoa học cho các chiến lược quốc tế. Đảng, Nhà nước sẽ tạo những điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Hội đã kiến nghị và được Ban Bí thư chấp thuận xây dựng đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam, gồm 25 tập, 5 tập biên niên sự kiện. Dự kiến sau khi hoàn thành, bộ quốc sử sẽ là một dấu mốc lớn trong lịch sử phát triển của khoa học Việt Nam, cống hiến vô giá của các nhà sử học với đất nước.

http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Lich-su-la-coi-nguon-suc-song-va-su-truong-ton-cua-dan-toc/242656.vgp

Theo báo Chính phủ

Bạn có thể quan tâm