Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lịch sử các thử nghiệm bẻ cong điện thoại

Nhiều người luôn tò mò về độ bền của thiết bị cầm tay và tìm ra nhiều cách để kiểm tra chúng, một trong những việc được thực hiện rất nhiều là bẻ cong.

Ngày càng có nhiều video, hình ảnh thử nghiệm độ bền điện thoại. Từ "nhẹ nhàng" như thả rơi, đập vỡ hay uốn cong, đến các cuộc "tra tấn" không cân sức như thử với súng trường, xe hơi.

Trong tất cả các bài kiểm tra này, dường như bẻ cong là hình thức được ưa chuộng nhất trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, trước đó rất nhiều năm, các cuộc thử nghiệm khác nhau đã được tiến hành.

Ngày 10/7/1998: Cuộc kiểm tra độ bền đầu tiên

Everex FreeStyle A-15 Manager là "nạn nhân" đầu tiên của các cuộc thử nghiệm độ bền. Ảnh: The Gadgeteer​.

Trong bài đánh giá của mình về Everex FreeStyle A-15 Manager, sáng lập viên của trang The Gadgeteer, Julie Strietelmeier viết rằng: "Không có sự ọp ẹp hoặc lung lay khi bạn ấn hoặc bóp vào hai bên...".

Cuộc thử nghiệm đơn giản này chính là khởi đầu của trào lưu kiểm tra mức độ hoàn thiện bằng cách bóp thiết bị mà các trang web vẫn sử dụng đến ngày hôm nay. Đồng thời, đây cũng là tiền thân của các hình thức kiểm tra độ bền khác.

Giữa những năm 2000: Thử nghiệm thả rơi máy chơi game

Rất nhiều trường hợp, mọi người chỉ thích "chơi trò" phá hủy máy chơi game thay vì kiểm tra độ bền của chúng. Các video được tải lên YouTube trong những năm 2005 cho thấy một phong trào thả rơi máy chơi game đã xuất hiện rầm rộ. Đây chính là khởi nguồn của các bài kiểm tra thả rơi điện thoại vài năm sau đó.

Ngày 13/12/2006: Thử nghiệm xay iPod

​ 

BlendTec đã đưa ra một thử nghiệm không cân sức: xay iPod trong một chiếc máy chuyên dụng. Kết quả đương nhiên là chiếc iPod nát vụn sau bài kiểm tra này.

Ngày 6/7/2007: Kiểm tra độ bền iPhone

Tạp chí PC World đã thực hiện bài kiểm tra khá thực tế và hữu dụng. Họ cho iPhone vào túi chung với một vài chùm chìa khóa, sau đó đảo chúng lên để xem chiếc smartphone này có bị trầy xước hay không.

Kế đó, họ dùng chìa khóa để rạch lên mặt kính, cuối cùng là thử nghiệm thả rơi, một bài kiểm tra mà chúng ta thường xuyên được chứng kiến trong thời gian gần đây.

Ngày 23/6/2010: Thả rơi iPhone 4

 

Bài kiểm tra thả rơi có vẻ như bắt đầu thịnh hành. Khi iPhone 4 ra mắt, mặt kính của smartphone này đã được thử thách bằng cách thả rơi tự do.

Ngày 3/2/2012: BlackBerry tự bẻ cong sản phẩm của mình

 

Các bài thử nghiệm uốn cong điện thoại chưa thực sự xuất hiện ở thời điểm này. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, BlackBerry lại dùng một thiết bị chuyên dụng bẻ gãy chiếc BlackBerry Torch một cách không thương tiếc.

Ngày 21/9/2012: Điện thoại bắt đầu bị cong tự nhiên

Một người dùng đã đăng tải lên YouTube video cho thấy chiếc iPhone của họ bị cong. Dường như đây là trường hợp bị cong trong quá trình sử dụng, chẳng hạn như để vào túi quần.

Ngày 9/12/2013: Thử nghiệm điện thoại màn hình cong LG G Flex

Thời điểm này, LG trình làng chiếc smartphone đầu tiên có màn hình cong. Mọi người đều muốn tìm hiểu xem khả năng uốn cong của G Flex đến đâu. Nhiều video thử nghiệm đã xuất hiện trên YouTube nhưng hầu hết là uốn cong ở một giới hạn hợp lý, tuy nhiên cũng có các thử nghiệm mang tính "triệt hạ".

Ngày 10/3/2014: Bẻ cong iPhone 5S

Mọi người luôn tìm ra phương pháp mới lạ để tra tấn điện thoại. Trong bài thử nghiệm này, nhóm thực hiện giữ chặt một đầu chiếc iPhone 5 bằng thiết bị chuyên dụng, sau đó dùng búa lớn để đập cong. Màn hình của chiếc iPhone nát vụn, khung gãy và gập lại một góc 90 độ.

Ngày 21/9/2014: iPhone 6 và vấn đề uốn cong

Một người dùng đã than phiền trên MacRumor rằng, chiếc iPhone 6 của mình "hơi cong". Đây là khởi điểm cho tranh cãi về vấn đề iPhone có khung yếu, dễ bị cong trong quá trình sử dụng. Sau đó từ lóng "Bend-gate" đã tràn ngập trên các mạng xã hội.

Ngày 23/9/2014: Thử nghiệm bẻ cong iPhone 6 Plus

Bài kiểm tra bẻ cong điện thoại bằng tay chính thức xuất hiện. Unbox Therapy kết luận rằng iPhone 6 Plus có thể bẻ cong khá dễ dàng. Điều này đã kéo theo hàng loạt các video thử nghiệm khác.

Cũng trong ngày hôm đó, Unbox Therapy quyết định thử bẻ cong các siêu phẩm khác như Galaxy Note 3, HTC One M8, Moto X và Lumia 1020.

Ngày 25/9/2014: Apple công bố bài kiểm tra độ bền iPhone 6

Apple công khai việc kiểm tra độ bền iPhone 6 trong nhà máy. Ảnh: The Verge
Apple công khai việc kiểm tra độ bền iPhone 6 trong nhà máy. Ảnh: The Verge

Ngay sau khi xuất hiện những video tố iPhone 6 dễ uốn cong, Apple đã công bố video cho thấy quá trình thử nghiệm độ bền smartphone này của chính họ.

Đầu năm 2015: Các cuộc kiểm tra uốn cong vẫn tiếp diễn

Đề tài iPhone 6 đã tạo "cảm hứng" cho các bài kiểm tra khả năng uốn cong của Galaxy S6, HTC One M9, Moto X.

Ngày 24/9/2015: iPhone 6S thật sự khó uốn cong

Dường như để sửa chữa sai lầm của thế hệ trước, Apple đã trang bị cho iPhone 6S bộ khung vững chắc. Video thử nghiệm của FoneFox đã cho thấy không dễ gì để dùng tay bẻ cong được iPhone 6S.

Ngày 29/9/2015: Bẻ gãy đôi Nexus 6P

Sự cố uốn cong điện thoại lại tái diễn, lần này là với Nexus 6P của Google. Video thử nghiệm cho thấy chiếc smartphone này nhanh chóng bị bẻ làm đôi bằng tay không.

Nguyễn Mai

Bạn có thể quan tâm