Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lì lợm và tàn nhẫn - cách Taliban buộc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan

Sau 19 năm chiến tranh dai dẳng, sự lì lợm và tàn nhẫn đã giúp Taliban tiến rất gần tới mục tiêu buộc Mỹ rút hoàn toàn lực lượng quân sự ra khỏi Afghanistan.

Tháng 3 vừa qua, Taliban ký thỏa thuận hòa bình với Mỹ, đặt viên gạch đầu tiên mở đường cho hiện thực hóa khao khát mãnh liệt nhất của tổ chức này, đó là quân đội Mỹ rút hoàn toàn khỏi Afghanistan.

Mawlawi Mohammed Qais, chỉ hủy lực lượng Taliban ở tỉnh Laghman thừa nhận lực lượng này đã chịu thiệt hại nặng nề từ các chiến dịch quân sự của Mỹ và chính phủ Afghanistan trong suốt 10 năm qua.

"Nếu một người anh em bị sát hại, người anh em thứ hai sẽ tiếp bước và không làm Chúa thất vọng", Mawlawi nói, theo New York Times.

Taliban chien thang My o Afghanistan anh 1

Các tay súng Taliban ở vùng Alingar. Ảnh: New York Times.

Không nương tay với lực lượng chính phủ

Sau thất bại chớp nhoáng năm 2001 khi Mỹ và NATO đưa quân vào Afghanistan, Taliban tái tổ chức và trở thành mạng lưới quân sự phi tập trung. Trong khi giới chỉ huy cấp cao ẩn náu tại vùng núi xa xôi ở nước láng giềng Pakistan, các chỉ huy cấp thấp được giao nhiệm vụ tuyển mộ thành viên và tự túc tìm kiếm nguồn lực từ địa phương.

Taliban xây dựng một hệ thống trong đó trọng tâm là các kế hoạch khủng bố và những cuộc tấn công liên tục khiến chính phủ Afghanistan dần kiệt quệ trước sức ép, đồng thời mở rộng bộ máy tài trợ tài chính phi pháp dựa trên hoạt động tội phạm và buôn bán ma túy, dù đi ngược lại hệ tư tưởng Hồi giáo.

Sau 20 năm, Taliban có rất ít thay đổi về hệ tư tưởng của tổ chức này. Taliban chưa bao giờ chính thức từ bỏ hỗ trợ các phần tử khủng bố, hay tập tục áp bức với phụ nữ và dân tộc thiểu số từng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt khi tổ chức này nắm quyền ở Afghanistan vào thập niên 1990. Taliban cũng chống đối mạnh mẽ những thay đổi tại Afghanistan do phương Tây hậu thuẫn trong 20 năm qua.

Hiện nay, khi quân đội Mỹ và lực lượng phiến quân đã ngừng các cuộc giao tranh, Taliban lại có chiều hướng tăng cường các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan. Chiến thuật của Taliban là thổi bùng lên sự sợ hãi của công chúng.

Taliban chien thang My o Afghanistan anh 2

Người dân đi qua điểm kiểm soát của lực lượng Taliban. Ảnh: New York Times.

Nhiều người dân Afghanistan lo sợ phiến quân sẽ gây áp lực buộc các nhà đàm phán của phe chính phủ nhượng bộ, cho phép Taliban chiếm thế thượng phong trong chính phủ tương lai. Trong thời gian qua, Taliban đã liên tục tìm cách phá hoại chính quyền Kabul và sát hại nhiều quan chức chính phủ bằng đánh bom xe hay ám sát.

Các chỉ huy chiến trường của Taliban tuyên bố thẳng thừng, lực lượng này dừng tấn công để Washington có thể rút lính Mỹ về nước an toàn. Tuy nhiên, ngừng bắn không được Taliban áp dụng với lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan.

"Cuộc chiến của chúng tôi bắt đầu trước khi người Mỹ đến, đó là chống sự suy đồi. Những kẻ biến chất cầu xin người Mỹ tới bởi chúng không thể chiến đấu. Cuộc thánh chiến của chúng tôi sẽ tiếp tục cho tới ngày tận thế, tới khi hệ thống Hồi giáo được thiết lập", một chỉ huy lực lượng tinh nhuệ "Đơn vị Đỏ" của Taliban tại Alingar cho biết.

Chiêu mộ và kiểm soát

Taliban hiện có khoảng 50.000-60.000 chiến binh thường trực, hàng chục nghìn thành viên vũ trang và người ủng hộ bán thời gian, theo thống kê của Mỹ và chính phủ Afghanistan.

Giới lãnh đạo Taliban xây dựng bộ máy chiến tranh từ những thành phần bộ lạc và địa lý rất khác nhau, thúc ép từng bộ phận của cỗ máy tự túc về nguồn lực ở các địa phương.

Tại các khu vực do Taliban kiểm soát, hay ít nhất là có ảnh hưởng, lực lượng này cố gắng vận hành một số dịch vụ xã hội và giải quyết các tranh chấp, qua đó củng cố vai trò như một chính quyền ngầm.

"Đây là một mạng lưới nổi dậy, nó phi tập trung cao độ, có khả năng giúp các lãnh đạo ở cấp quận huy động các nguồn lực, chuẩn bị hậu cần. Nhưng ở cấp cao, tính chính danh ban đầu giành được nhờ việc chỉ có một lãnh đạo tối cao duy nhất", Timor Sharan, cựu quan chức chính phủ Afghanistan, cho biết.

Dù trong thời gian hoạt động quân sự của Mỹ và lực lượng chính phủ Afghanistan đạt tới cao điểm, khiến Taliban thiệt hại tới hơn 1.000 tay súng mỗi tháng, phiến quân vẫn có thể tuyển mộ đủ thanh niên trẻ phục vụ cuộc chiến.

Tại tỉnh Laghman, một ủy ban của Taliban có tên "Hướng dẫn mời gọi" cử thành viên tới thánh đường và buổi học kinh Quran để tuyển thành viên. Bên cạnh đó, thành viên mới cũng được tuyển mộ thông qua bạn bè và người thân của các tay súng trong hàng ngũ Taliban.

Quan chức Afghanistan cho biết Taliban cũng tuyển mộ nhiều thành viên từ cộng đồng người Afghanistan tị nạn ở Pakistan và các chủng viện Hồi giáo tại quốc gia láng giềng.

Tại những nơi Taliban giành quyền kiểm soát, lực lượng này đóng vai trò như chính phủ ngầm. Taliban có các ủy ban giám sát dịch vụ cung cấp cho người dân, bao gồm y tế, giáo dục, vận hành các chợ.

Nguồn cung nhu yếu phẩm và lương cho nhân viên cơ sở y tế, trường học vẫn được chính phủ Afghanistan và các nhà tài trợ quốc tế chi trả. Tuy nhiên, Taliban điều hành tất cả theo cách thức của tổ chức này - đây là sự nhượng bộ từ tất cả các bên, bởi nếu không, Taliban sẽ phá hoại mọi dịch vụ công.

Vùng Alingar có 57 trường học, trong đó 17 trường dành cho nữ sinh. Tuy nhiên, quan chức Taliban điều hành Alingar tuyên bố giáo dục dành cho trẻ em gái phải chấm dứt ở lớp 5.

Điều này đi ngược lại các chuẩn mực về phổ cập giáo dục quốc tế. Taliban cũng đã loại bỏ môn học về văn hóa, lý giải rằng văn hóa thúc đẩy "những giá trị thô tục như âm nhạc".

"Cách tiếp cận của Taliban đối với giáo dục mang lại bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy tổ chức này vẫn gắn bó với cách thức đàn áp phụ nữ, nghệ thuật và văn hóa như trước đây", New York Times bình luận.

Dựa vào địa hình

Taliban giành thế thượng phong tại Afghanistan vào thập niên 1990, với việc Liên Xô rút quân sau 10 năm sa lầy. Mỹ, vốn là đồng minh hỗ trợ các lực lượng Hồi giáo trong cuộc chiến chống Liên Xô, làm ngơ trước chế độ hà khắc của Taliban, chỉ chĩa mũi dùi vào lực lượng này sau cuộc tấn công khủng bố của Al Qaeda ngày 11/9/2001.

Trước sức mạnh quân sự áp đảo của Mỹ, Taliban với tổ chức là một chính quyền chính quy nhanh chóng tan rã. Các tay súng Taliban tản mát trở về quê hương, trong khi giới lãnh đạo vượt biên qua Pakistan, nhiều người bị bắt đưa về Mỹ.

Taliban tưởng như hoàn toàn tan rã, nhiều chỉ huy cho biết không nghĩ tới ngày lực lượng này có thể chiến đấu chống lại Mỹ trong những ngày đầu sau cuộc xâm lược. Tuy nhiên, cục diện bắt đầu thay đổi sau khi giới lãnh đạo Taliban tái tổ chức dưới sự hỗ trợ của giới chức quân sự Pakistan.

Từ căn cứ địa ở Pakistan, Taliban lên kế hoạch cuộc chiến dài hơi chống Mỹ và NATO. Bắt đầu với các cuộc tấn công với quy mô ngày càng gia tăng vào năm 2007, Taliban đã hồi sinh, hoàn thiện chiến lược tác chiến một thời được Mỹ hậu thuẫn chống Liên Xô, mà nay được sử dụng để đánh lại chính người Mỹ, đó là dựa vào lợi thế địa hình đồi núi hiểm trở.

"Phần lớn lãnh đạo của chúng tôi đã tham gia cuộc chiến chống Liên Xô. Đây là đất đai, lãnh thổ của chúng tôi. Lịch sử Afghanistan chống lại chúng tôi, khi người Anh và Liên Xô tới, họ có lực lượng mạnh hơn. Điều đó cũng đúng với người Mỹ, vì vậy chúng tôi có hy vọng là, cuối cùng, người Mỹ cũng sẽ rời đi", Amir Khan Mutaqi, phụ tá trưởng của lãnh đạo tối cao Taliban, cho biết.

Cao trào bạo lực

Những năm gần đây, hành động của Taliban được đánh giá là tàn nhẫn với những chiến dịch bạo lực đẫm máu. Tổ chức này có khả năng tiến hành các vụ tấn công theo ý muốn ngay tại những khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở thủ đô Kabul.

Taliban cài chất nổ vào xe chở rác, xe tải, hay thậm chí xe cấp cứu, đánh bom trung tâm thành phố gây ra thương vong cho hàng trăm người. Taliban cài người vào hàng ngũ lực lượng chính phủ và nổ súng vào những chỉ hủy cấp cao của Afghanistan, hay thậm chí vào tướng lĩnh Mỹ tại nước này.

Taliban đã khôi phục thành công mạng lưới quyên góp tài chính tại các quốc gia Arab, một thời từng giúp đỡ phong trào Hồi giáo trong cuộc chiến chống Liên Xô hàng chục năm trước.

Taliban chien thang My o Afghanistan anh 3

Hiện trường vụ tấn công của Taliban ở thủ đô Kabul hồi tháng 7/2019. Ảnh: New York Times.

Tại Afghanistan, Taliban tăng cường thu nhập mà nay được ước tính lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm. Nguồn thu của Taliban chủ yếu từ khai mỏ trái phép, thu thuế hàng hóa và giao thông, đặc biệt là buôn bán thuốc phiện.

Taliban cũng biến những mạng lưới và con đường buôn lậu được sử dụng trong cuộc chiến với Liên Xô trước đây trở thành hệ thống chiêu mộ, đào tạo và triển khai các tay súng cũng như phần tử đánh bom khủng bố tới chiến trường, trực tiếp tấn công mục tiêu của Mỹ và chính phủ Afghanistan.

Khi Washington và Taliban đã khởi động đàm phán thỏa thuận hòa bình, đánh bom khủng bố vẫn tiếp diễn tại các căn cứ quân sự ở Afghanistan.

Lực lượng cảm tử Taliban nhiều lần tấn công các viên chức chính phủ, thông thường gây ra thương vong lớn cho thường dân. Các vụ bạo lực nhiều lần làm phức tạp, thậm chí làm chệch hướng thảo luận giữa Mỹ và Taliban.

Một trong những quan ngại của Mỹ và giới chức Afghanistan là liệu giới lãnh đạo chính trị của Taliban có đủ sức ảnh hưởng đối với các chỉ huy quân sự của lực lượng này.

Câu hỏi khác tồn tại là liệu Taliban có thực sự sẽ chống lại các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hay Al Qaeda khi Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Trump đã có cái nhìn tích cực hơn với Taliban sau khi lực lượng này tham gia chiến dịch tấn công IS ở Afghanistan.

Tuy nhiên, Taliban từ chối gọi Al Qaeda là tổ chức khủng bố, đồng thời không cho thấy sự "hối lỗi" trong việc cộng tác với tổ chức khủng bố này trong quá khứ.

Lãnh đạo Taliban chỉ hứa sẽ không cho phép sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tiến hành các cuộc tấn công trong tương lai.

Khoảng hai tuần sau khi Taliban ký thỏa thuận hòa bình với Mỹ, Al Qaeda ra thông báo ca ngợi thỏa thuận là "thắng lợi vĩ đại" trước nước Mỹ.

Kiểm soát hàng ngũ

Khi Washington và Taliban ra điều kiện về việc ký thỏa thuận là có một tuần ngừng bắn một phần, tình trạng bạo lực đã giảm tới 80%. Mullar Baradar, một lãnh tụ của Taliban trong đoàn đàm phán, kiên quyết bác bỏ phương án ngừng bắn hoàn toàn trong 7 ngày.

Các nhà quan sát Afghanistan và phương Tây cho rằng điều này giúp giới lãnh đạo chính trị Taliban không bị mất mặt trong trường hợp những thành phần cực đoan vi phạm lệnh ngừng bắn.

Khi tuần ngừng bắn một phần bắt đầu, các chỉ huy Taliban phải vất vả truyền đi mệnh lệnh thông qua WhatsApp và sóng phát thanh quân sự, nhằm đưa các tay súng vào khuôn khổ.

Chiến thắng đang đến gần, đây là điều các lãnh tụ mong muốn và chúng ta phải thực hiện, đó là thông điệp các chỉ huy quân sự truyền tải tới các tay súng, theo nguồn tin tình báo giới chức Afghanistan thu được.

Một yếu tố làm chậm quá trình đàm phán giữa Mỹ và Taliban đó là giới lãnh đạo chính trị Taliban muốn thông báo những vấn đề, dù là nhỏ nhất, tới các chỉ huy quân sự, để lôi kéo lực lượng này, tránh sự nổi loạn hay chia rẽ.

Taliban chien thang My o Afghanistan anh 4

Các tay súng Taliban tại tỉnh Laghman. Ảnh: AFP.

Các quan chức Taliban cho biết tổ chức này bắt đầu cuộc chiến chống lực lượng Mỹ và NATO với một lãnh tụ duy nhất là Mullah Omar. Nhưng cuộc chiến của Taliban đạt đến cao trào gần đây khi cấu trúc lãnh đạo được xây dựng dựa trên sự đồng thuận của hơn 10 thủ lĩnh, đồng thời trừng phạt nặng nề những kẻ bất tuân.

Dù nhiều chỉ huy mới được bổ nhiệm trong những năm gần đây, phần lớn hội đồng thủ lĩnh là những người thuộc thế hệ cũ từ những ngày đầu sau khi Mỹ xâm lược Afghanistan. Các lãnh đạo chính trị thừa nhận yêu cầu cân bằng cuộc chiến mà họ đang đối mặt không giống với bất cứ thách thức nào trong quá khứ.

"Quan hệ giữa các lãnh đạo chính trị và chỉ huy quân sự, những người có quyền lực tuyệt đối về các nguồn lực và hành động bạo lực, sẽ bị thử thách. Cuộc nội chiến thập niên 1990 ở Kabul xảy ra bởi các chỉ huy quân sự ở cấp dưới muốn mở rộng các nguồn lực họ quản lý. Giới lãnh đạo chính trị không có khả năng kiểm soát họ", Timor Sharan, cựu quan chức Afghanistan, nói.

Vũ khí laser LaWS bắn hạ mục tiêu trên không trong thử nghiệm Hệ thống vũ khí laser LaWS bắn từ tàu đổ bộ USS Portland phá hủy thành công mục tiêu trong thử nghiệm gần đây ở Thái Bình Dương.

Mỹ triển khai hai máy bay ném bom B-1B tới Biển Đông

Không quân Mỹ cho biết vừa triển khai hai máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer thực hiện một nhiệm vụ tại Biển Đông hôm 26/5.

TT Putin: Duyệt binh mừng chiến thắng phát xít vào ngày 24/6

Cuộc duyệt binh kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít tại Nga, vốn bị hoãn vì sự lây lan của đại dịch Covid-19, đã được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 24/6.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm