Trong các cuộc đàm phán về giải giáp vũ khí tại trụ sở Geneva của Liên Hợp Quốc hồi tháng trước, tiếng chuông báo động vang lên để nhắc rằng các đại biểu đã vi phạm các quy tắc cắt giảm chi phí mới nhằm hạn chế thời lượng các cuộc họp.
Màn hình và micro cũng bị tắt, buộc các đại sứ phải hét lên các bài phát biểu của họ trên hội trường khi các sự kiện trở nên "hỗn loạn, khó hiểu và ồn ào". Một số người lo ngại đèn cũng sẽ bị tắt, một trong số những người có mặt mô tả cảnh này với Reuters.
Các đại biểu tập trung quanh màn hình bị ngắt trong cuộc họp về vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 15/11. Ảnh: Reuters. |
Theo Reuters, sự gián đoạn - đã xảy ra ít nhất hai lần - là kết quả của các biện pháp khẩn cấp để cắt giảm chi phí tại các trung tâm của Liên Hợp Quốc như Geneva và New York.
Liên Hợp Quốc thiếu tiền, các thành viên dửng dưng
Việc cắt giảm chi phí, giờ đã đến tháng thứ ba, là phản ứng đối với tình hình được Tổng thư ký Antonio Guterres mô tả là "cực kỳ đáng báo động".
Liên Hợp Quốc thâm hụt 768 triệu USD trong ngân sách chung 2,85 tỷ USD năm 2019 vì 51 quốc gia chưa thanh toán tất cả khoản phí của họ, bao gồm hai đại gia: Mỹ và Brazil.
Cả hai đều nói sẽ trả hầu hết khoản phí của mình, nhưng ngay cả khi họ làm vậy, nợ vẫn còn từ những năm trước và tràn sang ngân sách trong tương lai.
Các nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích nói rằng cuộc khủng hoảng ngân sách phơi bày cam kết yếu kém của một số quốc gia đối với ngoại giao đa phương.
Bằng chứng là việc đình chỉ tòa phúc thẩm hàng đầu của Tổ chức Thương mại Thế giới có trụ sở tại Geneva và các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Madrid vào tuần trước chỉ đạt được thỏa thuận hạn chế.
Pháp và Đức đã ra mắt "Liên minh cho Chủ nghĩa đa phương" để hỗ trợ Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác.
Tấm biển trước thang máy trong trụ sở Liên Hợp Quốc ở Châu Âu tại Geneva, Thụy Sĩ, thông báo thang máy ngừng hoạt động do vấn đề thanh khoản nghiêm trọng trong ngân sách hoạt động thường xuyên, ngày 10/12. Ảnh: Reuters. |
Richard Gowan, chuyên gia của Liên Hợp Quốc tại nhóm chuyên gia về khủng hoảng quốc tế, cho biết tình trạng thiếu tiền là triệu chứng của "cuộc khủng hoảng niềm tin chính trị" rộng lớn hơn trong tổ chức.
"Hầu hết thành viên Liên Hợp Quốc không bận tâm về các vấn đề tài chính mà tổ chức phải đối mặt", ông nói.
Đại sứ Hashmi kêu gọi các quốc gia thành viên trả phí, nói rằng hoạt động quan trọng của Liên Hợp Quốc không nên "bị giữ làm con tin" trước những hạn chế tài chính.
Một số nhà phê bình nói rằng Liên Hợp Quốc có thể chi tiêu ít hơn cho các nhân viên và tiền lương ngất ngưởng, thường miễn thuế, cho các quan chức cao cấp.
"Có sự lãng phí rất lớn ở Liên Hợp Quốc", Marc Limon, cựu nhà ngoại giao và Giám đốc điều hành của Universal Rights Group, cho biết.
"Thay vì tập trung vào nhiệm vụ của tổ chức... Liên Hợp Quốc chi rất nhiều tiền cho mức lương cao trong nhiều trường hợp", ông nói.
Tấm biển ở lối vào cửa phụ trong trụ sở Liên Hợp Quốc ở Châu Âu tại Geneva, Thụy Sĩ, thông báo cắt giảm chi phí hoạt động, ngày 31/10. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức Liên Hợp Quốc cho biết họ không sẵn sàng trong giai đoạn này để cắt giảm lương nhân viên thường trực và đang tập trung vào việc cắt giảm chi phí trong các lĩnh vực khác.
Các nhà ngoại giao chịu ảnh hưởng
Được xây dựng gần 100 năm trước để tiếp đón Liên đoàn Các quốc gia của Liên Hợp Quốc, tòa nhà Palais des Nations khổng lồ của Geneva - ngôi nhà của chủ nghĩa đa phương - tổ chức hàng nghìn cuộc họp mỗi năm về hàng loạt vấn đề, từ quyền tị nạn đến hòa bình ở Syria, đang trở nên xập xệ.
Các bốt điện thoại nhan nhản, mặt tiền ố vàng và tượng đài do Quỹ Woodrow Wilson tài trợ cần được chống ăn mòn. Thụy Sĩ đang cho vay 800 triệu USD cho các công trình này.
Thông tin hành lang cho biết cuộc khủng hoảng tiền mặt đã buộc trụ sở phải đóng cửa thang máy và thang cuốn. Đèn hành lang mờ mịt và một số nhà ngoại giao phải mang theo máy sưởi vì bộ tản nhiệt bị chỉnh nhiệt độ thấp bất chấp mùa đông Thụy Sĩ.
Corinne Momal-Vanian, giám đốc điều hành hội nghị của Liên Hợp Quốc ở Geneva, cho biết: "Liên Hợp Quốc đã chịu áp lực trong nhiều năm để giảm bớt nguồn lực của mình nhưng lại để vận hành nhiều hơn. Có lúc nó trở nên rất khó khăn".
Bà xác nhận chi phí hội họp đã bị cắt giảm, chẳng hạn bằng việc sử dụng ít thông dịch viên và kỹ thuật viên âm thanh hơn.
Một người đàn ông đi trên tầng 3 của trụ sở Liên Hợp Quốc ở Châu Âu tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 10/12. Ảnh: Reuters. |
Một số người suy đoán rằng các biện pháp tiết kiệm chi phí, được cho là chỉ tạo ra những vết lõm nhỏ trong 14 triệu USD chi phí hoạt động hàng năm cho Palais, thực chất là để gây phiền nhiễu cho các nhà ngoại giao để họ kêu gọi các thủ đô của họ trả tiền.
Các quan chức Liên Hợp Quốc phủ nhận điều này và nói rằng tiết kiệm là cần thiết.
Một số nhà phê bình đặt câu hỏi liệu các cuộc họp của Liên Hợp Quốc như các cuộc đàm phán bế tắc về vũ khí hạt nhân có đáng để theo đuổi hay không. Họ lưu ý rằng bất kỳ thỏa thuận nào đều bị các nhà sản xuất vũ khí hạ bệ.
Mary Wareham, điều phối viên của Chiến dịch Ngăn chặn Robot Sát thủ, mô tả quá trình này giống như thây ma. "Chúng tôi đang tìm kiếm địa điểm hoạt động khác bên ngoài Liên Hợp Quốc", bà nói.