Theo CNBC, G7 - các nền kinh tế lớn trên thế giới - đã áp đặt những lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Ngân hàng Trung ương Nga (CBR). Cùng với đó là những đòn giáng từ phương Tây vào các nhà tài phiệt và quan chức đất nước, bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các ngân hàng chủ chốt của Nga bị cấm tham gia vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Mỹ cũng công bố những biện pháp trừng phạt đối với Quỹ Tài sản Quốc gia của Liên bang Nga và Bộ Tài chính Liên bang Nga.
Hôm 1/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố các chuyến bay của Nga sẽ bị cấm bay khỏi không phận của Mỹ, sau những quyết định tương tự từ phía Liên minh châu Âu (EU) và Canada.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh rằng mục đích của vòng trừng phạt mới nhất là "khiến nền kinh tế Nga sụp đổ".
Đồng RUB lao dốc xuống mức kỷ lục. Ảnh: Reuters. |
Hạ gục hệ thống tài chính
Khi Tổng thống Putin bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine, đồng RUB lao dốc xuống mức kỷ lục và đè nặng lên nền kinh tế. Chứng khoán bị bán tháo ồ ạt. Lạm phát ở mức cao nhất trong vòng 6 năm. Tài chính của các hộ gia đình Nga đều rơi vào tình trạng tồi tệ.
Trong khi đó, Sberbank - nhà băng lớn nhất đất nước - đã rút khỏi thị trường châu Âu. So với thời điểm đầu năm, giá cổ phiếu của ngân hàng trên sàn chứng khoán London mất 99,9% giá trị. Giá cổ phiếu của những tập đoàn lớn khác của Nga cũng sụp đổ.
"Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã hạ gục hệ thống tài chính của Nga chỉ trong một ngày", nhà kinh tế Thụy Điển Anders Aslund nhận định. Theo ông, tất cả thị trường vốn của Nga "gần như bị xóa sổ và không có khả năng phục hồi".
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã hạ gục hệ thống tài chính của Nga chỉ trong một ngày
Nhà kinh tế Thụy Điển Anders Aslund
"Trước đây, CBR có thể dựa vào nguồn dự trữ để giải quyết mọi biến động trước mắt của đồng RUB. Nhưng giờ, điều đó là không thể. Thay vào đó, cơ quan này cần phải điều chỉnh tỷ giá và dùng tới các biện pháp phi thị trường khác để ổn định đồng tiền", nhà kinh tế trưởng Clemens Grafe tại Goldman Sachs nhận định.
“Rất khó để ổn định đồng RUB mà không có nguồn dự trữ thích hợp. Đồng tiền nước này cũng bị bán tháo, gây tác động đến lạm phát và tỷ giá”, vị chuyên gia nói thêm.
Goldman Sachs đã nâng dự báo lạm phát cuối năm 2022 của Nga từ 5% lên 17%. Đồng tiền Nga có thể bị bán tháo hơn nữa hoặc CBR buộc phải tăng lãi suất mạnh tay để duy trì sự ổn định.
Tăng trưởng kinh tế Nga cũng sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngân hàng Phố Wall đã hạ dự báo tăng trưởng GDP từ 2% xuống còn âm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Sự gia tăng của những lệnh trừng phạt từ phía phương Tây, các điều kiện tài chính bị thắt chặt và viễn cảnh khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng sẽ khiến nền kinh tế Nga lao dốc mạnh trong năm nay”, ông Liam Peach - nhà kinh tế tại Capital Economics - cảnh báo.
Capital Economics dự báo GDP của Nga sẽ giảm 5% vào năm 2022, còn lạm phát đạt 15% vào mùa hè này.
Dựa vào Trung Quốc
Ông Peach cho rằng tình huống xấu nhất là các lệnh trừng phạt nhắm vào dòng chảy dầu và khí đốt, vốn chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và 1/3 doanh thu của chính phủ Nga.
"Các lệnh trừng phạt này có thể chặn đứng nguồn thu bằng USD của những công ty năng lượng đang mắc nợ ngoại hối. Điều đó sẽ gây ra cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng hơn nhiều ở Nga", vị chuyên gia cảnh báo.
Còn theo ông Steven Bell - nhà kinh tế trưởng tại BMO Global Asset Management - Nga hiện đối mặt “cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng”. "Vai trò của Trung Quốc đối với Moscow ngày càng quan trọng hơn", ông nhận định.
“Nga cũng đã chuyển một phần lớn dự trữ ngoại hối sang đồng NDT và đưa hệ thống thanh toán của họ vào các ngân hàng Trung Quốc", ông Bell nói thêm. Ông cho rằng Trung Quốc có thể "nắm giữ chìa khóa" để Nga duy trì xung đột.
Tình huống xấu nhất là các lệnh trừng phạt nhắm vào dòng chảy dầu và khí đốt, vốn chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và 1/3 doanh thu của chính phủ Nga. Ảnh: Reuters. |
"G7 đang sẵn sàng đánh đổi nhiều hơn. Điều đó có thể dẫn đến những hạn chế xuất khẩu mới đối với Nga", ông Grafe nhận định.
Một hạn chế lớn của Nga là nước này không thể sử dụng dự trữ ngoại hối để bảo lãnh cho đồng RUB. Nhưng theo ông Grafe, Moscow có thể khắc phục vấn đề này bằng cách đổi đồng tiền định giá từ USD sang NDT.
“Điều này cũng sẽ cho phép CBR và Bộ Tài chính chuyển khoản tiết kiệm tài khóa vượt mức (do giá dầu tăng cao) sang các tài sản nước ngoài, đồng thời vẫn tuân thủ những quy tắc tài khóa", ông Grafe nói thêm.
Tuy nhiên, việc tạo ra một thị trường tiền tệ chéo sẽ cần tới sự hợp tác chặt chẽ từ phía Bắc Kinh. Goldman Sachs cho rằng Trung Quốc khó có thể hứng chịu các lệnh trừng phạt thứ cấp do giúp Nga lách các lệnh trừng phạt từ phía phương Tây.
Hôm 2/3, cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc khẳng định nước này phản đối và sẽ không tham gia vào các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga.