“Bão tố lắm! Bố mẹ, gia đình phản đối, mình về nhà mà không dám nhìn mặt bố mẹ. Bố mình còn nói sẽ đuổi mình ra khỏi nhà, cắt hết sinh hoạt phí. Mẹ khuyên mình đủ thứ, bảo mình gắng thêm vài năm nữa. Bạn bè người hiểu, người không. Giai đoạn đó mình áp lực kinh khủng”, Hữu Nhân (25 tuổi, kỹ sư thiết kế web) nhớ lại quãng thời gian sau quyết định bỏ dở đại học khi đã học hết năm thứ 3.
Hữu Nhân vốn có niềm yêu thích với ngành Công nghệ thông tin, nhưng năm lớp 12, khi chưa thể tự quyết định ngành học của mình, anh nghe theo bố mẹ lựa chọn ngành Xây dựng.
Hết năm 3 đại học, Hữu Nhân nhận thấy không thể tiếp tục theo đuổi ngành học này, anh can đảm bắt đầu lại, dù nhiều người nhận định là sai lầm hoặc quá muộn.
Không hứng thú học hành
Trong quá trình học tại trường, Hữu Nhân cảm thấy không hứng thú với ngành đang học nhưng không đến mức muốn bỏ. Anh không gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức hay làm bài tập hoặc dự án lớn, điểm số không cao nhưng cũng không đến mức tệ.
“Khả năng của mình, nếu cố gắng, điểm sẽ cao hơn nhiều. Chỉ là mình không vui khi cứ phải học ngành mình không thích, đâm ra mình không muốn cố gắng”, Nhân chia sẻ với Zing.
Tương tự, Duy Thịnh (19 tuổi, ngành Dược học, ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng lựa chọn học ngành Dược học, ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội, theo nguyện vọng của gia đình. Trái ngược hoàn toàn với trạng thái hào hứng những ngày đầu, cuối năm nhất, Thịnh bắt đầu cảm thấy không phù hợp với việc học dược.
Thịnh tự nhận thấy bản thân là người hoạt bát, thích tham gia các hoạt động, nhất là các hoạt động mang tính nghệ thuật. Trong khi đó, các môn học tự nhiên lại có chiều hướng khô khan, máy móc và kiến thức nặng. Nam sinh dần nhận thấy việc học không còn thú vị, chỉ cố gắng để qua môn.
Cả Hữu Nhân, Lê Nhân, Duy Thịnh đều không tìm thấy động lực để học đại học. Ảnh minh họa: Unsplash. |
“Dù thấy không thú vị, mình lựa chọn ngồi bàn đầu để việc học hiệu quả hơn, chưa kể về nhà, mình vẫn học và ôn lại bài. Nhưng việc tiếp thu không hiệu quả, nhất là những môn cần tính toán nhiều. Bạn bè chỉ mất 10-15 phút để làm bài, mình thậm chí mất thời gian gấp 2-3 lần để hoàn thành. Việc đó càng khiến mình chán nản hơn”, Thịnh chia sẻ.
Khác với Duy Thịnh và Hữu Nhân, Lê Nhân (22 tuổi) lựa chọn ngành Quản trị kinh doanh theo sở thích cá nhân. Tuy nhiên, chỉ sau một học kỳ, cậu đã thấy mình không phù hợp.
“Ngay từ giữa năm nhất, mình đã thấy không phù hợp. Nhưng vì là con một trong gia đình, mình sợ làm bố mẹ buồn, cộng thêm nhiều áp lực xung quanh, mình không dám nghỉ mà chỉ đi học để cho qua”, Nhân nói.
“Đâm lao, theo lao”
Chia sẻ với gia đình hay bạn bè, Duy Thịnh đều nhận được lời khuyên “nếu đã đâm lao, thì phải theo lao”, “bao nhiêu người muốn vào không được, nên cố gắng học để có bằng”, “đó chỉ là chán nản nhất thời, nên tập trung học đi”.
Mỗi lần như vậy, Thịnh cũng tự nhủ đã học được hơn một năm, tốn nhiều thời gian và tiền bạc rồi, bỏ thì tiếc, hãy tiếp tục cố gắng. Bên cạnh đó, nếu lựa chọn làm lại, cậu phải bỏ thời gian ôn tập, nhưng không tự tin đạt kết quả như mong muốn. Chưa kể, hiện tại, Thịnh vẫn chưa thật sự xác định bản thân phù hợp với ngành, nghề nào.
“Mình chưa dám đánh đổi ngần đó, nhưng để tiếp tục học tiếp ngành không phù hợp, mình không chắc có thể làm tốt. Sắp tới, trường mình tăng học phí khá cao, đây cũng là điều để mình cân nhắc”, Thịnh nói.
Giữa tháng 12 tới, Thịnh sẽ hết hạn đóng học phí, cũng là lúc cậu cần đưa ra quyết định học tiếp hay dừng lại. Hiện tại, Thịnh đang cân nhắc đến việc bảo lưu kết quả, đi làm hoặc gap-year một thời gian để xem bản thân phù hợp với điều gì. Tuy nhiên, suy nghĩ này nhận lại nhiều phản đối từ gia đình, nam sinh tiếp tục “đâm lao, theo lao” một thời gian nữa.
Chấp nhận rủi ro để bắt đầu lại
Khác với Duy Thịnh, song song học Xây dựng, Hữu Nhân tự tìm hiểu về những kiến thức cơ bản của ngành Công nghệ thông tin. Thời điểm đó, Hữu Nhân cũng chỉ tìm hiểu ngành mới vì sở thích chứ chưa có định hướng cụ thể.
Gần hết năm hai đại học, Nhân gặp một người anh hơn anh 4 khóa đang làm kỹ sư thiết kế web. Theo Nhân, đây là người định hướng và giúp anh được như hiện tại.
“Sau khi biết mình thích công nghệ thông tin và muốn theo nghề này, anh ban đầu khuyên mình nghĩ lại, vì với ngành Xây dựng, mình thừa sức có được một công việc tốt với mức lương ổn sau khi tốt nghiệp. Sau khi biết mình thực sự muốn theo nghề, 2 anh em đã cùng nhau ngồi lại để mình thực sự chắc chắn với quyết định của bản thân”, Nhân nói.
Nhân bắt đầu làm quen với các loại ngôn ngữ lập trình, dần hình thành định hướng sẽ theo nghề thiết kế web. Hết năm 3, sau khi tích lũy được một số kiến thức nền tảng và nhận ra không thể tiếp tục theo ngành mình không thích, Nhân quyết định sẽ ngừng hẳn việc học hiện tại để làm lại từ đầu.
Hữu Nhân quyết theo ngành CNTT dù gia đình phản đối kịch liệt. Ảnh minh họa: Bydrec. |
Thời gian đó, anh nghỉ học và theo người anh khóa trên cùng làm các dự án, kết quả không tệ. Bố mẹ thấy vậy cũng dần bớt áp lực với anh dù còn nhiều ngăn cản. Tuy nhiên, do vẫn áy náy với bố mẹ khi chưa hoàn thành xong chương trình đại học, sau khi đi làm 2 năm, anh quyết định đăng ký đi học ngành Công nghệ thông tin hệ vừa học vừa làm.
“Giai đoạn ấy, mình thực sự muốn học đại học vì mình hơn là vì bố mẹ. Sau khi tích lũy được kha khá kỹ năng cơ bản, mình muốn được học sâu hơn về ngành. Có bằng đại học cũng có thể mở ra một con đường khác rộng mở hơn”, anh nói.
Giờ đây, Hữu Nhân đã đi được hơn nửa chặng đường của việc học. Vừa học vừa làm nhiều lúc khiến sức khỏe anh đi xuống vì phải cân bằng nhiều thứ một lúc, nhưng với anh, đây là điều ý nghĩa nhất mà anh làm được.
“Hiện tại, mình được học cái mình muốn, làm điều mình thích, mệt nhưng vui nhiều hơn”, anh chia sẻ.
Trong khi đó, với Lê Nhân, cậu làm thêm ở nhiều nơi trong thời gian học đại học. Từ phục vụ, chạy grab đến phụ sản xuất các ekip quay phim. Dần dà, cậu nhận ra mình có năng khiếu dựng phim sau nhiều lần được thử sức ở nhiều ê-kip. Lê Nhân tìm cách tự học dựng phim. Khi bắt đầu lên tay, nhờ người quen, Lê Nhân nhận được nhiều công việc liên quan đến dựng video, dần có thu nhập từ đó.
Hết năm 3, Nhân quyết định dừng hẳn việc học để đi làm. Trái hẳn với phản ứng trong tưởng tượng, bố mẹ cậu hoàn toàn ủng hộ con trai.
“Mình biết bố mẹ mình còn lấn cấn, nhưng chỉ cần mình vui, bố mẹ sẽ ủng hộ”, Lê Nhân kể.
Giờ đây, Nhân đang làm video editor toàn thời gian tại một công ty quảng cáo. Công việc này hoàn toàn cho phép anh được làm điều mình thích và có thu nhập ổn định, nhưng theo anh, nếu muốn có chỗ đứng trong nghề thì cần đi học thêm. Nhân dự định vài năm tới, sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm và tài chính, anh sẽ đi học thêm về quảng cáo.
Theo chuyên gia hướng nghiệp Lê Tuấn Anh, tỷ lệ người đi làm trái ngành ở Việt Nam rất lớn. Trích dẫn nghiên cứu từ trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, anh Tuấn Anh cho biết tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường làm trái ngành lên đến trên 24%.
Trong đó, ở nhiều ngành, cử nhân phải làm trái ngành lên đến trên 60%. Vì vậy, theo anh, hiện tượng này hoàn toàn bình thường, quan trọng là nhân sự có hạnh phúc và vui vẻ khi đi làm không, có làm hết năng suất không, công việc có giá trị và ý nghĩa với người đó không.
Nếu đang là sinh viên học sai ngành, anh Tuấn Anh cho rằng quyết định tiếp tục hay dừng lại việc học phải tùy vào thời điểm và tính chất phức tạp
"Một số bạn biết mình học sai ngành nhưng vẫn cố được do đã năm 3-4. Nhiều bạn năm nhất dễ dàng đổi hơn. Nếu việc học khiến bản thân bạn stress, áp lực, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và các mối quan hệ cá nhân, bạn cũng nên cân nhắc đổi", anh nói.
Dưới góc nhìn của một nhà tuyển dụng, anh Tuấn Anh cho rằng một ứng viên ứng tuyển công việc đúng ngành học vẫn tốt hơn trái ngành, do ứng viên này đã được đào tạo những kiến thức trong ngành đó.
Tuy nhiên, tùy theo từng ngành nghề, những kiến thức tại nhà trường đóng vai trò ít hay nhiều. Bên cạnh ngành học, kinh nghiệm đi làm thực tế trong những năm học đại học cũng rất quan trọng. Nhưng với một số ngành, nếu biết tận dụng kiến thức ngành trái đã học vẫn có thể bổ trợ tốt cho công việc.
Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.