Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lên án màu váy Kate Middleton, phong trào chống lạm dụng dần cực đoan?

Phong trào chống lạm dụng tình dục #MeToo và Time's Up kêu gọi tôn trọng và lắng nghe tiếng nói nữ giới nhưng lại không tôn trọng lựa chọn màu váy của một phụ nữ, Công nương Anh.

Tại lễ trao giải BAFTA (giải điện ảnh lớn nhất nước Anh) tối 18/2, hầu hết sao nữ tham dự đã chọn mặc đầm dạ hội đen để bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào chống lạm dụng tình dục nữ giới Time's Up. Trong số họ có Jennifer Lawrence, Angelina Jolie, Margot Robbie... Điều tương tự đã xảy ra tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng tháng trước.

Gây bất ngờ tại BAFTA là Công nương Anh Kate Middleton đã xuất hiện trên thảm đỏ với chiếc đầm dạ hội màu xanh lá. Cô ngay lập tức nhận nhiều chỉ trích từ các độc giả và các nhà nữ quyền, nhà hoạt động xã hội vì không bày tỏ sự ủng hộ đối với Time's Up như các nhân vật khác.

Mặc dù vậy, có những tiếng nói đi ngược lại dòng dư luận này, khẳng định Công nương Kate có toàn quyền lựa chọn màu váy mình muốn mặc.

Màu váy có phải là điều quan trọng nhất?

Viết trên Independent, nhà báo Kirsty Major cho rằng dư luận đang đi sai hướng. Chủ đề tranh luận nhắm vào quyền lựa chọn của một phụ nữ, nhưng không phải trong việc lên tiếng tố cáo hành vi lạm dụng tình dục, mà là trong việc chọn màu váy, một điều nhỏ nhặt hơn nhiều.

kate middleton khong mac vay den chong lam dung tinh duc anh 1
Công nương Kate và chồng, Hoàng tử William trên thảm đỏ BAFTA. Ảnh: Getty Images.

Piers Morgan, nhà báo truyền hình nổi tiếng của Anh, cũng lên tiếng bảo vệ quyền được lựa chọn của Công nương Kate trong trường hợp này. "Một phụ nữ có thể mặc bất cứ thứ gì mà cô ấy thích. Đó cũng là một biểu hiện của nữ quyền" là luận điểm chính.

Nhà báo Kirsty Major cũng cho rằng cuộc tranh luận về màu váy của Công nương là hoàn toàn vô nghĩa, khiến những phong trào như Time's Up hay #MeToo chỉ còn thiên về hình thức.

Trong khi, việc chống lại lạm dụng tình dục phụ thuộc vào sự dũng cảm tố cáo, xử lý công bằng và đánh thức lương tri của dư luận và những kẻ phạm tội.

"Đối với nữ giới, quyền lựa chọn từ bỏ một mối quan hệ lạm dụng và bạo hành quan trọng hơn rất nhiều so với việc chọn váy đen hay váy xanh để dự tiệc", Major viết.

Lời kêu gọi của Time's Up vẫn chứng minh được sức ảnh hưởng khi hầu hết diễn viên tại BAFTA không chỉ mặc đồ đen mà còn mời các nhà hoạt động xã hội tham dự cùng mình. Nữ diễn viên Andrea Riseborough đi cùng Phyll Opoku-Gyimah, nhà đồng sáng lập tổ chức Black Pride.

kate middleton khong mac vay den chong lam dung tinh duc anh 2
Angelina Jolie, Jennifer Lawrence và Margot Robbie mặc váy đen tại BAFTA. Ảnh: The Cut.

Đặc biệt hơn, nữ diễn viên Gemma Arterton đi cùng hai cựu nhân viên điều hành máy may ở công ty Dagenham của tập đoàn Ford, những người đã đấu tranh về mức lương bất công. Còn Frances McDormand, người chiến thắng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc, cũng nhắc đến tên nhóm hoạt động nữ quyền Sisters Uncut khi được phỏng vấn.

Đêm qua, màu đen gần như phủ kín thảm đỏ và khán phòng BAFTA. Đó là điều đáng mừng, mặc dù vậy, Major vẫn nhấn mạnh: "Vấn đề không nằm ở những chiếc váy mà nằm ở những con người chưa thể cất tiếng nói. Đêm qua, cuộc tranh luận của chúng ta không nên xoay quanh Kate Middleton, mà nên xoay quanh những người đã cất tiếng".

Hoàng gia không can dự vào các phong trào chính trị

Một số trang báo cũng chỉ ra lý do vì sao Công nương Kate quyết định đừng ngoài lời kêu gọi mặc đồ đen tại BAFTA của giới sao Hollywood. 

Theo The Cut, việc Middleton xuất hiện trong chiếc váy sáng màu không nằm ngoài dự báo trước thềm BAFTA. Việc can dự và phát ngôn (trực tiếp hoặc gián tiếp) về các vấn đề chính trị được coi là vi phạm nguyên tắc của Hoàng gia Anh. Và cả #MeToo lẫn Time's Up đều được coi là những phong trào chính trị.

kate middleton khong mac vay den chong lam dung tinh duc anh 3
Là thành viên hoàng gia, Kate Middleton hiểu rõ nguyên tắc không can dự chính trị. Ảnh: Telegraph.

Nhiều người thắc mắc, trước đây, Kate Middleton cũng như người chồng, Hoàng tử William, và các nhân vật hoàng gia khác đều tham gia những hoạt động nhân đạo như tình nguyện tại các quốc gia nghèo đói, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo hay các bà mẹ... Vì vậy, phải chăng cô cũng có thể góp tiếng nói vào một phong trào bảo vệ quyền lợi nữ giới và các nạn nhân lạm dụng, bạo hành?

Nhưng #MeToo hay Time's Up không đơn giản như vậy. Các phong trào này vẫn gây ra một số tranh cãi về việc có "đi quá xa" (New York Times từng đặt câu hỏi), bị ám ảnh bởi các vấn đề lạm dụng đến nỗi vi phạm quyền tự do tình dục của... nam giới, hay việc tố cáo các thủ phạm có đúng người đúng tội.

kate middleton khong mac vay den chong lam dung tinh duc anh 4
Các sao Hollywood từng diện đồ đen đến giải Quả Cầu Vàng năm nay để ủng hộ Time's Up. Ảnh: Slate.

Những phong trào này cũng vấp phải sự phản đối từ một số tên tuổi lớn trong nền điện ảnh như minh tinh Catherine Deneuve (người Pháp) hay đạo diễn Michael Haneke (người Áo). Các ý kiến phản đối cho rằng, những phong trào này đang trở nên quá cực đoan và trở thành sự kìm kẹp đối với sáng tạo điện ảnh, cũng như trầm trọng hóa những hành vi tán tỉnh thông thường.

Bởi vậy, có thể các phong trào này nằm trong nhóm những hoạt động chính trị không nên can dự của các nhân vật trong hoàng gia.

Công nương Kate Middleton bị chỉ trích vì không mặc đồ đen tại BAFTA

Trên thảm đỏ lễ trao giải BAFTA, Công nương Kate Middleton mặc chiếc đầm xanh thay vì màu đen như các nghệ sĩ. Lập tức phu nhân của Hoàng tử Anh William bị chỉ trích nặng nề.





Mi Ly

Bạn có thể quan tâm