Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lee Nguyễn: Mùa đông băng giá Boston và nỗi nhớ Tết Việt Nam

Trong 4 năm chơi bóng cho New England Revolution tại giải MLS, Lee Nguyễn phải ngậm ngùi đón Tết cổ truyền của Việt Nam trong nỗi nhớ da diết và cái lạnh tê tái ở thành phố Boston.

Lee Nguyễn sinh ra tại thành phố Dallas, tiểu bang Texas ở miền Tây Nam nước Mỹ, tiếp giáp với biên giới Mexico, nơi nổi tiếng là quê hương của những chàng cao bồi miền Viễn Tây và cũng là nơi ánh nắng ngập tràn.

Đầu năm 2009 khi nhận được lời đề nghị của bầu Đức và đầu quân cho Hoàng Anh Gia Lai thì cũng khá trùng hợp, Lee Nguyễn được ăn cái Tết cổ truyền đầu tiên ở quê hương cha mẹ, ở mảnh đất Pleiku của nắng gió và bụi đỏ bazan. Lee Nguyễn đã có hai cái Tết nguyên đán ở Pleiku và với anh, đó là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ.

“Tôi chưa bao giờ cảm nhận không khí Tết Việt Nam ra sao cả. Mọi thứ thật rộn ràng trong những ngày trước Tết khi mọi người kéo mua sắm đồ đạc, trong khi đường phố tràn ngập hoa, cây kiểng và bóng bay. Tôi nhớ nhất là chuyện mọi người đi chọn mua một chậu hoa thật đẹp để đem về nhà trưng ngày Tết, nó cũng giống như ở Mỹ người ta trang trí cây thông Noel thật đẹp ở mùa Giáng sinh vậy”, Lee Nguyễn bồi hồi nhớ cảm xúc khi đón Tết đầu tiên tại quê cha đất mẹ.

Mặc dù có cha lẫn mẹ đều là người Việt Nam song Lee Nguyễn và em gái của anh (Diễm My) gần như được giáo dục và thụ hưởng các giá trị văn hóa của Mỹ mà nói như ông Nguyễn Văn Phẩm, cha Lee Nguyễn khi nói phong cách của con trai, vẫn hay đùa: “Nó là một thằng Mỹ con mà”.

Tết ở Việt Nam là thời gian cuối mùa đông ở Mỹ mà vùng New England rất lạnh. Lee Nguyễn chụp hình tự sướng với tuyết trắng trước nhà anh tại Boston.

Lee Nguyễn: ‘Tôi rất tiếc khi không thể khoác áo ĐTVN’

Trong cuộc trao đổi với truyền thông Việt Nam sáng 19/12, Lee Nguyễn để ngỏ khả năng trở lại V.League thi đấu trong tương lai.

Ông Phẩm, cha của Lee Nguyễn theo cha dượng sang Mỹ định cư cùng với mẹ và em trai vào năm 1973. Ông Phẩm luôn nhớ về nguồn cội của mình nhưng cuộc sống mưu sinh tại Mỹ khá chật vật và người cha dượng dù là kỹ sư hàng không của nhà thầu quân sự General Dynamics vẫn lo không đủ cho 4 nhân khẩu với nhiều chi phí học hành, y tế kèm theo. Do vậy ngay từ nhỏ, anh em ông Phẩm đã làm thêm nhiều việc để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

Điều khá là không may khi bà nội của Lee Nguyễn qua đời sớm vào năm 1994 và theo nguyện vọng, ông Phẩm đã mang mẹ về Giồng Trôm (Bến Tre) để chôn cất trên mảnh đất quê hương. Lần đem mẹ về quê đó, ông Phẩm dẫn theo con trai về Bến Tre và đó cũng là lần đầu tiên Lee Nguyễn về Việt Nam.

Trước khi đầu quân cho HAGL năm 2009, ấn tượng của Lee Nguyễn về Việt Nam nhìn chung khá nhạt nhòa. Anh chỉ nghe chứ không nói được tiếng Việt và điều có lẽ khá nhất là Lee Nguyễn có thể ăn các món ăn Việt. Việt Nam với Lee Nguyễn lúc đó chỉ có vậy nên mới có chuyện khi nhận email của bầu Đức gửi sang Randers FC (Đan Mạch) mời về HAGL thi đấu, việc đầu tiên mà Lee Nguyễn làm là… lắc đầu.

Song, như người đời vẫn nói: “cây nào gốc đó” hay “con cá hồi bơi ra biển rồi cũng quay về cội nguồn nơi nó sinh ra”. Từ một cậu thanh niên Việt kiều nhưng rặt chất “Mỹ con”, Lee Nguyễn trong hai năm rưỡi năm chơi bóng tại mảnh đất hình chữ S đã thấm dần chất Việt vào người lúc nào không hay.

Lee Nguyễn về Việt Nam cuối năm 2015 cùng bạn gái và giao lưu với người hâm mộ. Anh để ngỏ khả năng sẽ trở lại V.League thi đấu.

Lee Nguyễn được triệu tập lên ĐT Mỹ

Tiền vệ gốc Việt nằm trong danh sách 23 cầu thủ ĐT Mỹ được HLV Juergen Klinsmann triệu tập nhằm chuẩn bị cho Vòng loại thứ 4 World Cup 2018, khu vực Bắc Trung Mỹ.

Lee Nguyễn học nói tiếng Việt khá nhanh, chỉ sau 6 tháng từ chỗ chỉ “ú ớ” đã có thể trao đổi được với đồng đội ở HAGL và đi ra ngoài mua đồ không phải dùng… hai tay. Lúc này cuộc sống của Lee Nguyễn tại Việt Nam đã khá thoải mái song cũng kèm theo nhiều rắc rối vì anh nổi tiếng, đi đâu cũng kéo theo đội ngũ fan lẫn báo chí bủa vây. Những xì xào quanh việc dính líu đến các chân dài show-biz khiến cuộc sống cá nhân của Lee Nguyễn bị chú ý hơn.

Cái Tết cổ truyền thứ ba của Lee là lúc anh đã chuyển sang chơi cho Becamex Bình Dương và sống chủ yếu tại Sài Gòn, nơi cách Thủ Dầu Một khoảng 30 km và anh đi về bằng chiếc Toyota Fortuner sau mỗi buổi tập. Lãnh đạo CLB B.Bình Dương lúc đó khá thoáng khi bỏ chế độ “cấm trại” ăn ở tập trung.

Lee Nguyễn nói về cái Tết thứ ba: “Ở Pleiku thường phố xá rất vắng vẻ và buồn mỗi khi đêm khuya nhưng lại rất vui khi sắp Tết. Ngược lại, ở Sài Gòn thì ngày thường ban ngày hay ban đêm đều náo nhiệt song đến Tết đường phố vắng vẻ lạ thường”.

Sống ở Việt Nam thời gian lâu, Lee bắt đầu bị ảnh hưởng nhiều bởi thói quen sinh hoạt của các đồng đội cũng như những người xung quanh. Vì có quá nhiều cám dỗ vây quanh, tiền vệ Việt kiều đôi lúc không giữ được tập trung cho bóng đá. Chấn thương rồi bất đồng với lãnh đạo B.Bình Dương đã kéo Lee Nguyễn ra khỏi Việt Nam để quay lại Mỹ làm lại sự nghiệp đang có dấu hiệu xuống dốc.

“Người Mỹ có cái hay là họ dạy con tự lập từ nhỏ và Lee cũng vậy. Khi cảm thấy quay về Mỹ sẽ tốt hơn thì Lee nói với tôi là nó muốn về Mỹ đá để có cơ hội phát triển hơn. Nó nói rằng mấy năm trước vì nghe lời tôi nên nhận lời về Việt Nam và giờ thì nó muốn về Mỹ để đá nên tôi cũng không thể nói gì hơn”, ông Nguyễn Văn Phẩm nhớ lại “khúc quanh” vào cuối năm 2011 để rồi sau đó đã biến Lee Nguyễn trở thành một trong những ngôi sao sáng giá nhất giải MLS trong 4 mùa bóng liên tiếp.

Về Mỹ mà lại đầu quân cho New England Revolution đóng đô tại thành phố Boston, điều mà Lee Nguyễn cảm nhận sự khác biệt rất lớn so với Dallas hay ở Việt Nam là nơi này rất lạnh và đầy mưa tuyết vào mùa đông. Năm nào cũng vậy, sau kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới thì cứ vào giữa tháng 1 là các CLB ở Mỹ tập trung để chuẩn bị cho mùa giải MLS khai màn vào tháng ba.

Từ tháng giêng đến đầu tháng ba là thời gian mà miền Đông bắc nước Mỹ (vùng New England) rất lạnh, mưa tuyết phủ dày khắp nơi. Mùa đông năm 2013, Boston hứng trận bão tuyết dữ dội đến nỗi sau một buổi sáng thức dậy, Lee Nguyễn không thấy chiếc xe hơi để ngoài trời ở đâu vì xung quanh ngập một màu trắng xóa.

Lee nói: “Ở Boston mùa đông rất lạnh, tuyết dày nên sau giờ tập thì gần như chỉ ru rú trong nhà, lúc đó tôi rất nhớ gia đình ở Dallas”. Mùa đông ở Boston cũng thường là Tết ở Việt Nam nhưng giữa tứ bề tuyết lạnh phủ đầy, không có chút gì gọi là không khí Tết. Tết chỉ tồn tại trong tâm tưởng và sự tưởng tượng mà thôi.

“Tôi vẫn hay gọi về cho ba ở Dallas và thỉnh thoảng ba cũng có nhắc tôi là sắp đến Tết Việt Nam rồi đó. Nếu như lúc trước tôi sẽ không để ý nhưng sau gần 3 năm ở Việt Nam, tôi hiểu Tết có ý nghĩa như thế nào với cha tôi cũng như người Việt. Tôi cũng mường tượng những cảnh vui vẻ, ồn ào của những ngày Tết khi còn ở Pleiku”.

Lee Nguyễn cùng cha và em gái trong ngày vui tốt nghiệp Trung học tại trường East Plano năm 2004. Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc để anh thăng tiến trong sự nghiệp.

Năm nay, Lee Nguyễn cũng không ở Việt Nam để đón Tết vì anh vừa trải qua kỳ nghỉ khá dài tại Sài Gòn, Đà Nẵng và Thái Lan hồi cuối tháng 12 vừa qua. Đã có tin vui khi Lee Nguyễn được HLV Jurgen Klinsmann triệu tập vào ĐTQG Mỹ trong đợt tập trung tháng giêng  kéo dài từ 11/1 đến 6/2 tại thành phố Carson của vùng nắng ấm California.

Một điều khá trùng hợp là ngay sau trận giao hữu với tuyển Canada vào ngày 7/2, ĐTQG Mỹ được xả trại để trả cầu thủ về CLB và đây tính theo lịch âm là ngày 29 tháng chạp, mà ở California, nơi cộng đồng người Việt rất đông thì chắc chắn không khí ồn ào khi người Việt và người Hoa sẽ xuất hiện trên đường phố. Thay vì đón một mùa đông lạnh lẽo và tuyết trắng tại Boston, Lee Nguyễn có thể dạo quanh đâu đó để ngắm những chậu kiểng với các cánh hoa khoe sắc để nhớ đến một cái Tết Việt Nam ấm áp, hiền hòa.





Đăng Khoa

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm