Chiều 25/4, tại phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, vừa qua lễ tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng dã thể hiện trách nhiệm của các lãnh đạo trước dân. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc này cần nghiêm túc, nghiêm trang hơn.
"Theo tôi, lần sau trong lễ tuyên thệ nhất thiết từ đoàn chủ tịch tới đại biểu phải đứng lên để đảm bảo tính nghiêm trang, thống nhất" - Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Đồng tình với ý kiến của ông Đỗ Bá Tỵ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đánh giá, nghi lễ tuyên thệ của các lãnh đạo đã trở thành đề tài của cả nước, thu hút được sự chú ý của người dân.
Còn bà Nguyễn Thanh Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho biết, cử tri rất đồng tình với lễ tuyên thệ nhưng mong muốn Quốc hội tổ chức phải đồng bộ, thủ tục tuyên thệ phải được quy định rõ ràng.
"Văn phòng Quốc hội phải phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục lễ tân Nhà nước (Bộ Ngoại giao) đưa ra kịch bản, quy trình thống nhất trong lễ tuyên thệ" - bà Hải đề nghị.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị chuẩn hóa lễ tuyên thệ thành nghi thức quốc gia. Ảnh: Quochoi.vn |
Trước các ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội theo dõi, tiếp thu.
"Trong lễ tuyên thệ, đại biểu Quốc hội lấy điện thoại ra quay, dân xem người ta thấy không nghiêm túc. Vì đây là nghi lễ lần đầu tiên tại Quốc hội nên chúng ta phải nghiên cứu lại xem cái gì hay, cái gì chưa hay để hoàn chỉnh thành nghi thức tuyên thệ quốc gia" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Đối với bài phát biểu trong lễ tuyên thệ, bà Ngân cho rằng cần ngắn gọn và thống nhất, tránh trường hợp mỗi người sáng tác thêm, bớt khác nhau.
"Dù còn nhiều ý kiến về lễ tuyên thệ lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội nhưng đa phần dư luận xã hội đều khen. Người dân thấy người đã thốt lên lời tuyên thệ khi gánh trọng trách trên vai, sẽ không làm trái những lời đã tuyên thệ trước Quốc hội” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo nghị quyết về nội quy kỳ họp (sửa đổi) thông qua sáng 24/11/2015, ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao phải tuyên thệ.
Nội dung này cụ thể hóa quy định Hiến pháp 2013. Theo đó, Chủ tịch nước với tư cách là Nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Nhà nước và 3 chức danh đại diện cho các khối cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp nói trên ngay sau khi được bầu phải thực hiện việc tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chánh án TAND tối cao đã tuyên thệ trước Quốc hội.