Hồng Đăng là một trong những gương mặt miền Bắc gây chú ý nhất của lĩnh vực phim truyền hình hiện nay. Nổi lên từ vai Minh Khang trong phim Cầu vồng tình yêu (năm 2011), anh được khán giả yêu mến bởi ngoại hình bảnh bao, lịch lãm.
Khoảng hai năm trở lại đây, nam diễn viên 8X liên tiếp tham gia các dự án khác như Tuổi thanh xuân, Zippo mù tạt và em, và Người phán xử - bộ phim nói về cuộc chiến nơi thế giới ngầm đang gây sốt.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhân vật Lê Thành của Hồng Đăng chưa có nhiều đất diễn, bị lu mờ so với các tuyến nhân vật thuộc giới giang hồ.
Lê Thành là vai phức tạp nhất từng đảm nhận
- Đảm nhận vai Lê Thành trong "Người phán xử", dường như anh bị chìm hẳn so với các tuyến nhân vật khác như Phan Hải, Phan Quân, Thế Chột, Lân Sứa, Bảo Ngậu?
- Phim nào cũng có một biểu đồ phát triển tuyến nhân vật. Ở phần đầu, tôi là nhân vật ngoại đạo, không thuộc giới giang hồ nên không thể nổi trội được. Đó là vấn đề hết sức bình thường. Sự phát triển của nhân vật Lê Thành sau này sẽ cuốn hút người xem. Tôi hy vọng như vậy.
- Sau pha giải cứu Thế Chột trong tập 17, Lê Thành bắt đầu được khán giả quan tâm, bàn luận, trong đó có những ý kiến trái chiều. Cảm xúc của anh thế nào?
- Đây là lần thứ hai tôi gặp cảm xúc như vậy. Trước đó là trong phim Tuổi thanh xuân - thời điểm nhân vật Khánh chuyên "phá" cặp đôi Linh và Junsu. Khi nhận những phản ứng thiếu tích cực, thú thực ban đầu tôi hơi hụt hẫng và khó chịu. Nhưng suy cho cùng đó lại là thành công của người diễn viên khi nhập vai.
Tôi nghĩ phản ứng của khán giả lần này là do nhân vật Lê Thành giải cứu Thế "chột". Nếu không có pha cứu đó, Lê Thành vẫn nằm trong phạm vi an toàn, được khán giả yêu quý ở mức vừa phải so với các nhân vật khác.
Ở phần đầu phim, Lê Thành chưa có đất diễn, thậm chí mờ nhạt. Trong khi đó, tuyến vai Phan Quân và Phan Hải đang được đẩy mạnh. Sau tập đó, Lê Thành bị khán giả "ném đá" rất nhiều. Tôi đã trải qua tất cả cung bậc cảm xúc của khán giả - ưu ái có, khó chịu có. Tôi đã quen dần với nó.
Hồng Đăng vào vai chuyên viên tâm lý trong Người phán xử. Ảnh: ĐPCC. |
- Điều gì khiến anh tâm đắc nhất ở nhân vật Lê Thành, "người con rơi" của ông trùm Phan Quân?
- Tôi tâm đắc nhất là sự chuyển hóa của nhân vật, từ một người rất coi trọng pháp luật, động đến điều gì cũng có thể lôi luật pháp ra và rồi lại trở thành tên tội phạm.
Khâu chuyển biến cực kỳ khó. Trong quá trình quay, tôi phải thường xuyên trao đổi với đạo diễn về khâu chuyển sao cho phù hợp, chẳng hạn ở khoảng này diễn như vậy đã đủ chưa hay phải dữ dằn hơn nữa.
Đây cũng là vai phức tạp nhất tôi từng đảm nhận, phức tạp về mọi thứ, từ tâm lý, xuất thân, cho đến công việc... Tôi chưa vào vai chuyên viên tâm lý bao giờ nên sự hiểu biết rất mông lung. Điều quan trọng nhất tôi phải thể hiện ở nhân vật này là sự tự tin, ánh mắt phán đoán.
- Cụ thể, cảnh quay nào khiến anh gặp khó khăn nhất về diễn biến tâm lý?
- Đó là thời điểm ông Hữu (người cha nuôi) qua đời, quá trình Lê Thành đi tìm cha, rồi chính thức bước chân vào giới xã hội đen hay giai đoạn gặp vấn đề về chuyện tình cảm. Nhân vật này có nhiều mối tình nên hơi phức tạp.
- Ngoại hình bảnh bao, thư sinh của anh được cho là không hợp để vào vai giang hồ. Nếu vào một vai ngổ ngáo, ngang tàng như Phan Hải chẳng hạn, anh nghĩ mình sẽ thế nào?
- Trước đây, tôi từng vào vai tội phạm trong phim Giọt nước rơi, nhưng dạng tội phạm đó không giống Phan Hải. Đó là đứa trẻ mồ côi, được một ông trùm nuôi để trở thành sát thủ.
Về diễn xuất, tôi nghĩ kiểu xã hội đen có nhiều loại. Nếu có cơ hội được đảm nhận dạng vai như Phan Hải, tôi cũng muốn thử khả năng của mình. Tôi thích tìm đến những thứ từ trước đến nay mình chưa làm. Đó cũng là cơ hội để tôi phá bỏ những định kiến trước đây rằng mình chỉ đóng tốt vai chàng trai soái ca, người con hiếu thảo.
Tôi muốn có đột phá trong sự nghiệp diễn xuất. Nhưng thú thực tôi nghĩ cơ hội không nhiều vì các đạo diễn thường tìm giải pháp an toàn. Hy vọng một đạo diễn nào đó dám giao cho tôi những vai tôi chưa làm bao giờ.
Hiện tại, dòng phim hình sự như vậy cũng chưa nhiều, đa phần vẫn thiên về đề tài gia đình, tình cảm.
Nhân vật Lê Thành chính thức bước chân vào giới xã hội đen ở giai đoạn sau. Ảnh: ĐPCC. |
Lo lắng vì tham gia liên tiếp nhiều phim truyền hình
- Thời gian gần đây, anh xuất hiện liên tiếp trên truyền hình, từ "Tuổi thanh xuân", "Zippo mù tạt và em" rồi "Người phán xử". Tuy nhiên Hồng Đăng trên màn ảnh vẫn là anh chàng bảnh bao và chưa có đột phá. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi nghĩ nhân vật Lê Thành có nhiều điểm khác so với tất cả vai tôi làm trước đây. Anh ta trải qua các giai đoạn khác nhau khi biến mình thành tên tội phạm. Sẽ có những cảnh bị rượt đuổi, chạy trốn, bắn nhau và tạo hình cũng khác.
Đúng là thời điểm này tôi lên sóng nhiều nên cũng lo. Không ít khán giả phản hồi chuyện tôi xuất hiện nhiều. Khi đọc những bình luận, tôi không mấy dễ chịu. Nhưng xét cho cùng, đó là những lời góp ý của khán giả, mình cần xem lại bản thân.
Sắp tới, tôi nghĩ cần một khoảng thời gian để nhìn nhận lại, trau dồi những cách diễn mới để "lột xác" hơn ở những phim sau.
- Một câu chuyện hậu trường phim truyền hình mà khán giả rất quan tâm là việc chuẩn bị phục trang cho nhân vật. Nhiều diễn viên tâm sự tiền cát-xê không đủ sắm quần áo. Anh có rơi vào trường hợp tương tự?
- Trước đây, đa phần mình tận dụng trang phục vốn có để đi làm. Nhưng bây giờ khán giả đòi hỏi cao hơn. Nếu phim nào mình cũng mặc một bộ đồ, khán giả khó chấp nhận.
Kinh phí nhà nước có giới hạn nên diễn viên phải đầu tư. Đa phần diễn viên miền Bắc thường cố gắng tìm nhà tài trợ. Trong trường hợp không có tài trợ, mình xác định là đi làm không công.
Với một số phim gần đây quay ở nước ngoài, kinh phí dành cho diễn viên vẫn như vậy nên đa phần bị âm. Nhưng mình phi lao thì phải theo lao thôi. Hơn nữa, đó cũng là cách để giữ hình ảnh cho mình.
- Nhưng cuộc sống của anh sung túc đấy chứ?
- Tôi nghĩ nghề nào cũng vậy, nếu biết chắt chiu thì mọi người đều có cơ hội. Tôi xuất thân từ gia đình bố mẹ làm công nhân viên chức, gần như không có của hồi môn. Mình phải bươn chải từ bé. Khi bắt đầu trưởng thành, tôi đã ý thức phải kiếm tiền. Tôi từng làm nhiều nghề như bán điện thoại, bán xe máy... để có kinh tế.
Thời điểm mới bước chân vào lĩnh vực phim truyền hình (cuối 2003), tôi chỉ ước mơ kiếm được 3 triệu đồng mỗi tháng, đủ để nuôi bản thân và nuôi bố mẹ.
Khi đã có khoảng thời gian vất vả từ bé, mình ý thức được chi tiêu làm sao cho phù hợp. Vợ chồng tôi cùng quan điểm với nhau nên sẽ tìm được con đường đi đúng đắn.
Ở tuổi này cũng không còn trẻ trung nữa, tôi cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống hiện tại. Trước đây tôi chẳng dám mơ mình được như bây giờ.
Gia đình hạnh phúc của Hồng Đăng. Ảnh: FBNV. |
- Anh thường xuyên viết những lời "có cánh" cho bà xã trên trang cá nhân. Phải chăng đó là cách anh bù đắp cho những hy sinh của chị ấy khi làm vợ của một người nổi tiếng?
- Người phụ nữ của tôi xứng đáng được như thế! Trong một năm, tổng ngày nghỉ của tôi chắc được khoảng 2-3 tháng và tôi chỉ chia sẻ được khoảnh khắc vui với gia đình. Chín tháng còn lại, vợ tôi vừa phải kinh doanh, vừa chăm con, đưa con đi học. Công việc của cô ấy quá nhiều.
Những khi được nghỉ ít, chúng tôi có thể để con ở nhà và đi phượt. Nếu làm được hơn nữa, tôi mong muốn hai vợ chồng có thời gian du lịch nước ngoài.
- Bà xã phản ứng thế nào khi anh thường xuyên vắng nhà?
- Cũng may mắn vợ tôi chính là người định hướng công việc cho tôi và hiểu tính chất công việc nên không phàn nàn gì. Tôi luôn cố gắng chỉ cần có thời gian rảnh là đưa gia đình đi du lịch.
- Vợ anh có theo dõi phim "Người phán xử" và nhận xét ra sao về vai diễn của anh?
- Phim có phản hồi tốt nên vợ tôi cũng rất quan tâm, tò mò. Bà xã mình có thói quen gom lại các tập rồi xem trên mạng, cũng có khi hai vợ chồng cùng ngồi xem.
Vợ tôi thích những nhân vật nhẹ nhàng, tình cảm, đi sâu vào tâm lý. Cô ấy thích những vai trước đây tôi đóng trong Cầu vồng tình yêu, Zippo mù tạt và em hơn dạng vai tính cách sồn sồn, bốc hỏa.