Ngày 21/11, trao đổi với báo chí, Phó chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN và NĐ Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Trường hợp ông Truyền có cái đặc biệt – đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật, chống tham nhũng. Lẽ ra ông ấy phải gương mẫu nhất, trong sạch nhất”.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến. Ảnh: Tiền Phong. |
- Những sai phạm của ông Truyền về tài sản nhà đất, bổ nhiệm cán bộ có nghiêm trọng không thưa ông?
- Có 2 vấn đề nổi lên: Một là không minh bạch về tài sản. Có những tài sản không thuộc về phạm vi, chế độ, tiêu chuẩn của mình nhưng ông Truyền vẫn xin mua, xin thuê. Sau khi nghỉ hưu 3 năm ở quê rồi mới trả lại nhà công vụ. Nhà ở quê thì nói là do con cái đầu tư nhưng tôi cho rằng thực chất có thể cũng là tài sản của ông Truyền.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy, ông Truyền có tới 6 trường hợp về nhà, đất thì là quá nhiều so với những cán bộ thông thường, so với các bộ cao cấp khác cũng cao hơn nhiều.
Thứ hai là, trước khi về hưu đã bổ nhiệm ồ ạt tới 60 cán bộ cấp vụ, phòng ở Thanh tra Chính phủ. Trong số đó có nhiều người không đủ tiêu chuẩn, không đúng quy trình và bây giờ thì lại cái “họa”. Cán bộ đó không đủ tiêu chuẩn, không có uy tín để làm việc.
Chuyện nhà đất lẫn chuyện bổ nhiệm cán bộ ồ ạt chắc chắn có dấu hiệu trục lợi đằng sau, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công tác phòng chống tham nhũng, về công tác bổ nhiệm cán bộ.
- Được cấp/cho thuê nhiều nhà đất như ông Truyền còn do các cơ quan chức năng ở Bến Tre, TP.HCM nể nang ông ấy?
"Nếu không xử nghiêm vụ này thì chúng ta không bao giờ xóa được hoài nghi của dân là chống tham nhũng, chúng ta chỉ tắm từ vai trở xuống” - ông Lê Như Tiến.
Nếu như địa phương nào cơ quan nào cũng nể nang như vậy thì luật pháp có còn được thực thi hay không. Cứ nể nang, xã hội sẽ bị rối loạn.
Chắc chắn phải xử nghiêm
- Kết luận nêu ông Trần Văn Truyền đã thiếu trung thực, không báo cáo thông tin đầy đủ, đúng sự thật về nhà, đất. Sau khi được mua lại để cho người khác ở, kinh doanh?
- Như thế không phải là nể nang mà là làm sai, vi phạm pháp luật. Liệu có đi có lại hay không? Tôi hóa giá cho anh một căn nhà thì anh tạo điều kiện cho tôi việc gì đó. Đây là lỗi cả 2 phía, cả cơ quan Nhà nước và bản thân ông Truyền. Hơn ai hết ông Truyền phải là người am hiểu pháp luật.
Ông ấy không thể nói là do khó khăn về nhà ở để xin thuê, mua nhà. Cán bộ chỉ cần có 1 ngôi nhà để ở, không thể nào cần tới 5-6 căn nhà như vậy, nhất là ông Truyền lại là người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ. Đó là điều không thể chấp nhận được.
- Tiếp theo, các cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào vấn đề của ông Truyền vì ở đây không chỉ có vấn đề tài sản?
- Chắn chắc các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan phòng chống tham nhũng sẽ phải vào cuộc. Tôi cũng đã từng phát biểu trên Quốc hội, căn bệnh tham nhũng biệt thự và nhà công vụ là vấn đề hết sức lớn hiện nay.
Trong khi cán bộ công chức nào đó nhận phong bì vài trăm ngàn thì bị lên án mạnh mẽ, còn cán bộ cấp cao tham nhũng một lô đất, căn biệt thự công vụ hàng chục tỷ đồng thì từ trước đến nay chưa xử ai.