Trong những ngày thi đấu vừa qua, nhiều VĐV của Việt Nam tại ASIAD thi đấu không thành công. Nhiều người gọi đó là sự thất vọng.
Hàng loạt những VĐV trọng điểm, ưu tú của Việt Nam đã không đạt chỉ tiêu ASIAD 2018. Lý do thì có nhiều, nhưng như tôi đã phân tích, lý do trực tiếp là đối thủ mạnh hơn chúng ta, thậm chí mạnh hơn rất nhiều.
Thạch Kim Tuấn tiếp tục phải nhận thất bại trước VĐV CHDCND Triều Tiên tại ASIAD 2018. |
Có thể liệt kê ra Huy Hoàng, Thạch Kim Tuấn, Trịnh Văn Vinh, hay kể cả Xuân Vinh cũng đều thua những kỷ lục gia, nhà vô địch thế giới. Các VĐV của chúng ta chưa đủ khả năng hay đạt tới tầm đỉnh cao để vượt qua họ.
Ngành thể thao cần rút ra bài học
Muốn làm được điều đó cần cả một quá trình quan tâm, đầu tư huấn luyện và đào tạo. Tất cả những thứ tôi vừa liệt kê, các nhà làm chuyên môn phải vào cuộc, mổ xẻ.
Ở bất cứ thời điểm và giai đoạn nào cũng có những VĐV trẻ xuất sắc. Nhưng đưa được họ lên tầm cao châu lục hay thế giới là trách nhiệm của ngành thể thao và các nhà làm thể thao từ trung ương tới địa phương.
Tôi từng thấy nhiều người ở lứa tuổi chuyên môn sâu ban đầu thi đấu rất tốt, nhưng càng về sau càng hụt hơi và dần thi đấu không tốt. Việc này phụ thuộc vào quan điểm đầu tư, quá trình thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch đào tạo...
Một nguyên nhân khác dẫn tới các thất bại đáng tiếc là chính sai sót của VĐV. Trường hợp Lê Thanh Tùng ở môn TDDC chẳng hạn. Anh ấy là VĐV giỏi, bằng chứng là ở vòng loại đã thi đấu rất xuất sắc. Tuy nhiên, ở phần thi chung kết thì Tùng lại gặp vấn đề trong chạy đà.
Những thất bại của Ánh Viên hay Hoàng Xuân Vinh cần được xem xét kỹ lưỡng để rút ra bài học cho những kỳ đại hội sau. |
Ở nội dung nhảy chống, VĐV phải thực hiện các động tác với những nhóm nhảy khác nhau. Nếu anh thực hiện cùng nhóm nhảy mà độ khó không nâng lên sẽ bị trừ điểm.
Đây là sai sót trong quá trình chuẩn bị và thi đấu. Ngay sau thất bại này, HLV Trương Minh Sang đã đứng ra nhận trách nhiệm. Theo tôi đó là điều là đúng đắn.
Trưởng đoàn Trần Đức Phấn có phát biểu rằng việc thất bại hay thành công là bình thường trong thể thao. Tôi đồng ý với quan điểm đó. Nhưng qua từng thời kỳ phát triển thì chúng ta dần phải rút ngắn khoảng cách với các nước khác, ít nhất là ở một số môn thể thao trọng điểm.
Tôi nói về trường hợp VĐV bơi Huy Hoàng. Cậu ta luôn thể hiện là người có tiềm năng từ các giải trong nước, những đợt bơi sát hạch để tuyển chọn VĐV. Thế nhưng Huy Hoàng không nhận được sự đầu tư đúng với khả năng của cậu ấy.
Huy Hoàng luôn thể hiện mình là một trong những VĐV xuất sắc tại các kỳ thi quan trọng. |
Rõ ràng, việc đánh giá và đầu tư cho VĐV này có vấn đề. Giả sử, hệ thống tuyển chọn và quản lý nhìn nhận đây là VĐV có tiềm năng và thực hiện đầu tư nghiêm túc, tích cực như các VĐV khác thì liệu Huy Hoàng có đoạt HCV không?
Tôi cho rằng hoàn toàn có khả năng. Thực tế trên đường đua cậu ấy có khoảng 500 m dẫn đầu, và chỉ hụt một chút khi về đích, vượt lên các VĐV khác và chỉ kém với kỷ lục gia, nhà vô địch thế giới khoảng 1 giây.
Sau kỳ ASIAD này, các nhà chuyên môn và quản lý thể thao cần phải cùng các cơ quan có liên quan ngồi lại, suy nghĩ lại quá trình đầu tư, giám sát, tổ chức thực hiện chiến lược và quan tâm hơn tới quá trình tuyển chọn.
Nếu thực hiện tốt thì một vài, thậm chí tới 4 kỳ ASIAD tới chúng ta mới có một lứa VĐV tương đối ổn định và đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các cường quốc trong châu lục.
Cần nhìn đúng thực lực của VĐV
Ngoài ra, còn có một vấn đề nữa là nhiều VĐV giỏi, đã có thành tích, trở thành niềm hy vọng được ngành TDTT và quần chúng quan tâm. Trong đó, giới truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, thông tin tới người hâm mộ.
Thực lực của nhiều VĐV đang bị nhìn nhận sai lệch dẫn tới những hiệu ứng tiêu cực khi thất bại. |
Trong khi đó, những VĐV chưa có thành tích gì lại ít được quan tâm, nhắc đến khiến người hâm mộ không biết, không đặt kỳ vọng. Ở đây, một phần lỗi do giới truyền thông đánh giá năng lực VĐV không chính xác, thậm chí tâng bốc quá cao các VĐV, khiến người hâm mộ ngộ nhận.
Sáng nay, tôi đọc nhiều tờ báo nhắc tới cụm danh từ "hy vọng vàng". Họ nói như vậy khiến người hâm mộ mặc định công nhận rằng tất cả các VĐV chuẩn bị thi đấu là niềm hy vọng của đoàn thể thao Việt Nam. Điều đó vô tình dẫn tới việc nhiều người thất vọng khi các VĐV thi đấu không thành công.
Kể cả ở đội bóng đá nam, họ đá hay thì mình động viên chứ đừng nói quá lên. Tôi lấy ví dụ khác, tối qua đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thất bại trước Đài Loan (Trung Quốc). Trước trận, nhiều người khẳng định đối thủ yếu hơn và chúng ta sẽ thắng dễ. Kết quả như thế nào, ai cũng đã biết.
Hôm trước chúng ta trao đổi về fair-play, trong đó có nhắc đến việc bình luận, đánh giá, khách quan công bằng. Nếu làm được vậy khoảng cách giữa hy vọng và thất vọng sẽ không quá lớn.
Vấn đề được nhìn nhận đơn giản hơn và chúng ta cũng không bị suy sụp quá nếu các VĐV trọng điểm gặp thất bại.