Dường như, cho đến tận ngày nay, khi nhìn nhận và đánh giá về khúc quanh đầy biến động của lịch sử Việt Nam diễn ra vào cuối thế kỷ 18, giới nghiên cứu trong và ngoài nước và kể cả số đông công chúng đều chịu sự tác động rất lớn từ những dữ kiện và đánh giá được thể hiện trong các tác phẩm văn học đương thời tiêu biểu như Hoàng Lê nhất thống chí hay những trước tác của giới sử quan triều Nguyễn.
Sự sụp đổ của nhà Hậu Lê được diễn giải bằng sự suy thoái cũng như không còn đủ khả năng đảm trách vai trò lịch sử của triều đại này, hay nói theo quan niệm của Nho gia đó là sự đánh mất “thiên mệnh”.
Đồng thời, Lê Chiêu Thống, vị vua cuối cùng của nhà Hậu Lê cũng được khắc họa trong mắt đại chúng như một kẻ suy đồi, hèn kém và là tội đồ lịch sử khi đóng vai trò chủ động trong việc mở đường cho 29 vạn quân Thanh tiến hành cuộc xâm lược Đại Việt vào năm 1788.
Tuy nhiên, trong Lê mạt sự ký, công trình nghiên cứu công phu về sự suy tàn của triều Lê cũng như những biến động diễn ra trong xã hội Việt Nam vào cuối thế kỷ 18, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính lại đưa ra những luận cứ và nhận định rất khác biệt, thậm chí trái ngược của sử học từ trước đến nay về những sự kiện và nhân vật gắn liền với những biến động liên tục diễn ra trong giai đoạn này.
Nổi bật nhất trong số đó chính là Lê Chiêu Thống và các tòng thần của ông, đặc biệt là Lê Quýnh, những kẻ từ lâu đã được lịch sử mặc định cho tội danh bán nước hay “cõng rắn cắn gà nhà”.
Tác phẩm Lê mạt sự ký của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính. |
Từ những nguồn sử liệu khác
Có thể nói, Nguyễn Duy Chính không phải là người đầu tiên và duy nhất lật lại vấn đề và uẩn khúc xoay quanh Lê Chiêu Thống, Lê Quýnh. Vào những thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước, thông qua những khảo sát về mặt tư liệu của mình, trong đó có những ghi chép cụ thể trong Bắc hành tùng ký của Lê Quýnh, một trong những cận thần đã theo sát Lê Chiêu Thống từ khi còn ở trong nước cho đến khi đã lưu vong ở Trung Hoa, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã bước đầu đặt lại một cách cụ thể những nghi vấn về cuộc đời, hành động và vai trò của những nhân vật này trong sự sụp đổ của triều Hậu Lê cũng như cuộc xâm lược của quân đội Mãn Thanh vào cuối thế kỷ 18.
Tuy nhiên, nếu như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn dường như mới chỉ dừng ở mức gợi mở thì Nguyễn Duy Chính lại đi xa hơn rất nhiều trong việc bóc tách và đánh giá lại vấn đề trong công trình của mình. Điều này được ông thực hiện không chỉ dựa trên việc khai thác nguồn sử liệu trong nước mà còn ở cả những sử liệu nằm bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, hay cụ thể hơn chính là Trung Quốc.
Bằng sự đối chiếu, so sánh với những ghi chép về các sự kiện liên đới giữa hai triều đình Thanh – Việt thông qua những thư tịch, và chính yếu nhất là hai pho biên niên sử đồ sộ của phía triều đình Mãn Thanh là Thanh thực lục và Khâm định An Nam kỷ lược, Nguyễn Duy Chính đã chỉ ra những điểm mâu thuẫn và có phần bất hợp lý trong việc đề cập đến những biến cố diễn ra vào giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn.
Những mâu thuẫn và bất hợp lý đó dường như không phải là một sự vô ý. Nỗ lực hợp thức và chính danh hóa việc đăng cơ vua Gia Long cùng với triều đại mới của ông đã tạo nên những thiên kiến và trói buộc đối với việc ghi chép của giới sử quan triều Nguyễn.
Những thiên kiến này bao gồm việc phủ nhận vương triều Tây Sơn, khắc họa nên sự yếu kém và bạc nhược đã dẫn đến việc đánh mất “thiên mệnh” của triều đình Lê Chiêu Thống cũng như kéo dài sự tồn tại của nó dưới hình thức của một triều đình lưu vong.
Với sự tác động mạnh mẽ của Khâm định Việt sử thông giám cương mục và rất nhiều sử liệu thứ cấp, thậm chí cả các tác phẩm văn học vốn mang độ chính xác rất thấp như Hoàng Lê Nhất thống chí trong việc xác lập nền tảng tư liệu cho các nghiên cứu của giới sử học sau này đã dẫn đến những cách nhìn tiêu cực về Lê Chiêu Thống và các cận thần của ông.
Vua Lê vi hành. Nguồn: Mary Somers Heidhues, Southeast Asia: A concise history, Thames & Hudson, London, 2000. |
Lật lại những nhân vật gây tranh cãi
Lê Chiêu Thống đáng thương hay đáng trách? Có tội hay không có tội? Ông và các cận thần như Lê Quýnh thực sự có phải là những kẻ đã mở đường cho ngoại bang xâm lược hay chỉ là những nạn nhân của thời cuộc?
Đó là những nghi vấn mà thông qua công trình của mình, Nguyễn Duy Chính đã cố gắng lật mở lại quá khứ để tìm kiếm câu trả lời xác đáng nhất và đồng thời, cũng phác họa lại chân dung của tất cả những nhân vật đặc biệt đó đặt trong một bối cảnh rối ren của quyền lực và xã hội Việt Nam đương thời.
Một Lê Chiêu Thống nếm trải những bất hạnh từ khi còn tấm bé, có đầy đủ năng lực và ý chí nhưng chưa bao giờ thực sự nắm được vương quyền, trở thành nạn nhân của các thế lực chính trị để rồi bị vấy lên mình nỗi ô nhục và trở thành tội đồ thiên cổ; một Nguyễn Thị Kim mang danh phận vương phi nhưng chưa kịp sống yên ấm trong cung khuyết đã phải rơi vào những ngày tháng cô quạnh lẩn khuất rồi quyên sinh như một hành động trọn đạo nghĩa, một bề tôi Lê Quýnh hết mực trung thành với câu nói đầy khí khái “đầu có thể chặt nhưng tóc không thể cắt, da có thể lột nhưng áo không thể đổi”.
Và còn rất nhiều những thân phận khác nữa. Họ là “những người lưu lạc ra bên ngoài, nay đã vô can với biến chuyển, đổi thay ở trong nước” nhưng lại biến thành vật che đậy cho những thất bại quân sự của kẻ xâm lược, những tham vọng quyền bính của người đắc thắng. Thời thế đã đẩy họ vào một con đường mà có lẽ họ chưa hoặc không bao giờ muốn đi.
Nguyễn Duy Chính, bằng nỗ lực của mình đã đem họ trở về, trả lại cho họ sự thật và một vị trí đúng đắn giữa cơn ba đào của lịch sử, để từ đó, chúng ta có thể hiểu lại một cách rõ ràng hơn những con người bất hạnh ấy.
Những kẻ “dù sa cơ, dù thất thế, mãi mãi họ vẫn còn là người Việt Nam”.