ĐH Văn hóa Hà Nội công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển học bạ, 3 ngành Báo chí, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Luật lấy đến 30,5 điểm cho tổ hợp C00 và 29,5 điểm cho 2 tổ hợp A00, D01. Ngành Văn hóa truyền thông cũng lấy mức điểm chuẩn 30.
Trong khi đó, điểm xét tuyển được tính theo thang 30. Trường đề ra mức điểm cộng cho thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, trường chuyên. Điểm cộng dao động từ 3 đến 10 điểm, tùy tiêu chí.
Như vậy, nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh dù đạt điểm trung bình tuyệt đối ở cả 3 môn vẫn không có cơ hội trúng tuyển vào đây.
Điểm chuẩn học bạ tăng vọt
Không chỉ ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng lấy điểm trúng tuyển cao. Điểm chuẩn đối với thí sinh trường chuyên từ 19,5 đến 28,5. Hai ngành có điểm chuẩn cao nhất là Công nghệ thông tin (đại trà) và Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (đại trà).
Hai ngành này cũng có điểm chuẩn xét học bạ THPT cao nhất đối với thí sinh trường TOP 200 (28,75 điểm). Điểm chuẩn thấp nhất ở phương thức này là 19,5.
Đại học Văn hóa Hà Nội đề ra mức điểm cộng từ 3 đến 10. |
Đối với thí sinh các trường còn lại, điểm chuẩn xét học bạ vào 71 ngành là từ 21 đến 29,75. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Kinh doanh quốc tế (đại trà), Thương mại điện tử (đại trà), Công nghệ thông tin (đại trà), Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (đại trà).
ĐH Giao thông Vận tải công bố kết quả xét tuyển học bạ THPT của 33 ngành đào tạo, điểm chuẩn từ 19,12 đến 28,37. Ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là Công nghệ thông tin (chương trình chất lượng cao Công nghệ thông tin Việt - Anh).
ĐH Cần Thơ lấy điểm chuẩn các ngành xét tuyển điểm học bạ dao động từ 19,5 đến 29,25 điểm. Trong đó, các ngành Tài chính - Ngân hàng, Kinh doanh Quốc tế, Marketing và Công nghệ thông tin có điểm trúng tuyển 29,25.
Điểm chuẩn học bạ trên 30 không phải bất thường
Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc một số trường đại học lấy điểm xét tuyển học bạ trên 30 không phải điều bất thường hay đi ngược với nguyên tắc tuyển sinh đại học hiện nay.
Về nguyên tắc, việc tuyển sinh vào đại học dựa trên điểm số của thí sinh (điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực, điểm học bạ...). Các trường sẽ lấy theo thứ tự điểm cao từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Năm nay, một số trường lấy điểm chuẩn học bạ xấp xỉ 30, hoặc hơn 30 để lựa chọn những thí sinh khá giỏi, phù hợp với tiêu chí của trường.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng điểm học bạ trên 30 chỉ rơi vào một số ngành, so với tổng chỉ tiêu thì không đáng kể. Những ngành còn lại điểm chuẩn xét tuyển học bạ dưới 30, thí sinh vẫn có cơ hội trúng tuyển.
Lý giải cho việc điểm chuẩn xét tuyển học bạ năm 2022 cao hơn các năm trước, TS Nguyễn Đức Nghĩa đưa ra hai lý do.
Thứ nhất, nhiều trường đại học giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh buộc phải lựa chọn các phương thức khác để nâng cao cơ hội trúng tuyển. Xét tuyển bằng học bạ là cách “dễ” nhất để đậu vào các trường. Vì thế, việc thí sinh đổ xô nộp hồ sơ bằng điểm học bạ chính là nguyên nhân khiến các trường phải nâng điểm chuẩn để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Thứ hai, việc chấm điểm thành phần, điểm thi học kỳ ở bậc THPT không còn quá khắt khe. Thầy Nghĩa cho rằng các trường THPT đã có sự điều chỉnh theo tình hình dịch bệnh trong thời gian vừa qua, nhằm tạo điều kiện cho học sinh có bảng điểm đẹp hơn. Ngoài ra, căn cứ tình hình dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã có sự điều chỉnh, cắt giảm chương trình để đảm bảo học sinh theo kịp tiến độ năm học. TS Nghĩa cho rằng đó cũng là một yếu tố ảnh hưởng.
“Với tâm lý muốn tạo điều kiện cho học sinh theo đuổi các bậc học cao hơn, một số thầy cô, nhà trường có thể 'nới' điểm để học sinh có được kết quả học tập bậc THPT tốt hơn”, TS Nghĩa dự đoán.
Nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM thông tin thêm từ năm 2023, các trường sẽ không cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có điểm xét tuyển từ 22,5 trở lên (nguyên tắc này áp dụng cho tất cả phương thức xét tuyển). Do đó, tình trạng điểm chuẩn trên 30 sẽ không còn xảy ra.
Làm thế nào để nâng cao chất lượng tuyển sinh?
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, hiện nay, các trường đại học đang hướng đến 2 tiêu chí khi tuyển sinh là đủ chất lượng và đủ chỉ tiêu. Để tuyển đủ chỉ tiêu, các trường đưa ra nhiều phương thức. Trong đó, xét tuyển bằng điểm học bạ là phương thức dễ dàng và thuận lợi nhất cho cả nhà trường và thí sinh.
Nếu muốn nâng cao chất lượng tuyển sinh bằng điểm học bạ, các nhà trường nên áp dụng thêm những tiêu chí phụ, ví dụ yêu cầu thí sinh phải có chứng chỉ học tập liên quan như IELTS, SAT, A-level... Những tiêu chí này sẽ giúp nhà trường đưa ra đánh giá cụ thể và khách quan hơn, đồng thời nâng cao chất lượng đầu vào.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), việc cộng quá nhiều điểm cho một phương thức xét tuyển là chưa phù hợp. Lấy ví dụ ở ĐH Văn hóa Hà Nội, thí sinh xét tuyển có thể được thêm đến 10 điểm, gây ra khoảng cách điểm số cho những thí sinh không được cộng điểm.
Nếu muốn thêm điểm cộng cho thí sinh, các trường cần đề ra đối tượng, khu vực cụ thể để việc này vẫn phản ánh được đúng thực chất năng lực của thí sinh, tránh gây ra tình trạng chênh lệch điểm số.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhận định với tình trạng hiện nay của ngành giáo dục Việt Nam, các trường cần đa dạng hóa phương thức xét tuyển. Một trường có thể áp dụng nhiều cách tuyển sinh khác nhau như xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực, xét học bạ, xét tuyển kết hợp...
Với phương thức xét học bạ, ông Dũng đề xuất các trường phải có sự phân loại trước khi tuyển sinh. Ví dụ, học sinh từ các trường chuyên, trường tốp đầu sẽ được xét tuyển ở mức chuẩn thấp hơn và nhiều chỉ tiêu hơn. Thí sinh từ các trường khác sẽ được áp dụng mức chuẩn cao hơn vì số lượng thí sinh đăng ký nhiều.
"Gom chung các trường để xét tuyển học bạ sẽ dẫn đến việc chất lượng đầu vào không phản ánh đúng năng lực thí sinh, nhất là trong bối cảnh nhiều trường nâng điểm để làm đẹp học bạ cho thí sinh như hiện nay", thầy giáo nói.