Tổng thống Yoon Suk Yeol ngày 9/8 đến thăm căn hộ bán hầm ở Seoul - nơi ba người trong một gia đình được tìm thấy đã chết trong trận mưa lớn vào đêm 8/8. Ảnh: Reuters. |
Thường ngày, căn hộ ấy là mái nhà che chở cho một gia đình nghèo có ba người ở quận Gwanak-gu, Seoul. Nhưng khi thủ đô Hàn Quốc hứng trận mưa lớn kỷ lục vào tối 8/8, căn hộ bán hầm - với phần sàn được xây thấp hơn mặt đường - bỗng trở thành chiếc bẫy tử thần.
Ba nạn nhân - một phụ nữ 47 tuổi cùng chị gái khuyết tật và con gái 13 tuổi - đã kêu cứu khi nước tràn vào trong. Hàng xóm phá cửa sổ để cứu họ nhưng nước ngập cả căn nhà chỉ trong vài giây.
Những cái chết bi thảm trên một lần nữa khiến giới chức và người dân chú ý tới vấn đề an toàn của các căn hộ xây theo kiểu bán hầm, vốn thường là lựa chọn của các gia đình thu nhập thấp tại Hàn Quốc.
Trong ảnh là căn hộ bán hầm nơi ba người được tìm thấy đã chết ở Sillim-dong, Gwanak-gu, Seoul vào ngày 9/8. Ảnh: Yonhap. |
Lịch sử hàng chục năm
Nhà bán hầm, còn gọi là banjiha, là kiểu căn hầm chỉ có một phần nằm dưới đất, thay vì toàn bộ kết cấu nằm bên dưới mặt đất.
Chúng không phải là một điểm độc đáo của kiến trúc Seoul mà là sản phẩm của lịch sử, giai đoạn giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn còn chiến sự.
Năm 1970, chính phủ Hàn Quốc sửa đổi quy định xây dựng, từ đó yêu cầu mọi chung cư tầm thấp mới xây đều phải có tầng hầm làm boongke trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp. Cũng vì vậy mà thời gian đầu, việc cho thuê banjiha làm nơi ở là hành vi trái pháp luật.
Chính phủ Hàn Quốc sau đó nới lỏng quy định trên do quá trình đô thị hóa nhanh chóng và dòng chảy di cư từ nông thôn ra thành thị.
Tới năm 1984, luật xây dựng mới sửa đổi cho phép banjiha được xây cao hơn một nửa so với mặt đường, thay vì quy định ít nhất 2/3 chiều cao căn hộ phải thấp hơn mặt đường. Mục đích là để các banjiha phù hợp hơn với cuộc sống bình thường.
Hàng chục năm sau, khi nền kinh tế Hàn Quốc khởi sắc và giá bất động sản tăng mạnh, banjiha cùng với goshiwon (phòng siêu nhỏ) và oktapbang (phòng trọ trên mái các tòa nhà thấp) đã trở thành lựa chọn cuối cùng cho giới trẻ hay những người đang gặp khó khăn tài chính.
Người đi ngoài đường có thể nhìn vào banjiha. Ảnh: BBC. |
Tại Seoul, giá thuê banjiha mỗi tháng thường rơi vào khoảng 170-420 USD, với tiền cọc 2.500-8.400 USD.
Khoảng 366.000 trong số 20,5 triệu hộ gia đình của Hàn Quốc sống trong banjiha vào năm 2018, SCMP dẫn số liệu từ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc. 63% trong số ấy nằm ở thủ đô Seoul.
Thành tâm điểm chú ý nhờ phim ảnh
“Không ai muốn sống ở banjiha cả mà họ phải sống vì không đủ tiền”, nhà thơ Lee Seung Cheol - người đã sống trong một banjiha ở quận Haebangchon, Seoul được 15 năm - nói với SCMP hồi năm 2020.
Ông Lee, 63 tuổi, đã học cách làm quen với việc phải thay giấy dán tường nhà hai năm một lần vì quá ẩm. Mỗi khi hè tới, thứ mùi ẩm mốc lại tỏa ra và luôn hiện hữu khắp căn nhà.
“Bất tiện nhất là tiếng ồn từ trên tầng. Bạn có thể nghe thấy mọi thứ tiếng vì ở tầng dưới cùng”, ông Lee nói nhưng nhấn mạnh rằng banjiha là nơi ở “hoàn toàn ổn” nếu biết cách chăm sóc.
Không phải ai cũng như ông Lee. Kể với SCMP, sinh viên Baek Hyun Young nói sau khi ở banjiha một học kỳ đã phải chuyển lên phòng gác xép vì cảm giác căn hộ bán hầm kín như chiếc hộp.
“Thường ngày tôi có cảm giác bị xâm phạm đời tư vì tôi biết bất cứ ai bên ngoài cũng có thể nhòm thấy tôi qua cửa sổ vào bất cứ khi nào”, anh Baek, 23 tuổi, nói.
Một cảnh trong phim Parasite của đạo diễn Bong Joon Ho. Trong phim, nhân vật chính cùng gia đình sống trong một banjiha ẩm thấp, xập xệ. Ảnh: Neon. |
Banjiha đã được chú ý hơn sau khi đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho đưa hình ảnh căn nhà bán hầm xập xệ vào bộ phim Parasite. Căn nhà banjiha nơi nhân vật chính trong phim sống cùng gia đình nghèo đã trở thành biểu tượng cho sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc ở Hàn Quốc, cũng như nhà quan tài ở Hong Kong hay favela (khu ổ chuột) ở Brazil.
Một tuần sau khi Parasite trúng giải Oscar, chính quyền đô thị Seoul thông báo sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho 1.500 hộ gia đình còn sống tại banjiha, để họ có thể nâng cấp hệ thống sưởi, lắp đặt điều hòa, thông khí và cửa sổ.
“Bước đầu như vậy rất tốt nhưng đương nhiên chưa đủ”, Park Mi-seon, nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu Định cư Hàn Quốc, nói.
Ông gợi ý trước tiên cần thực hiện khảo sát toàn diện về điều kiện sống của người dân tại banjiha. Lượng nhà ở xã hội cho thuê cũng cần phải tăng về dài hạn, theo ông Park.