Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lập Vinpearl Air, bao giờ máy bay của Vingroup có thể cất cánh?

Lập Vinpearl Air chỉ là bước đầu tiên cho tham vọng hàng không của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Để có thể khai thác bay, doanh nghiệp còn phải trải qua nhiều bước chuẩn bị về pháp lý.

Thông tin về hãng hàng không thuộc Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air, xuất hiện trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, như nguồn tin tại Vingroup nói với Zing.vn, đây chỉ là bước chuẩn bị bước đầu. Từ thành lập doanh nghiệp đến khi cất cánh còn nhiều quy trình, thủ tục pháp lý, bên cạnh việc chuẩn bị về nhân sự, hạ tầng.

Hồ sơ chưa đến Cục Hàng không

Việc thành lập Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air chỉ là bước đầu tiên trong quá trình mở hãng bay tại Việt Nam.

Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, một doanh nghiệp có nguyện vọng thành lập hãng hàng không thì sẽ phải trình hồ sơ đề án hãng hàng không lên chính quyền địa phương (Sở Kế hoạch và Đầu tư) nơi doanh nghiệp đó đặt trụ sở.

Sau khi được chấp thuận thì kế hoạch thành lập, đề án mới sẽ được trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để báo cáo Thủ tướng.

Sau khi được Chính phủ phê duyệt, doanh nghiệp sẽ trải qua các bước kiểm định năng lực của Bộ GTVT và Cục Hàng không để tiến hành cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung, hay còn gọi là giấy phép bay.

Hãng bay mới nhất của Việt Nam là Bamboo Airways mất khoảng hơn 1 năm từ bước thành lập đề án tới thời điểm cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên. Đây được xem là trường hợp cất cánh nhanh so với các hãng bay trên thế giới.

Trao đổi với báo chí, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không, cho biết hồ sơ của Vinpearl Air chưa đến cơ quan này.

Với 1.300 tỷ vốn đăng ký, quy mô đội bay Vinpearl Air sẽ ra sao?

Theo Nghị định 92/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, với vốn đăng ký từ 1.300 tỷ đồng, hãng bay có thể khai thác trên 30 máy bay và có bay quốc tế.

vingroup mo hang hang khong anh 1
Theo quy định hiện hành, với vốn đăng ký từ 1.300 tỷ đồng, Vinpearl Air có thể khai thác trên 30 máy bay và có bay quốc tế. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên theo số liệu từ Bộ GTVT và Cục Hàng không, kế hoạch phát triển của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2023 hiện dành 74-83 máy bay cho các hãng bay mới. Nói cách khác, dư địa vẫn còn cho hãng hàng không mới như Vinpearl Air.

Bộ GTVT cũng nhận định theo thực tiễn kinh doanh vận chuyển hàng không, hãng bay muốn khai thác ổn định, có hiệu quả thì quy mô đội tàu bay tối thiểu phải từ 25 - 30 máy bay.

30 chiếc cũng là số lượng máy bay mà Bamboo Airways của đại gia Trịnh Văn Quyết được phép khai thác tới cuối năm 2023. 

Nhân sự của Vinpearl Air tới từ đâu?

Hiện Vingroup chưa tiết lộ về nhân sự cấp cao của Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air. Cái tên duy nhất lộ diện trong dàn lãnh đạo hiện tại là bà Nguyễn Thanh Hương (sinh năm 1972), người đại diện doanh nghiệp, đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.

Bà Nguyễn Thanh Hương đồng thời đang là đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Nhất Nam và Công ty cổ phần Đầu tư Nhất Nam. Đây là doanh nghiệp sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart và chuỗi bán lẻ điện thoại Viễn Thông A, được Vingroup mua lại cuối năm 2018.

Trong điều kiện thiếu hụt phi công và nhân sự hàng không ở khu vực và tại Việt Nam, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tuyên bố thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không (VinAviation School) để đào tạo phi công và thợ máy. Mỗi năm, trường này dự kiến đào tạo 400 học viên. 

Vingroup cũng dự kiến đào tạo các nhân sự khác trong ngành Hàng không như huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không, quản trị hàng không, kinh tế vận tại hàng không và kỹ sư máy bay.

Hai cơ sở đào tạo này tuyển sinh ngay trong tháng 8. Tuy nhiên, theo ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines, để đào tạo một phi công lái chính Airbus A320, A321 cần ít nhất 3 - 4 năm đào tạo cơ bản, với phi công lái Airbus A350, Boeing 787, công tác này kéo dài tới 7 - 8 năm.

Vì thế, 2 cơ sở đào tạo của Vingroup cung cấp được nhân sự ra thị trường sẽ không thể đáp ứng nhu cầu trước mắt của Vinpearl Air. Nhân sự hàng không trong cuộc cạnh tranh khốc liệt vẫn sẽ là bài toán khó.

Phi công và tiếp viên hàng không ngủ ở đâu trên máy bay? Các máy bay đi đường dài đều có những cánh cửa bí mật dẫn đến khoang nghỉ của phi hành đoàn dành cho phi công và tiếp viên.

Vừa lập hãng bay, Vingroup tuyên bố mở trường đào tạo phi công

Vừa thành lập công ty chuyên kinh doanh vận chuyển hành khách hàng không, Vingroup cũng tuyên bố mở trường đào tạo phi công và thợ máy tại Việt Nam.

Xuất hiện pháp nhân mang tên Vinpearl Air, kinh doanh hàng không

Mới đây thông tin về doanh nghiệp có tên Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air xuất hiện trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.


Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm