Chợ dã chiến được hình thành trên một góc sân bóng ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi (TP.HCM). |
Chợ này do UBND xã Phước Vĩnh An tổ chức cho các tiểu thương bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống nhằm phục vụ cho người dân trong khu vực. |
Tại đây, lực lượng hỗ trợ quản lý gồm dân quân tự vệ, nhân viên UBND xã, tình nguyện viên và một số cựu chiến binh được huy động đến để hỗ trợ các công tác phòng dịch bên trong chợ. |
Để tránh tình trạng tụ tập đông đúc, gây ảnh hưởng đến công tác phòng dịch. Người dân tại xã được cung cấp phiếu ra đường 3 lần/tuần, các ấp được chia xen kẽ thứ 3-5-7 và thứ 2-4-6. |
Ghi nhận lúc 6h sáng 26/7, hàng chục người dân đã có mặt từ sớm để đo thân nhiệt, khai báo y tế và ngồi trật tự có khoảng cách, chờ được vào chợ để mua sắm. |
Đại diện Ban quản lý chợ dã chiến cho biết tại đây có tổng cộng 11 sạp hàng, rộng khoảng 35-45 m2, tùy theo mặt hàng kinh doanh của tiểu thương. Các sạp hàng này được bố trí cách nhau một ô nhằm đảm bảo quy tắc 5K. |
Chị Nguyễn Thị Hồng Loan (46 tuổi) vốn là tiểu thương tại chợ Việt Kiều ở xã Tân Thông Hội. "Do dịch bệnh, nên nghỉ bán gần 2 tháng nay. Khi được UBND xã thông báo mở chợ dã chiến và có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên rất yên tâm mở bán tạm tại đây", chị Loan nói. |
Đa phần các tiểu thương ở đây đều quây vách ngăn chống giọt bắn nhằm hạn chế tiếp xúc gần giữa người bán và người mua, đồng thời đảm bảo khoảng cách an toàn. |
Giá bán từng mặt hàng được niêm yết cụ thể trên bìa carton ngay tại trước gian hàng. |
Chị Dương Hồng Thúy (38 tuổi) cho biết khá an tâm khi đi chợ dã chiến vì yếu tố thông thoáng và các sạp chợ đều được giãn cách. "Đây là lần đầu tiên tôi đi chợ trở lại sau hơn 1 tháng ở nhà để tránh dịch", chị Thúy chia sẻ thêm. |
Các tiểu thương để được hoạt động tại đây đều phải xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 3 ngày/lần. Tất cả chi phí đều được UBND xã phối hợp cùng Trạm y tế xã để hỗ trợ tiểu thương. |