Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lão nông dốc bạc tỷ trúng số chữa bệnh cho vợ

Đúng vào lúc kinh tế gia đình kiệt quệ, ông đã định buông xuôi tất cả thì “lộc trời” bất ngờ đến.

Một lần tình cờ mua vé số, ông trúng giải với số tiền 100 triệu đồng. Hân hoan lĩnh thưởng, ông dành một phần tiền ấy mua thuốc thang chữa chạy cho người vợ đang trong tình cảnh “ngọn đèn trước gió”, một phần để làm những việc hữu ích khác. Câu chuyện cảm động của ông đến nay vẫn được người dân vùng sông nước Hậu Giang kể cho nhau nghe với bao cảm phục.

Tận cùng bĩ cực thì trúng số

Ông Lê Văn Dũng (SN 1949) tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở ấp Đông Bình, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Người đàn ông được nhiều người biết đến với câu chuyện cảm động, trúng số nhưng nhịn ăn để lấy tiền chữa bệnh cho vợ, đang sống yên bình trong căn nhà nhỏ. Ông cho biết, dù đã dốc hết tài sản cứu vợ, nhưng vì bệnh quá nặng, bà vẫn bỏ ông ra đi. Vẫn biết bản thân đã làm trọn tình nghĩa và trách nhiệm của một người chồng, nhưng khi đưa bà về cõi vĩnh hằng, ông vẫn không nguôi đau đớn. Giờ đây, ở tuổi bóng xế, ông thanh thản sống vui vầy cùng con cháu.

Ông Dũng kể chuyện với PV.

Để có yên bình hôm nay, cuộc đời ông đã từng trải qua không biết bao nhiêu sóng gió. Xuất thân từ gia đình nông dân, đông anh em, tuổi thơ của ông lớn lên trong nghèo khó. Ngày ông cưới vợ, gia đình hai họ không có gì làm của hồi môn ngoài công đất vườn. Ruộng ít nên vợ chồng ông quần quật chăm cây, nhổ cỏ, dốc sức vào khu vườn để mong thu về cây sai trái ngọt bán kiếm tiền trang trải sinh hoạt. Cuộc sống tuy còn nghèo nhưng ông bà vẫn luôn yêu thương, rau cháo có nhau. Dành dụm mãi, đôi vợ chồng nghèo cũng có được ít vốn, cả hai quyết định dùng số tiền ấy mua thêm được 6 ha đất rẫy.

Những tưởng, cuộc sống yên bình của đôi vợ chồng sẽ cứ thế trôi đi đến lúc cuối đời, thì không ngờ vợ ông đột ngột mắc bạo bệnh. Thương vợ, bao nhiêu tiền bạc tích góp được, ông đổ vào mua thuốc thang chạy chữa. Khi số tiền từ bán đất hết đi, ông Dũng phải vay mượn bà con lối xóm. Nợ nần cứ thế thêm chồng chất. Cuộc sống dần rơi vào cùng quẫn. Có lúc, ông Dũng đã nghĩ đến chuyện buông xuôi tất cả cho số phận.

Ông Dũng kể, một buổi sáng, ông cùng ông Hậu (hai anh em cọc chèo) ra quán nước đầu ấp ngồi uống cà phê. Đôi bạn già hàn huyên những buồn vui trong cuộc sống thường ngày. Đang ngồi thì có ông cụ Ba – người trong ấp – đi bán vé số dạo, thấy hai ông khách đang ngồi quán cà phê  liền bước tới chào bán. Ông Hậu mua trước và rủ ông Dũng cùng mua. Ông Hậu còn đùa một câu: “Chiều nay mà trúng an ủi, tui bao ông ăn một tháng, còn tui trúng đặc biệt thì bao ăn một năm”. Nghe em rể nói vậy, ông Dũng cũng hứng lên mua theo. Trong cọc vé số có 4 tờ vé số giống nhau, ông Dũng lấy một tờ, ông Hậu lấy một tờ. Ông Dũng còn cười đùa với ông Hậu rằng: “Chú Tư nè, nếu trúng giải sáng mai hai anh em mình cùng qua Vĩnh Long lĩnh thưởng nghe, sẵn tiện đi du lịch luôn”.

Chiều cùng ngày, ông Ba bán vé số hồi sáng hồ hởi tìm đến tận nhà ông Dũng báo tin cả hai tờ vé ông và ông Hậu cùng mua đã trúng giải. Ông Dũng hét lên trong sự sung sướng: “Tôi có tiền rồi! Tôi sẽ mang tiền trả những khoản nợ. Tôi sẽ mua thuốc tốt, tìm thầy thuốc giỏi chữa bệnh cho bà nhà. Vợ tôi sẽ chóng hết bệnh hoặc bà ấy có thể sống thêm nhiều năm nữa cùng con cháu”. Ngày hôm sau, hai ông bạn già vui vẻ đi Vĩnh Long lãnh thưởng.

Dốc tiền chữa bệnh cho vợ

Sau khi lãnh giải, ông Dũng phân ra 5 phần tiền phục vụ cho mục đích có ích. Phần thứ nhất, ông dành trả những khoản nợ cho bà con chòm xóm đã vay trước đó. Phần thứ hai, ông dành ra để chữa bệnh cho vợ. Phần thứ 3, ông cho con, cháu. Con mỗi đứa 6 triệu đồng, cháu mỗi đứa 1 triệu đồng. Phần thứ tư, ông mua 100kg gạo về phân phát cho người nghèo trong ấp. Phần tiền cuối cùng, ông Dũng dành cho những chi tiêu hàng ngày và dự trù một ít để phòng khi thiếu hụt. Trong đó, số tiền dành chữa bệnh cho bà nhà được ông ưu tiên nhiều nhất.

Ngay khi có tiền, ông đưa vợ đi chữa bệnh, lúc này bác sĩ cho biết bệnh tình của bà đã ở giai đoạn cuối, chỉ còn sống được qua từng ngày. Nhiều người khuyên ông nên đưa bà về nhà chăm để đỡ tiền viện phí thuốc thang vì đằng nào bà cũng không thể sống, nhưng ông không bao giờ làm thế. Với ông, “còn nước còn tát”, ông đưa bà đến bệnh viện tốt nhất trong vùng với hy vọng mong manh. Ông Dũng nhớ lại: “Ngày đó nói là trúng số chứ tôi nào đâu có tiêu đồng nào. Có lúc chăm sóc bà ấy, tôi đói quá nhưng rồi sợ lấy đồng tiền đi ăn thì hụt tiền thuốc của vợ”.

Ngôi nhà của ông Dũng đang sinh sống.

Ông Dũng yêu vợ bằng tình cảm trân trọng tuyệt đối, khiến ai biết đến cũng đều cảm mến. Ông tiếp lời: “Hồi xưa bà ấy còn khỏe, nhà tôi sống rất hạnh phúc, còn có của ăn của để. Từ khi bà mang bệnh, tôi đã phải bán đi mấy công đất vườn cộng thêm tiền lo chi phí thuốc thang, vậy mà bệnh tình bà ấy vẫn không giảm. Mấy đứa con tôi đi làm thuê làm mướn, chắt chiu từng đồng lương gửi về hỗ trợ, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với tiền viện phí, thuốc thang. Đúng lúc đó thì tôi trúng số, tờ số đã đem đến cho gia đình tôi niềm hy vọng mới”.

Hồi còn bệnh, vợ ông phải vào bệnh viện như cơm bữa, từ bệnh viện Ngã Sáu, Cái Chanh, Hậu Giang cho đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và một số bệnh viện lớn trên Sài Gòn. Hàng xóm láng giềng thấy ông lo lắng cho vợ, ai cũng thương, họ tích góp tiền bạc mỗi người một ít đem cho ông mượn mà chẳng cần hẹn ngày trả. Ông Dũng nhớ lại: “Ngày đó, mỗi lần bà trở bệnh nặng, tôi lại ăn ngủ không yên. Ban đêm, tôi thường phải thức canh cho bà ấy ngủ. Có lẽ trong thời gian dài buồn rầu mà tóc tôi bạc trắng, người gầy guộc như hôm nay”.

Ông Dũng cho biết, vợ ông thời còn trẻ đã cực khổ nhiều, cả đời dành hết cho chồng, con. Có lẽ vì đức hy sinh, tình cảm đáng trân trọng đó mà khi bà đổ bệnh, ông quyết định tìm cách chạy chữa cho vợ dù phải bán nhà, ra đường ở. “Ngày đó có người thấy tôi khổ đã xúi rằng, tôi nên ôm hết tiền vé số đi nơi khác sống rồi tìm một ai đó để lấy. Tôi gạt phắt, làm người thì phải ăn ở có trước có sau, vợ chồng lúc hàn vi nuôi nhau, lúc khó khăn thì bỏ mặc, cái chuyện thất đức đó sớm muộn rồi cũng có ngày lãnh hậu quả. Một ngày cũng nghĩa vợ chồng, huống chi tôi với bà ấy sống với nhau đã mấy mươi năm qua. Giờ đây, vợ không còn nữa, nhưng tôi tin ở dưới suối vàng, bà ấy sẽ thanh thản. Mỗi khi nhớ tới vợ, tôi cảm thấy rất cô đơn, nhưng dù sao cũng thanh thản vì đã làm hết sức mình, chỉ tại ông trời bắt bà ấy ra đi quá sớm mà thôi”.

http://khampha.vn/tin-nhanh/lao-nong-doc-bac-ty-trung-so-chua-benh-cho-vo-c4a156034.html

Theo Đời Sống & Hôn Nhân

Bạn có thể quan tâm