Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lao động, thu nhập của nhà giáo

Những nhà nghiên cứu giáo dục hãy thử điều tra xem thì giờ và lao động mà một thầy/cô giáo ở nhà trường phổ thông đã bỏ ra để chuẩn bị cho một tiết lên lớp là bao nhiêu.

Lao dong nha giao anh 1

Lâu nay sư phạm vẫn được xem là một khoa học và nhà giáo là kỹ sư của tâm hồn. Nguồn: nguoiduatin.

Bác tôi có bốn người con, vừa trai vừa gái, làm những nghề khác nhau: kỹ sư, biên tập viên, nhân viên tiếp thị và nhà giáo. Một hôm bác bảo tôi: “Nhìn đi nhìn lại vẫn thấy đứa làm nghề dạy học là khổ nhất. Ở cơ quan về, buổi tối mấy đứa kia xem tivi, đọc báo hay chơi với con, còn nó thì cắm cúi soạn bài. Được mấy ngày nghỉ Tết, nó ôm mấy túi bài thi về nhà, chấm mãi đến vừa hết Tết thì cũng vừa xong”.

Lòng mẹ vốn công bằng với các con, bác tôi đã nghĩ thế chắc bà có lý. Nhưng tôi hiểu còn có những điều bà không nói ra vì tế nhị, chẳng hạn như chuyện thu nhập. Và tôi cũng biết rằng có những khó khăn của nghề giáo mà một bà mẹ dù thương con đến mấy cũng không thể nào thông cảm và chia sẻ hết.

Người ta đã nghiên cứu nhiều về lao động của nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa học. Tôi không rõ đã có những công trình nào nghiên cứu lao động của nhà giáo? Mà ở nước ta lâu nay sư phạm vẫn được xem là một khoa học và nhà giáo là kỹ sư của tâm hồn!

Nghề nào cũng có đối tác. “Đối tác” hàng ngày của một nhà giáo không phải là một người hay một nhóm người mà là năm bảy chục người, có khi cả trăm người. Mỗi ngày, người thầy/cô giáo đứng trên bục giảng trước bao nhiêu con mắt của học trò, một sơ suất nhỏ trong lời nói, cử chỉ hay y phục cũng có thể làm ảnh hưởng đến bài giảng.

Người nghệ sĩ trình diễn bài hát, điệu múa, vở kịch trong một quãng thời gian nhất định trước một công chúng thường xuyên thay đổi. Còn nhà giáo thì trình bày bài giảng của mình trước một cử tọa ổn định trong suốt năm học, ngày này qua ngày khác, mà phải cố gắng để tránh sự đơn điệu và nhàm chán đối với học trò và đối với cả chính mình.

Trong xã hội thông tin phát triển như hiện nay, những điều nhà giáo giảng dạy luôn luôn được khoa học và thực tiễn kiểm nghiệm. Nhà giáo phải làm cho người học trò tin những điều mình giảng cả về tư tưởng và học thuật. Chỉ chậm một nhịp trong việc cập nhật kiến thức, người dạy học có thể sẽ không thuyết phục được người đi học.

Những nhà nghiên cứu giáo dục hãy thử điều tra xem thì giờ và lao động mà một thầy/cô giáo ở nhà trường phổ thông đã bỏ ra để chuẩn bị cho một tiết lên lớp là bao nhiêu. Những bước đi nào mà mỗi nhà giáo ở các bậc học mầm non, tiểu học và trung học phải chuẩn bị để học sinh tiếp thu được bài giảng?

Mỗi lần thay sách giáo khoa, người biên soạn tất nhiên phải vất vả, nhưng đó là cái vất vả của người thiết kế, một lần rồi xong; còn người dùng sách để “thi công” bài giảng thì sẽ gặp bao nhiêu khó khăn mà có lẽ người soạn sách không thể nào lường hết được.

Ngành y tế học đường có lẽ cũng nên làm một khảo sát cặn kẽ về những bệnh nghề nghiệp mà các nhà giáo thường hay mắc phải. Không chỉ ở nước ta mà ở các nước tiên tiến, nhà giáo cũng luôn đối mặt với những vấn đề về sức khỏe: “Theo kết quả một cuộc thăm dò gần đây được thực hiện trên 1.000 giảng viên của Liên đoàn các trường đại học và cao đẳng của Anh, hơn một nửa trong số này cho biết sức khỏe của họ đang bị suy giảm bởi áp lực công việc… 55% khẳng định họ không khuyến khích con cái đi theo nghề của mình…” (Tuổi Trẻ, ngày 14/11/2006). Ở nước ta không biết tỉ lệ này là bao nhiêu?

Bây giờ, không chỉ ở nông thôn, mà ngay ở các thành phố vẫn còn những trường - phổ thông cũng như đại học - chưa đủ điều kiện tài chính để dùng loại phấn không bụi tốt nhất, nói chi đến những phương tiện như “overhead” hay “projector”.

Có những phòng học nóng bức chứa vài trăm sinh viên, hết giờ cả thầy và trò đều ướt đẫm mồ hôi. Có những buổi học mà phương tiện âm thanh hư lên hư xuống, chỉ đủ cho những dãy bàn đầu nghe được lời thầy giảng. Việc cải thiện tình trạng đó để lao động nhà giáo đỡ nặng nhọc hơn nhiều khi chỉ trông chờ vào lòng tốt của người hiệu trưởng.

Mỗi năm đến ngày khai giảng và ngày nhà giáo đều có lễ lạt đông vui và những trường nổi tiếng thường được vinh dự đón tiếp các quan chức về dự. Tôi ước mong sẽ có những nhà lãnh đạo về dự lễ ở những ngôi trường mái tranh vách đất, nơi một vùng quê xa, để hiểu rõ hơn nỗi khó khăn của nhà giáo.

Tôi cũng ước mong các thầy/cô hiệu trưởng, ngoài công việc điều hành các cuộc họp trong phòng máy lạnh, còn dành thời gian thường xuyên đi đến các lớp học, thư viện, phòng thí nghiệm, căngtin… để có thể nhận ra những gì cần phải làm cho đồng nghiệp và học sinh của mình.

Huỳnh Như Phương / NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY