Sáng 16/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng đoàn lãnh đạo UBND TP dự lễ gắn tên đường Lê Văn Duyệt ở quận Bình Thạnh.
Lãnh đạo UBND TP.HCM kéo băng biển tên đường Lê Văn Duyệt. Ảnh: Quang Huy. |
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hoàng Song Hà cho biết việc đổi tên đường được chính quyền quận Bình Thạnh lấy ý kiến của các tổ chức chính trị, xã hội, chuyên gia, người dân.
"UBND quận sẽ có hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân thay đổi, bổ sung hồ sơ nhà đất, hộ khẩu, chứng minh nhân dân nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng", lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh chia sẻ với Zing.
Sau lễ công bố, đoạn đường dài 947 m từ rạch Cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu sẽ mang tên Lê Văn Duyệt. Trước đó, phần địa giới này mang tên Đinh Tiên Hoàng.
Đoàn lãnh đạo TP.HCM dự lễ giỗ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: Quang Huy. |
Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho hay từ tháng 10/2019, Quận ủy, UBND quận Bình Thạnh đã xin ý kiến Thường trực Thành ủy và UBND thành phố về chủ trương đổi tên đường.
Đầu năm nay, UBND quận đã phối hợp Sở Văn hóa Thể thao lấy ý kiến của các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và người dân 2 phường có tuyến đường đi qua. Các tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến đều đồng thuận với việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt.
Ngày 8/7, UBND TP.HCM đã có tờ trình lên HĐND thành phố và được thông qua chủ trương bổ sung quỹ tên đường, đặt tên Lê Văn Duyệt cho đoạn đường từ rạch Cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh).
Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Năm 17 tuổi, ông gặp chúa Nguyễn Phúc Ánh và được tuyển làm Thái giám Nội đình.
Ông được thăng chức Khâm sai Trưởng tả quân doanh Bình Sơn Tướng quân và 2 lần được cử làm Tổng trấn Gia Định. Khi làm Tổng trấn Gia Định, tướng quân Lê Văn Duyệt có công lớn trong việc phát triển, ổn định và bảo vệ vùng đất phương nam.
Tướng quân Lê Văn Duyệt được nhắc đến là một nhà chính trị chú trọng tới việc đắp lũy, xây thành, mở rộng giao thương, ngoại giao. Trong lĩnh vực nội chính, ông cương quyết trừng trị tham ô và hiến kế nhiều chính sách an dân, dùng người tài đức.
Sau khi ông mất vào năm 1832 tại Gia Định, người dân trong vùng kính phục và dựng lăng mộ tại khu vực Bà Chiểu để thờ phụng. Hàng trăm năm nay, người dân từ nhiều nơi thường xuyên đến chiêm bái, tham quan và dự lễ giỗ ông vào cuối tháng 7 âm lịch.