Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãnh đạo tỉnh kêu gọi uống bia: Vi phạm luật cạnh tranh?

Theo các chuyên gia, xét trên khía cạnh kinh tế lẫn pháp lý, việc lãnh đạo địa phương ký văn bản yêu cầu người dân tiêu thụ các sản phẩm bia, đồ uống đích danh là không phù hợp.

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, các sản phẩm, dịch vụ phải cạnh tranh một cách lành mạnh, không có sự ưu tiên ưu đãi của bất kỳ một cơ quan nhà nước nào. Việc cơ quan nhà nước địa phương kêu gọi người dân sử dụng thương hiệu bia Sài Gòn, Hà Nội hay bất kỳ một sản phẩm nào khác là sự can thiệp vào sự cạnh tranh của thị trường. Đó là cạnh tranh không lành mạnh. “Không có văn bản nào quy định thẩm quyền của cấp chính quyền lại yêu cầu người dân phải sử dụng bất kỳ một sản phẩm nào trên thị trường. Việc tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ là do nhu cầu mỗi người dân”, ông Doanh nói. 

Ông Doanh cũng cho rằng, nếu không chấn chỉnh lại, dễ dẫn đến thế độc quyền ưu đãi địa phương làm méo mó thị trường.  Một doanh nghiệp có thể sản xuất ra loại bia chất lượng không cao nhưng do chính quyền quy định ở trong tỉnh chỉ được uống một loại bia đó thôi có nghĩa doanh nghiệp đó đã có lợi thế hơn các doanh nghiệp khác, lãnh đạo CIEM chia sẻ. Ông cũng bày tỏ: “Nếu 63 tỉnh, thành phố làm như vậy thì lúc đó Việt Nam có 63 thị trường độc quyền của những loại bia khác nhau. Điều này hoàn toàn trái với các quy định cạnh tranh thương mại quốc tế”.

Lãnh đạo địa phương kêu gọi người dân tích cực tiêu thụ đích danh các sản phẩm bia, đồ uống.
Lãnh đạo địa phương kêu gọi người dân tích cực tiêu thụ đích danh các sản phẩm bia, đồ uống được cho là hành động không phù hợp. Ảnh minh họa.

Trước ý kiến cho rằng, việc lãnh huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và Nghệ An kêu gọi uống bia do các doanh nghiệp Việt sản xuất là một cách để vận động dùng hàng Việt, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, khá khiên cưỡng. Ông chia sẻ, không loại trừ khả năng hiện nay nhiều địa phương vin vào cớ dùng hàng Việt Nam để chỉ đạo sai tư tưởng của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việtt Nam”. Cuộc vận động này chủ yếu nhằm tuyên truyền, khuyến khích người Việt ủng hộ cho sản xuất trong nước, không phải là quyết định hay mệnh lệnh bắt buộc, cũng không có bất kỳ sự “ ưu ái” riêng biệt cho một thương hiệu, hay sản phẩm hoặc doanh nghiệp cụ thể thể nào. Do đó, công văn của một số địa phương là không đúng với nội dung và tinh thần của cuộc vận động.

“Văn bản kể trên của chính quyền địa phương có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh. Vì rõ ràng không tạo được sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và các hoạt động kinh tế”, ông Long nói.  Với một văn bản hành chính như vậy, địa phương đã tạo được đặc quyền và ưu ái cho một thương hiệu một sản phẩm, không khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp. Trong điều kiện hội nhập như hiện nay, chính quyền địa phương làm như vậy cực kỳ nguy hiểm cho thương hiệu.

Vị chuyên gia này cho rằng cho dù với mục đích gì thì quảng bá thương hiệu như vậy là hoàn toàn thất bại. Uy tín của một sản phẩm, một thương hiệu không phải ai đem lại, ai làm mất và do chính sản phẩm đó quyết định. Trong marketing, nếu nâng uy tín của mình lên nhưng đồng thời hạ uy tín của thương hiệu khác hoặc bắt buộc người khác mua sản phẩm đều không đúng.

Xét về góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Bách (công ty luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự) cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như luật Cạnh tranh đều không cho phép các cơ quan Nhà nước được quyền ban hành các quy định, chỉ thị và mệnh lệnh có nội dung “ưu ái”, “phân biệt đối xử” giữa các doanh nghiệp, hoặc bắt buộc các cơ quan, đơn vị và người dân phải sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của một doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

Do vậy,  công văn kêu gọi người dân, doanh nghiệp địa phương tiêu thụ bia Sài Gòn của lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh đã có dấu hiệu vi phạm Điều 6 Luật Cạnh tranh, ở nội dung: “Cơ quan quản lý nhà nước không được buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định; Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp…”

Theo ông Bách, đây là một sai sót không đáng có của UBND huyện Kỳ Anh nhưng cũng sẽ không ảnh hưởng lớn đến uy tín của các thương hiệu Việt Nam, bởi công văn này chỉ là văn bản được ban hành ở cấp địa phương và cũng ngay lập tức gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận xã hội. Theo ông, lãnh đạo hai đơn vị trên nên xem xét hủy bỏ công văn có nội dung trái luật nói trên. 

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng kêu gọi uống bia

Theo công văn, trong các cuộc hội nghị, hội thảo, tiếp khách có sử dụng ngân sách theo quy định được sử dụng đồ uống, phải ưu tiên dùng các sản phẩm đồ uống sản xuất trong tỉnh.

Trịnh Nguyên

Bạn có thể quan tâm