Ngày 3/10, ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai nói rằng trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa vẫn chưa thể giảm giá vé cho người dân các xã lân cận, giảm mức vé qua trạm vì Bộ GTVT chưa có chỉ đạo. Ông cho biết, việc miễn và giảm giá vé đã được sở và UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị với Bộ GTVT từ tháng 6.
Tài xế dùng tiền lẻ mua vé trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa sáng 3/10. Ảnh: Ngọc An |
Theo ông Liêm, hiện Bộ GTVT đang kiểm tra nhiều trạm thu phí trên toàn quốc và sẽ có thông tin chính thức khi bộ làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai. “Tỉnh đã có văn bản rồi, bây giờ chờ ý kiến của bộ. Biết là người dân đang bức xúc nhưng tỉnh đã có kiến nghị, đang phối hợp với Tổng cục đường bộ để xử lý”, ông Liêm nói.
Lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai cho biết thêm, ngoài việc kiến nghị giảm phí cho cư dân địa phương, lực lượng chức năng cũng kiến nghị giảm vé cho xe buýt, xe đưa đón công nhân, học sinh.
Quốc lộ 1 ùn ứ khi tài xế trả tiền lẻ. Ảnh: Ngọc An |
Trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa được Công ty Đồng Thuận làm chủ đầu tư. Trạm đặt trên quốc lộ 1 (đoạn thuộc xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), điểm này cách đường tránh Biên Hòa 10 km và đi vào hoạt động từ năm 2014.
Nhiều tài xế cho rằng vị trí đặt trạm không phù hợp trong khi mức giá thu từ 35.000-180.000 đồng lượt xe là quá cao. Từ tháng 9 đến nay, nhiều tài xế dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm để phản đối vấn đề này khiến giao thông ở khu vực trở nên náo loạn.
Vị trí đặt trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa. Đồ họa: Minh Trí. |
Sáng 3/10, lần thứ 6 tài xế dùng tiền lẻ trả phí làm quốc lộ 1 ách tắc hơn 1 km. Lực lượng cảnh sát giao thông sau đó phải có mặt điều tiết phương tiện.
Theo Công ty Đồng Thuận, địa điểm đặt trạm được Bộ GTVT và các cơ quan chức năng đồng ý.
Dự án được đơn vị này thực hiện gồm việc xây dựng đường tránh dài hơn 12 km và xây dựng, cải tạo nền, cải tạo mặt quốc lộ 1 với chiều dài 10 km, với tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án là 10 năm.