Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Ảnh: IAV. |
Đây là chia sẻ của các chuyên gia và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Hội thảo “Khôi phục niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ: Tầm nhìn và giải pháp" do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức ngày 16/5.
Tại hội thảo, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho rằng những khó khăn của ngành bảo hiểm nhân thọ dự báo vẫn sẽ tiếp diễn trong năm nay và ngành này sẽ chưa thể tăng trưởng mạnh như các năm trước.
Tuy nhiên, bảo hiểm nhân thọ đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và khi các quy định về quản lý thị trường ngày càng rõ ràng, thị trường sẽ sớm trở lại đà tăng trưởng.
Đã qua giai đoạn khó khăn
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam, cho rằng bảo hiểm nhân thọ đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và “khi đã chạm đáy thì thị trường chỉ có đi lên”.
Nói về những khó khăn của ngành trong 2 năm vừa qua, ông Sơn cho biết thực tế những khó khăn này xuất phát từ việc mất cân bằng giữa 3 chủ thể trong thị trường gồm nhà sản xuất (doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ), nhà phân phối (đại lý, tư vấn viên) và khách hàng.
“Bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào mà nhà sản xuất liên quan tới khách hàng thông qua một nhà phân phối, chỉ có thể bền vững khi lợi ích của 3 bên được duy trì ở mức cân bằng tương đối”, ông Sơn nói và cho biết trong giai đoạn vừa qua, đã có sự mất cân bằng với các khách hàng cuối cùng của bảo hiểm nhân thọ.
Theo đó, nhiều khách hàng cho rằng quyền lợi, lợi ích nhận được từ bảo hiểm nhân thọ không giống như những gì được giới thiệu và kỳ vọng, từ đó dẫn đến những bất đồng, tranh chấp không đáng có với doanh nghiệp.
Do đó, ông Sơn cho rằng các giải pháp mà cơ quan quản lý, Hiệp hội Bảo hiểm hay các doanh nghiệp đưa ra đều nhằm mục đích cân bằng lại lợi ích của 3 chủ thể này.
Ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: IAV. |
Ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, cho biết đến cuối năm 2023, ngành bảo hiểm nhân thọ đang có hơn 12 triệu hợp đồng có hiệu lực, với số người tham gia bảo hiểm xấp xỉ 10 triệu người. Tuy vậy, so với các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Philippines, Singapore, ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển.
Đánh giá về những khó khăn trong năm vừa qua, ông Minh cho biết kể từ năm 2023, bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đã chứng kiến một loạt thay đổi về nhận thức của khách hàng, quy định từ cơ quan quản lý, cũng như những thay đổi của các doanh nghiệp.
"Trong quá trình phát triển, ngành bảo hiểm nhân thọ đã có những bài học lớn mà nhờ đó để trưởng thành hơn", CEO Prudential Việt Nam nói và nhấn mạnh khi bán đúng, đủ nhu cầu của khách hàng, bảo hiểm nhân thọ sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với các vấn đề an sinh xã hội của từng cá nhân và hộ gia đình.
Thắt chặt các quy định quản lý
Chia sẻ về các giải pháp, ông Ngô Trung Dũng cho biết thời gian qua, cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp, không chỉ bao gồm việc kiểm soát về vốn, năng lực tài chính của các công ty bảo hiểm nhân thọ mà còn tăng cường quản lý về sản phẩm, chất lượng nhân sự tư vấn, các kênh bán hàng...
“Từ 1/7 tới, các công ty bảo hiểm nhân thọ phải có công cụ tính toán ngay trên website để khách hàng có thể tính toán được chi phí khi tham gia bảo hiểm, hay các quy định liên quan việc ghi âm trong quá trình tư vấn...”, ông Dũng nói.
Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm cũng cho biết các quy định liên quan bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam hiện nay thuộc nhóm thị trường chặt chẽ nhất thế giới. Tuy nhiên, chỉ cần các doanh nghiệp thực hiện đúng tinh thần của luật đã là một bước tiến rất lớn cho ngành bảo hiểm nhân thọ năm 2024.
Các quy định liên quan bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam hiện nay thuộc nhóm thị trường chặt chẽ nhất thế giới
Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Tại hội thảo, tiến sĩ Đoàn Minh Phụng, Trưởng khoa Ngân hàng và Bảo hiểm, Học viện Tài chính, cũng cho biết những bất cập trong 2 năm qua của bảo hiểm nhân thọ tập trung ở 2 vấn đề gồm sản phẩm bảo hiểm và những hạn chế trong việc quản lý và bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng.
Từ những bất cập này mà cơ quan quản lý đã ban hành các quy định bổ sung nhằm chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm nhân thọ.
Các quy định chủ yếu tập trung vào 5 vấn đề gồm: Thay đổi trong quy định cấp phép hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; thay đổi cấp phép hoạt động đại lý; quy định về phê duyệt sản phẩm; quy định về quy trình bán hàng; bổ sung quy định về tài liệu bán hàng đảm bảo tính công khai minh bạch của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Ông Phụng cho rằng với các quy định đã khá đầy đủ này, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ có cơ sở để tổ chức lại hoạt động bán hàng, cải tiến sản phẩm.
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm, tính đến hết tháng 3 năm nay, tổng tài sản toàn ngành bảo hiểm nhân thọ ước đạt 801.307 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, tổng số tiền đầu tư ước đạt 703.031 tỷ đồng, tăng gần 9%; tổng dự phòng nghiệp vụ đạt 581.857 tỷ đồng, tăng gần 7%; và vốn chủ sở hữu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 159.409 tỷ đồng, tăng gần 11%.
Đặc biệt, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm trong quý I năm nay đã đạt 15.483 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.