Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: SCMP |
Reuters cho biết, ông Mã Anh Cửu và đoàn quan chức Đài Loan đã bay ra đảo Ba Bình vào sáng 28/1. Chuyến đi trái phép này diễn ra trong một ngày, với mục đích mà phía Đài Loan tuyên bố là để "chúc Tết" quân, dân của Đài Loan đang hoạt động phi pháp trên đảo. Ông Mã sẽ trở về Đài Bắc vào 19h (18h giờ Hà Nội) cùng ngày.
Chuyến đi của ông Mã diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng vì các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhiều bên, bao gồm Mỹ vốn là đồng minh lớn nhất của Đài Loan, đã lên tiếng phản đối kế hoạch ra đảo Ba Bình của ông Mã.
Ngày 27/1, người phát ngôn của Viện Mỹ ở Đài Loan (AIT) Sonia Urbom nhấn mạnh, hành động này "vô cùng vô ích" và không giúp giải quyết những vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. "Chúng tôi thất vọng khi biết về kế hoạch ra đảo Ba Bình của ông Mã Anh Cửu", bà Urbom nói.
Theo Reuters, đại diện của Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã "kiên quyết phản đối" kế hoạch thị sát của ông Mã.
Bình luận về kế hoạch của nhà lãnh đạo Đài Loan, Bộ Ngoại giao Philippines kêu gọi các bên kiềm chế, chia sẻ trách nhiệm để tránh khiến căng thẳng gia tăng.
Trước đó, ông Mã Anh Cửu cũng đề nghị bà Thái Anh Văn, người sẽ kế nhiệm ông kể từ tháng 5, cử đại diện cùng tham gia chuyến đi ngày 28/1. Tuy nhiên, bà Thái đã từ chối đề nghị này. Do tình hình Biển Đông căng thẳng những năm gần đây, rất ít quan chức Đài Loan thực hiện thị sát ở đảo Ba Bình.
Ông Mã Anh Cửu từng hủy kế hoạch thị sát trái phép đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 12/12/2015. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan Nội chính Trần Uy Nhân và các quan chức khác của chính quyền Đài Loan tiến hành chuyến đi và dự cái gọi là "lễ khánh thành" một số công trình xây dựng trên đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước sự việc trên, ngày 13/12/2015, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố việc Đài Loan bất chấp quan ngại của Việt Nam, của các nước cũng như cộng đồng quốc tế, cử quan chức đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tiếp tục tuyên bố sử dụng một số công trình trên đảo là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình tranh chấp ở Biển Đông.
"Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ bác bỏ hành động này. Việt Nam yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự”, ông nói.
Đảo Ba Bình là hòn đảo lớn nhất và thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp và thường xuyên phái lực lượng tuần duyên tới đây. Hồi tháng 8, Đài Loan tuyên bố xây xong ngọn hải đăng phi pháp trên đảo Ba Bình của Việt Nam và đưa vào sử dụng cuối năm 2015.