Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãnh đạo bộ, địa phương đi xe 2.4, 3.0, tiền đâu ra?

Thảo luận về ngân sách chiều 28/7, đại biểu Ngô Văn Minh trăn trở về thực trạng tiền trảm hậu tấu trong chi ngân sách, khiến quyết toán trở thành việc hợp thức hóa, trái luật.

Ghi nhận chất lượng của báo cáo kiểm toán lần đầu được báo cáo trước Quốc hội liên quan đến thu chi ngân sách, vị đại biểu Quảng Nam cho rằng báo cáo "mới nói được thực trạng, còn xét câu chữ, thì nói nghiêm túc, Chính phủ còn thực hiện không đúng luật ngân sách, không đúng quy định của Quốc hội về dự toán ngân sách".

Vì thế, quyết toán ngân sách của Quốc hội là "làm chuyện đã rồi, hợp thức hóa, chứ không phải theo tinh thần chấp hành luật pháp về chi tiêu".

Tiền ở đâu ra?

Đánh giá cao thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi vừa tái cử về việc cần tiết kiệm từng đồng thuế của dân, ông Minh bổ sung, "cần sử dụng hiệu quả, chắt chiu từng đồng thuế của dân."

tien dau ma mua xe cong nhieu the anh 1
Khu KTX sinh viên tập trung Lâm Đồng ngổn ngang và vắng bóng sinh viên.

"Lãng phí thất thoát do các dự án chậm tiến độ, điều chỉnh vốn lớn như dự án đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông tăng hơn 300 triệu USD, ai chịu trách nhiệm", ông Minh nêu câu hỏi.

"Chúng ta xây ký túc xá không ai ở, nhà bảo tàng, thư viện không người vào, chợ không người họp, nhà văn hóa không người đến, trường nghề không có người học. Lãng phí lớn lắm, cần làm rõ trách nhiệm, không rút kinh nghiệm chung chung được", vị đại biểu trăn trở.

Dẫn thực tế trong khi đại biểu Quốc hội chuyên trách đi xe 1.8 thì các bộ ngành đi xe 2.4, 3., ông Minh chất vấn, "mua sắm, sử dụng xe công như thế, tiền ở đâu ra? Phải làm cho rõ, ai để xảy ra chuyện này?"

Theo ông, nhiều khoản chi của Chính phủ vượt dự toán ngân sách, bội chi thường xuyên, chi theo kiểu tiền trảm hậu tấu. Các báo cáo của Chính phủ nêu vấn đề nhưng vẫn đề nghị Quốc hội đưa vào quyết toán.

"Kỷ cương pháp luật không nghiêm, Chính phủ chỉ xin rút kinh nghiệm. Rút kinh nghiệm bao nhiêu lần rồi, còn rút gì nữa", ông Minh nói. 

Phối hợp cảnh sát kinh tế làm rõ sai phạm

Đồng tình, bà Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị Chính phủ "hành động mạnh mẽ hơn".

Báo cáo lần này đã làm rõ các mặt được, chưa được, với địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Đề nghị Chính phủ cho kiểm tra, thanh tra các đơn vị được nêu trong báo cáo kiểm toán, vi phạm chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

"Kiểm toán nêu nhiều lần trong báo cáo về tình trạng vi phạm kỷ luật ngân sách, cần kiểm tra, làm cho mạnh mẽ, có phối hợp cơ quan công an, cảnh sát kinh tế", bà Khánh nêu.

Nữ đại biểu lý giải, từ trước đến nay, báo cáo kiểm toán nêu, Quốc hội đồng ý thực hiện báo cáo kiểm toán nhưng các đơn vị vẫn cứ tái phạm. Vì thế, cần xử lý bằng pháp luật, có điều tra của cảnh sát kinh tế.

"Nếu cần thiết thì xem xét hình sự, đảm bảo nghiêm minh, và hiệu lực giám sát của Quốc hội", bà Khánh nói. 

Tương tự, việc đầu tư, bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ là 2%, nhưng thực tế chỉ đảm bảo 1,36%, không chấp hành nghị quyết của Quốc hội.

Địa chỉ đã rõ ở từng địa phương, bộ ngành, cần rà soát, kiểm tra, cần thiết thì xử lý hành chính. Tái đi tái lại thì xử lý hình sự, thì mới tránh việc dùng ngân sách cho khoa học công nghệ làm việc khác, không đầu tư cho mảng này. Đơn vị nào không đảm bảo chi đủ thì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đó. 

Anh Khoa

Bạn có thể quan tâm