Tại cuộc họp Hội nghị Cấp cao ASEAN ngày 11/11, lãnh đạo các nước thành viên đã nhất trí kết nạp Timor-Leste, quốc gia Đông Nam Á duy nhất chưa thuộc ASEAN, làm thành viên chính thức của tổ chức này.
Thống nhất về nguyên tắc
"Chúng tôi đã thống nhất về nguyên tắc để công nhận Timor-Leste là thành viên thứ 11 của ASEAN", các lãnh đạo ASEAN ra tuyên bố, cho biết các bước tiếp theo sẽ bao gồm lộ trình để trở thành thành viên sẽ được đệ trình trong hội nghị năm tới.
Timor-Leste đã giành độc lập vào năm 1999, và được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận vào năm 2002, trở thành quốc gia trẻ nhất châu Á.
Nước này ngay sau đó đã bắt đầu tiến trình gia nhập ASEAN, nhưng đến năm 2011 mới chính thức gửi đơn xin gia nhập.
ASEAN cũng cho biết Timor-Leste sẽ được trao quy chế quan sát viên tại các cuộc họp cấp cao của ASEAN.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tại Hội nghị Cấp cao ASEAN. Ảnh: Dương Giang. |
Theo CNA, các nhà lãnh đạo ASEAN cho biết các quốc gia thành viên và đối tác bên ngoài sẽ hỗ trợ Timor Leste đạt được cột mốc quan trọng, và mang đến những hỗ trợ cần thiết cho Timor Leste đạt tư cách thành viên đầy đủ của ASEAN.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết ASEAN đã thảo luận về tư cách thành viên của Timor Leste "được một thời gian".
"Singapore hoan nghênh về nguyên tắc việc Timor Leste là thành viên mới nhất của ASEAN", ông Lý Hiển Long nói, nhấn mạnh ASEAN sẽ giúp Timor Leste xây dựng năng lực, và khối cần phối hợp với các đối tác bên ngoài về vấn đề này.
Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022, là quốc gia gần nhất gia nhập ASEAN, vào năm 1999. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được thành lập vào năm 1967, với 5 thành viên ban đầu gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines. ASEAN sau đó lần lượt kết nạp Brunei (năm 1984), Việt Nam (năm 1995), Myanmar và Lào (năm 1997), Campuchia (năm 1999).
ASEAN cần mở cửa mạnh mẽ thị trường
Ngày 11/11, lãnh đạo các nước ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 với trọng tâm trao đổi về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Theo Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, tiến độ triển khai tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột đạt nhiều kết quả khả quan. Tỷ lệ thực hiện các dòng hành động trong trụ cột chính trị - an ninh đạt 98%, với nhiều hoạt động hợp tác quốc phòng, an ninh mạng, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tư pháp, quản lý biên giới cũng như trong hợp tác giữa ASEAN với các đối tác.
Tăng trưởng GDP ở khu vực cũng như thương mại và đầu tư nước ngoài tiến triển tích cực, bất chấp thách thức toàn cầu do căng thẳng địa chính trị, lạm phát gia tăng và tài chính thắt chặt. Các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ nhờ các chương trình tiêm phòng vaccine trên diện rộng. Các lãnh đạo nhất trí việc xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN cần cập nhật những xu hướng và những vấn đề đang nổi lên, bảo đảm vai trò và duy trì tính phù hợp của ASEAN trong bối cảnh mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ cùng Campuchia và các nước ASEAN bảo đảm thành công của các hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ cùng Campuchia và các nước ASEAN bảo đảm thành công của các hội nghị. Ảnh: Dương Giang. |
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định càng đối mặt với khó khăn, thách thức, ASEAN càng cần phát huy tinh thần "tư duy cộng đồng, hành động cộng đồng", kề vai, sát cánh, tự cường và chủ động ứng phó mọi thách thức.
Thủ tướng đề nghị ASEAN thúc đẩy các bài học kinh nghiệm về hợp tác và phối hợp hành động trong kiểm soát, ứng phó và ngăn ngừa dịch bệnh.
Theo đó, Thủ tướng đề xuất tổ chức Diễn đàn Cấp cao thúc đẩy quan hệ đối tác về phục hồi đồng đều và tăng trưởng bền vững ở ASEAN, dự kiến trong nửa đầu năm 2023.
Trong tình hình kinh tế khu vực và toàn cầu suy giảm, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần mở cửa mạnh mẽ thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại, cùng nhau tạo ra các động lực tăng trưởng mới để bắt kịp xu hướng chuyển đổi lớn hiện nay. Trong đó, cùng với xu thế phát triển xanh, các nước cần tăng cường hợp tác phát triển chính phủ số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xã hội số, để đưa chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thực sự trở thành động lực phát triển mới ở khu vực.