'Lãnh chúa' ẩn mình sau tỷ phú George Soros
Trong giới tài phiệt, cái tên Nicholas Roditi (Nick Roditi) ít được nhắc đến vì "ông trùm" này không "gióng trống khua chiêng".
Theo tạp chí Thế giới Tài chính Mỹ, Nicholas Roditi được xem là người giữ tiền cho "Lã Bất Vi quốc tế" George Soros. Đây chính là nhân vật quyền lực thứ 2 trong "đế chế" Soros, với biệt danh "lãnh chúa ẩn mình".
Vũ khí tối thượng của "đế chế" Soros
Được đánh giá là "ông hoàng đầu tư", nhà tỷ phú lừng danh George Soros có khả năng làm khuynh đảo thế giới nhưng những thông tin về Nicholas Roditi lại rất hiếm hoi. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu vì Roditi có một cơ chế chặt chẽ để bảo vệ sự riêng tư của mình. Cho dù phóng viên có túc trực hàng giờ bên ngoài văn phòng của ông tại Hampstead (phía Bắc London) để săn đón, ông Roditi vẫn cương quyết từ chối yêu cầu phỏng vấn với một câu duy nhất: "Tôi không nói chuyện với các nhà báo". Ngoài ra, ông còn thường xuyên nhắc nhở bạn bè và người thân của mình không được nói chuyện về ông với giới truyền thông.
"Lãnh chúa ẩn mình" Nicholas Roditi (trái) và "ông chủ" George Soros. |
Nicholas gần như sống khép kín ở Hamstead, "cưỡi" một chiếc Volvo cũ, thường dùng bữa trưa với yaourt và bàn chuyện phiếm không liên quan đến đồng tiền. Siêu tài phiệt ẩn danh này còn có sở thích sưu tập đồ cổ, thảm Ba Tư, tủ cẩn xà cừ phong thái Hàn Quốc. Bên ngoài trông ông thong dong tựa một gã chỉ biết "cưỡi ngựa xem hoa" trong lĩnh vực tiền tệ, nhưng thực tế những "canh bạc" của Nick luôn mang về nguồn lợi nhuận gấp nhiều lần cho cả bản thân lẫn quỹ đầu tư của George Soros. Mới đây, một người bạn giấu tên của ông đã tiết lộ cho báo giới rằng, một vài năm trước, nhà tài phiệt này mắc bệnh lao, một căn bệnh đe dọa đến tính mạng.
"Mai danh ẩn tích" là vậy nhưng thành công của ông vẫn được mọi người và báo giới ca tụng. Thế giới tài chính nhắc đến George Soros như nhà tiên tri, thì "vũ khí" tối thượng của "đế chế" này ở phố Wall không ai khác chính là Nicholas Roditi. Ông đã được tạp chí Finance World bầu làm 1 trong 10 nhà đầu tư, hoạch định tài chính hàng đầu của Mỹ. Nhất cử nhất động của nhân vật này đủ khiến cả thế giới đổ dồn cặp mắt theo dõi. Tuy vậy, ông vẫn làm việc trong một văn phòng giản dị trên con phố Hampstead của London. Có một thời gian, "ông trùm" này "ở ẩn" tại một làng quê yên tĩnh, làm việc chỉ với vài nhân viên và một chiếc máy tính. Từ đây, bộ óc này có thể "điều khiển" mọi đường đi nước bước các "sân sau" của mình.
Nicholas Roditi chính là nhân vật bí ẩn nắm chìa khóa của Soros, trực tiếp quản lý quỹ Quantum do "ông chủ" lập ra. Đây chính là "cỗ máy" kiếm và rửa tiền của siêu tỷ phú này. Nguyên tắc hoạt động của quỹ là nhằm huy động vốn của kẻ khác và sử dụng số vốn đó để đầu tư, trả cho người góp vốn hoặc là lãi suất, hoặc là lợi tức từ các phi vụ đầu tư. Quỹ này được đăng ký tại Curacao, một hòn đảo ở ngoài khơi Venezuela, nơi được coi là một trong những thiên đường thuế thời đó mà các cơ quan kiểm soát tài chính và chứng khoán Mỹ không với tới được. Tại đây, Roditi gần như mặc sức tung hoành, vươn vòi thâu tóm tài chính thế giới. Từ đó, Nick cũng được ủy thác quản lý luôn Bảo tàng tài chính Mỹ ở New York.
Dưới sự điều khiển của Roditi, quỹ Quantum đã đạt hiệu quả 50%/năm và là quỹ duy nhất của Soros cũng như thế giới đạt hiệu suất 900% qua 5 năm. Chiến lược kinh doanh của Roditi là "gió chiều nào xoay chiều ấy". Ông không căn cứ trên bất kỳ chỉ số tham khảo nào của thị trường, mục đích là kiếm tiền bất kể thị trường biến động thế nào. Thậm chí có lúc, thị trường càng biến động, Roditi càng sinh lợi khủng. Thủ thuật này mặc dù làm nên thành công cho "ông trùm" song nó cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Chính bản thân Roditi cũng thừa nhận: "Chiến lược này rất mạnh bạo, nó có thể mất 30% vào bất cứ lúc nào"...
Giới quan sát cho rằng chính sự giật dây của Nicholas Roditi là tác nhân làm chao đảo nền tài chính thế giới, đem lại nhiều bất ổn trên chính trường Hoa Kỳ. Biểu hiện rõ nhất là sự thoái thác trách nhiệm của cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa trong cuộc "cách mạng phố wall" diễn ra cách đây hơn một năm.
Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad cũng từng cáo buộc "chủ tớ" này đầu cơ tiền tệ trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, kiếm lợi hàng tỉ USD từ nền kinh tế Malaysia và làm giảm 15% giá trị đồng ringgit chỉ trong 2 tháng. Tuy nhiên, gần một thập niên sau đó, ông Mahathir đã thừa nhận rằng hai người không liên quan đến cuộc khủng hoảng này.
Siêu kiếm tiền nhờ "cái đầu lạnh"
Từ sau một phi vụ kiếm được 80 triệu bảng Anh năm 1996, Roditi giành vị trí nhân viên được trả lương cao nhất nước Mỹ. Năm 2008, quỹ Quantum của các nhánh khác giảm trung bình 1,5% thì quỹ trong tay Nick Roditi tăng đột biến đến 85%. Chính "cái đầu lạnh" của Nick Roditi đã mang về các món hời cho SFM (Soros Fund Management) công ty quản lý tài chính đóng tại số 7 New York. Ông cũng nằm trong top những tỷ phú giàu nhất thế giới, mọi quyết sách đều khiến giới tài chính phố Wall xám xanh mặt mày.
Trong giới tài phiệt quốc tế, Nicholas Roditi luôn được đánh giá là người đàn ông trung niên tài ba, giàu có, tóc hoa râm với thu nhập 1,5 triệu bảng Anh/tuần. Kín tiếng, biệt lập, luôn tránh ánh mắt săm soi của báo giới, nhân vật siêu năng động sống âm thầm ở London nhưng sẽ có mặt ở bất cứ đâu lúc cần. Con số 5.000 quỹ Hedge Fund trên khắp thế giới, 80% tập trung ở Mỹ và Anh chỉ một tay Nicholas mà vận hành trơn tru.
Siêu tỷ phú này cũng mới gây dựng quỹ đầu tư Belvedere vào mùa thu năm 2011 để tập trung tiềm lực "khai thác" thị trường châu Á. Nhà tài phiệt này rất có duyên với các quốc gia Đông Âu. Ông sở hữu ít nhất 1,5% cổ phần trong hệ thống điện năng lượng khổng lồ của Liên bang Nga, số tiền tương đương 215 triệu bảng Anh. Có lẽ vì sinh ra ở Zimbabwe nên ông "có duyên" khi rót tiền vào Châu Phi, tỷ phú này có khoảng 19 triệu bảng cổ phần trong các công ty đầu tư ở Nam Phi và khoảng 30 triệu bảng trong công ty bán lẻ trực tuyến Ocado nổi tiếng.
Ngoài ra, ông còn rất nhiều tài sản "rải rác" khác như sở hữu một nửa công ty kĩ thuật Ripley, một công ty trị giá 4 triệu bảng. Tổng tài sản của nhà đầu cơ này ước tính lên đến 300 triệu bảng Anh. Roditi lặng lẽ kinh doanh và tài sản của ông vì thế mà cũng lặng lẽ tăng lên từng ngày. Thu nhập hàng năm của nhà tài phiệt này dao động từ 20 đến 30 triệu bảng Anh (khoảng 30 đến 40 triệu USD).
Tuy là người giúp việc cho "ông trùm" George Soros nhưng đầu óc của "phù thủy phố Wall" này chẳng đời nào chịu cảnh "chỉ đâu đánh đó". Trái lại, ông còn vươn vòi đầu tư khá nhiều khoản bên ngoài . Nicholas đang là giám đốc của một số công ty ngoài khơi ở Jersey, Bermuda và quần đảo Cayman, kể cả Ripley Engingeering và Plantation & General ở Basingstoke. Giới truyền thông từng nhận định, các nhà quản lý quỹ tài chính đều có những kỹ năng đặc biệt, từ bất thường đến phi thường. Họ có thể trở thành những ngôi sao chói sáng trên thị trường tài chính chỉ sau 15 phút với khả năng làm khuynh đảo thế giới. Nhưng cũng có thể sau ngần ấy thời gian, con đường và sự nghiệp họ cũng sẽ tắt lịm và tan theo mây khói.
Mạo hiểm nhưng trung thành
Trong mắt đại đa số dân chúng, Nicholas Roditi chỉ là một tay nhà giàu bình thường, nhưng đối với "cư dân" của lãnh địa phố Wall, ông là nhà tài phiệt âm thầm, đầy quyền lực. Cùng với George Soros, Roditi luôn có vai trò chủ chốt trong những biến động đầy sóng gió của thị trường tài chính toàn cầu.
Những ngôi sao phố Wall một thời như Anthony Bolton của Quỹ Fidelity, Philip Gibbs của Jupiter Split Trust, James Barstow của Aurora, Max Ward của Independent Investment Trust nay đã lặng tiếng. Chỉ riêng Nicholas Roditi của SFM vẫn toả sáng một cách lạ lùng với độ chói ấn tượng giữa nền kinh tài đang ảm đạm của thế giới. Mạo hiểm nhưng trung thành, đó là hai bí quyết chủ lực để Roditi làm thuê mà vẫn giàu, lệ thuộc mà vẫn độc lập.
Theo Người Đưa Tin