Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

 Làng tỷ phú và 'nghề chuyên... ăn đất'

Những chiếc xe hơi đời mới “láng coóng” dựng trước sân nhà, toát lên sự giàu sang phú quý. Khi đến đây, người khác cứ ngỡ như đang lạc vào một khu phố nào đó ở Sài Gòn, bởi san sát là những ngôi nhà cao tầng hiện đại, tháp to, tháp nhỏ thi nhau chọc lên nền trời xanh thẳm.

 Làng tỷ phú và 'nghề chuyên... ăn đất'

Những chiếc xe hơi đời mới “láng coóng” dựng trước sân nhà, toát lên sự giàu sang phú quý. Khi đến đây, người khác cứ ngỡ như đang lạc vào một khu phố nào đó ở Sài Gòn, bởi san sát là những ngôi nhà cao tầng hiện đại, tháp to, tháp nhỏ thi nhau chọc lên nền trời xanh thẳm.

>> Làng buôn đồng nát xây biệt thự tiền tỷ
>> Làng tỷ phú sắm xe hơi đi làm vườn
>> Chuyện về ngôi làng ra ngõ gặp... tỷ phú
>> Phố biệt thự ở 'làng đi Tây' 

Xây dựng thương hiệu gạch, ngói Cừa

Vùng Cừa, xã Nghĩa Hoàn, Tân Kỳ, Nghệ An nổi tiếng với mặt hàng gạch ngói, nhưng cũng như bao làng quê khác, vốn là vùng đất làm nông nghiệp, xưa kia xã Nghĩa Hoàn cũng nghèo đói, mất mùa triền miên.

Ở vùng này mùa mưa thì ngập lụt, mùa khô thì gió Lào quạt rát cả mặt, phờ phạc cả bờ tre. Kinh tế của người dân vì thế cũng khó khăn trăm bề. Cả năm, người dân vùng Cừa chỉ làm được một vụ lúa, còn lại thì phải để trống vì ngập lụt hoặc nắng hạn quá. Xong mùa vụ là người dân lại thi nhau tỏa đi làm thuê cuốc mướn để mưu sinh. Vì sự sinh tồn, nhiều người đã đi làm thuê tứ tán, làng quê tiêu điều xơ xác.

Nhìn từ xa, vùng Cừa mọc lên san sát các lò gạch

Người dân nói đùa rằng, ở vùng đất này, dân làng toàn "ăn đất" cũng chỉ vì ở đây có một "kho báu" trời cho

Thế rồi, hình như tạo hóa đã ưu đãi cho mảnh đất này một “kho báu” tiềm ẩn mà nhất thời chưa ai biết đến. Khoảng những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hai ông Hoàng Văn Kiếm và ông Nguyễn Văn Tự, vốn là những người thợ đã từng kinh qua thời gian làm gạch, ngói đã phát hiện ra “khó báu vàng đen” ở đây.

Bằng con mắt tinh đời của mình, hai ông nhận thấy cái thứ đất đen sánh, dẻo quặn ở đây mà làm gạch thì hết ý. Lúc đó, cả hai ông đang làm nghề mộc, nhưng với suy nghĩ sẽ thử làm gạch từ đất ở Cừa đã thôi thúc hai ông bỏ nghề mộc về dựng lò nấu gạch, ngói.

Thế nhưng, mọi việc không hề thuận lợi, dù có chút kinh nghiệm một thời đóng gạch nhưng giờ tự mình đứng ra làm bao thầu cả sản xuất lẫn phân phối khiến hai ông gặp không ít những khó khăn.

 

 Ở vùng Cừa, ai giàu, ai đại gia đều thể hiện ở cánh đồng Nậy, với việc sở hữu nhiều lò gạch hiện đại

Ban đầu khi làm ra hình dạng sản phẩm thành công, ông Tự và ông Kiếm vui mừng không kể nổi, nhưng đến khi đưa sản phẩm vào lò nung, do chưa nắm rõ về thời gian cũng như tính chất và độ chín cần thiết của sản phẩm, hai ông liên tục gặp thất bại. Nhiều lần nản chí, nhưng không lẽ lại bỏ cuộc khi biết rằng mình đã tìm ra mỏ “vàng đen” có thể thay đổi cuộc sống của người dân.

Tạm ngừng công việc, hai ông lên đường học hỏi kinh nghiệm từ các lò gạch lâu năm. Trở về quê, hai ông nhanh chóng bắt tay làm lại từ đầu và cho ra những sản phẩm hoàn thiện và có chất lượng đầu tiên. Từ thành công đó, nhiều gia đình cũng bắt đầu xây lò, làm gạch theo ông Tự và ông Kiếm.

Số hộ gia đình tham gia sản xuất gạch ngày càng nhiều, chất lượng tốt nên thương hiệu gạch ngói Cừa ngày càng được lan xa, khách hàng ưa chuộng. Nhưng cả một quãng thời gian dài ngói Cừa phát triển phập phù, làm theo kiểu nhỏ lẻ, do nhiều nguyên nhân. Thiếu vốn sản xuất, cũng như đưa quy trình công nghệ mới vào áp dụng, trong khi đầu ra chưa thật sự ổn định, bị thị trường gạch ngói ở các tỉnh phía bắc lấn át, cạnh tranh.

 Ông Hà Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn: "Dân chúng tôi giàu là nhờ có "mỏ vàng đen""

Nhận thấy với cách kinh doanh nhỏ lẻ thì mình không thể nào cạnh tranh được với các sản phẩm có thương hiệu ngoài thị trường. Năm 1997 các lò ngói Cừa được họp bàn thống nhất tên gọi “Mậu dịch quốc doanh ngói Cừa” do tỉnh công nhận, đồng thời xã đã có kế hoạch di dời các lò gạch ngói ra đồng, cách xa khu dân cư tránh ô nhiễm môi trường.

Đến năm 2006, Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh, dịch vụ làng nghề ngói Cừa được tỉnh Nghệ An có quyết định thành lập. Việc ra đời HTX thực sự thúc đẩy sản xuất ngói tại đây. HTX có tác dụng rõ rệt, cụ thể là các lò gạch thống nhất, đoàn kết, bình ổn giá cả, không phá giá, không tranh mua cướp bán như trước đây. Các lò đều vì lợi ích chung để phát triển, giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật sản xuất.

Từ đó thương hiệu “made in Ngói Cừa” hình thành và được đông đảo người dân khắp nơi tin dùng. Từ lợi thế đó, có rất nhiều doanh nghiệp tiến hành đặt hàng gạch ngói mang thương hiệu “gạch ngói Cừa” làm cho các lò gạch sản xuất ra không cung ứng đủ cho khách hàng. Năm 2006 các lò đã sản xuất, tiêu thụ được 40 triệu viên ngói, 5 triệu viên gạch tổng doanh thu trên 20 tỷ đồng.

Vắt đất xây biệt thự tiền tỷ

Gạch ngói Cừa bán chạy và đắt hàng đã tạo công ăn việc làm cho hơn 1000 lao động tại địa phương với mức thu nhập thời đó khoảng 2 triệu/tháng. Tiếng lành ngày càng lan xa, nhiều công nhân ở các tỉnh lân cận như Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh tìm vào làm việc. Với số lượng công nhân cao và thu nhập khá, ngày ngày các lò gạch ở Nghĩa Hoàn hoạt động không khác gì một “khu công nghiệp thu nhỏ”.

Cuộc sống của người dân trong xã ngày càng khấm khá, cả xã có 1.555 số họ giàu chiếm phần lớn. Hiện toàn xã có hàng chục chiếc ô tô vận tải chuyên chở gạch ngói, hàng chục máy xúc, ủi đất, xe con. Kinh tế phát triển, xã có điều kiện xây dựng các công trình phúc lợi, trường học cao tầng khang trang. Có trạm thu phát truyền hình, đường làng ngõ xóm đều được nhựa hoá, bê tông hoá, trụ sở xã xây mới trị giá 600 triệu đồng. Hiện tại có hàng chục chủ lò gạch đạt doanh thu 600 triệu đến 800 triệu đồng/ năm.

 

 Những biệt thự tiền tỷ của các đại gia chân đất nằm san sát nhau bên QL15A

Hầu hết những tỷ phú vùng Cừa, đều là những nông dân, chân lấm tay bùn, điểm xuất phát ban đầu chỉ con số không, trong số đó điển hình là tỷ phú Nguyễn Danh Hiền một trong những hộ thành đạt và giàu lên từ nghề làm gạch ngói.

Gia đình anh sở hữu 2 cơ sở lò với 3 vỏ, tạo công ăn việc làm cho 8 lao động thường xuyên và 20 lao động công nhật với mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm gia đình anh chị thu lãi về từ 450 đến 500 triệu đồng/lò/năm.

Ngoài ra, còn phải kể đến chủ nhiệm HTX gạch ngói Cừa, ông Nguyễn Danh Hạnh cũng là một tỷ phú có tiếng trong làng. Không những là một ông chủ, một chủ nhiệm HTX ông còn là người đầu tiên liều mình đưa lò gạch, ngói của gia đình ra cánh đồng Nậy, để tránh xa khu dân cư để tránh tình trạng ô nhiễm khói do các lò gây ra.

 

 Căn biệt thự tiền tỷ với đồ nội thất "khủng" của một đại gia đất Cừa

Những ngày đầu khi chủ nhiệm Hạnh rục rịch chuyển lò, anh em trong HTX ai cũng khuyên ông, bởi cánh đồng Nậy tuy rộng lớn nhưng lại nằm sát bên bờ sông con. Vào mùa khô thì không sao chứ vào mùa lũ thì nước băng trắng đồng. Với những khó khăn đó, bằng kinh nghiệm và sáng tạo ông đã cho kê cao chân lò để tránh lũ đem lại hiệu quả lớn.

Thấy vậy, các lò gạch khác lũ lượt chuyển lò về đồng Nậy, đến nay nhìn từ xa cánh đồng Nậy bằng phẳng mênh mông ngày nào đã trở thành một khu công nghiệp thực sự với cơ man nào là lò gạch, lò ngói. Xe chở gạch ngói đi phân phối cứ chạy ào ào suốt cả ngày.

Đến nay, HTX gạch ngói Cừa còn được gọi bằng cái tên nghe chuyên nghiệp hóa hơn là Hiệp hội sản xuất gạch ngói. Nghề làm gạch ngói có chỗ đứng, những chuyến xe, những hợp đồng đồng được ký liên tục cũng từ đó kinh tế của người dân nơi đây thay đổi rõ nét.

Chuyện các lão nông dân “đầu trần, chân đất” trước kia chỉ biết chăm lo cày cấy, nay hóa chốc trở thành tỷ phú ở Nghĩa Hoàn nhiều như “chuyện thường ngày ở huyện”. Nếu như chuyện ông Chủ nhiệm Hạnh năm 1992 có 2 tỷ gửi ngân hàng được xem như chuyện động trời. Nay, chuyện 2 tỷ chứ 20 tỷ ở đây cũng xem rất bình thường.

 Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, người dân vùng Cừa cũng đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm, vất vả

Ngày nay, khi đặt chân đến đất Nghĩa Hoàn, nhiều người phải trầm trồ khen ngợi sự giàu có, phồn thịnh ở vùng đất này. Hệ thống cơ sở vật chất như điện đường, trường trạm khang trang sạch đẹp. Những ngôi biệt thự, to đẹp, được xây theo kết cấu mới với những đồ nội thất đẹp, đắt không khác gì thành phố với số vốn đầu tư hàng tỉ đồng.

Tiêu biểu như biệt thự của anh Hồ Xuân Trung và chị Trương Thị Thông ở xóm Thuận Yên. Ai cũng từng phải thốt đúng là làng “vắt đất xây biệt thự” khi chứng kiến rất nhiều ngôi nhà cao tầng xuất hiện ngày càng nhiều.

Ông Hà Văn Biển chủ tịch xã Nghĩa Hoàn cho biết: “Mấy năm lại đây, kinh tế của xã ngày càng phát triển từ sản xuất và kinh doanh gạch ngói, đến nay, thu nhập bình quân là 20 triệu đồng/ người/ năm. Đạt được thành quả như hôm này là người dân đã khai thác được tiềm năng của “vàng đen”.

Sắp tới, chúng tôi sẽ thực hiện những chính sách nhằm phát triển sản xuất nhưng cũng đảm bào vệ sinh môi trường và hơn hết là quản lý tiềm năng của nguồn tài nguyên quý giá mà xã may mắn có được”.

Ở vùng Cừa, giờ ai giàu, ai khá, chỉ cần ra cánh đồng Nậy là biết, khí thế nơi lò ngói cứ rầm rập suốt ngày đêm, vì thế mà chúng ta tin rằng sắp tới còn có khối bác nông dân tậu xe hơi, trở thành tỉ phú chân đất và ngày càng có nhiều nhiều ngôi biệt thự được vắt từ đất mà nên.

Giang Uyên

Theo Infonet

Giang Uyên

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm