Xóm Ghành Cả (thôn Châu Thuận Biển, Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) những ngày “tối trời” (tháng 6, 7) trở nên vắng hoe, chỉ còn phụ nữ và trẻ em. Hầu hết ngư dân đã theo tàu đi lặn biển.
Đi săn dưới lòng biển đêm
Vừa trở về sau gần nửa tháng lặn hải sâm ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, ông Võ Văn Lựu (xóm Ghành Cả) tỉ mỉ chùi những cây xuyên sắc nhọn, dụng cụ đi săn trong mỗi chuyến biển. Đó là vật bất ly thân của ông suốt mấy chục năm qua. Nửa cuộc đời gắn với nghề lặn, người làng vẫn gọi ông là “rái cá Hoàng Sa”. “19 tuổi, tôi đã lên tàu theo cha đi lặn khắp các vùng biển từ Nam chí Bắc. 21 tuổi, tôi đóng tàu riêng để ra khơi. Hồi đó, đội thợ lặn Ghành Cả mạnh lắm, ai cũng dạn dày mười mấy năm kinh nghiệm” - ông Lựu chia sẻ.
Nói về nghề săn sản vật dưới lòng biển, ông Lựu chỉ cười hiền. Kỹ năng lặn biển được cánh thợ đúc rút bằng những vết thương trên cơ thể, có khi bằng chính mạng sống của mình. “Ngày xưa, mỗi lần xuống biển phải lặn “chay”, không có đồ bảo hộ trang bị tận răng như bây giờ. Người lặn sâu nhất có thể đạt độ sâu 50-60 m. Nhưng ở độ sâu này rất ít hải sản nên nhóm lặn chỉ xuống tầm 35-40 m rồi trở lên”.
Nghề lặn biển có điểm đặc biệt là phải áp sát những đảo đá, nơi có nhiều tôm, cua, hải sâm sinh sống. Đối với cánh thợ lặn thì “ngày ngủ đêm lặn”, cứ khoảng 5h chiều, đội của ông Lựu lại cho tàu áp sát các đảo để hành nghề. “Khoảng cách từ các đảo ra chỉ khoảng vài chục mét. Khu vực này sóng lớn, nhiều bãi ngầm rất nguy hiểm nhưng bù lại tôm hùm, hải sâm, cua huỳnh đế... rất nhiều” - ông Lựu cho hay.
Ông Lựu cùng cây xuyên là vũ khí để săn mồi dưới đáy biển đêm. |
Mỗi nhóm đi thường 5-6 người, cứ hai người đi chung với nhau để hỗ trợ khi gặp nguy hiểm. Dưới đáy biển đen, từng ánh đèn lấp loáng tìm kiếm con mồi. Trên tay mỗi người cầm chắc cây xuyên nhọn.
“Ban đêm, các loài sinh vật đều ngủ nên phải dùng xuyên đâm trúng đầu nó mới hạ gục con mồi. Còn đâm trúng ngay mình thì về bán giá rất rẻ”. Ông Lựu nói tiếp, khi đã săn đầy chiếc túi giắt sau lưng, nhóm thợ bắt đầu trồi lên thì trời vừa rạng sáng. Mọi người lại tất tả thu dọn ngư cụ quay về tàu để chạy ra xa.
Ngư dân Bùi Văn Cam, thuyền trưởng một tàu lặn, chia sẻ mỗi chuyến đi thường kéo dài cả tháng, chuyến nào “vô mánh” cũng được 700-900 triệu đồng. “Dù thu nhập khá cao nhưng nghề này luôn đối mặt với hiểm nguy nên tìm thợ lặn khó lắm. Các tàu ở Ghành Cả phải vào tận Khánh Hòa, Phú Yên... để thuê thợ lặn” - anh Cam nói.
Mới đây, trong chuyến lặn ở gần đảo Chim Yến (quần đảo Hoàng Sa), khi đã xuống độ sâu hơn 40 m, một người bạn của anh Cam bất ngờ bị bể ống khí. Người thợ hoảng loạn vùng quẫy rồi dần lịm đi. “May mắn người đi bên cạnh kịp thời phát hiện, rút ống thở của mình để chia sẻ khí ôxy cho bạn. Sau khi ra hiệu, cả nhóm quay trở lại để dìu nạn nhân nổi lên mặt biển” - anh Cam kể.
Khi dìu bạn lên cách mặt nước còn khoảng 10 m thì cả hai phải ngâm mình ở độ sâu ấy thêm một giờ nữa mới được lên tàu. Lúc này các thành viên khác trên tàu phải thay nhau chuyền ống thở từ trên tàu xuống cho đồng đội mình. Lý giải điều này, anh Cam cho biết: “Nếu trồi lên tàu liền thì áp suất thay đổi đột ngột dẫn đến “sụn” (tê liệt) toàn thân. Ngư dân chúng tôi giảm áp bằng cách ngâm mình ở độ sâu khoảng 10 m cho khỏe lại. Khi nào cơ thể thông suốt, đi tiểu tiện bình thường thì mới trồi hẳn lên trên”.
Quanh năm chạm trán tàu Trung Quốc
Ở làng biển Ghành Cả này có hơn 40 thuyền lặn thì thuyền nào cũng từng vài lần chạm trán tàu hải giám, hải cảnh của Trung Quốc. Lật giở quyển sổ dày ghi chép tỉ mỉ những lần tàu cá xã Bình Châu bị tàu Trung Quốc tấn công khi đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), nhẩm tính tháng 2, tàu anh Biên bị tàu Trung Quốc tấn công khiến nhiều ngư dân bị thương, tháng 3 thì tàu anh Tẩn bị cướp phá ngư cụ, rồi tàu anh Lựu bị rượt đuổi...
Những số hiệu tàu hải giám, hải cảnh của Trung Quốc tấn công ngư dân cũng được ông Hùng nêu tên, điểm mặt như là những con tàu đã gây nhiều nỗi thống khổ cho ngư dân Bình Châu suốt mấy năm qua. “Khổ nhất là các tàu đi lặn vì thường xuyên phải áp sát đảo hành nghề nên bị tàu Trung Quốc gí suốt. Riêng tàu anh Lựu từ đầu năm đến nay cũng bị 2-3 đợt rồi” - ông Hùng nói.
Một đội thợ lặn ở làng Ghành Cả. |
Về câu chuyện quanh năm phải chạm trán với tàu Trung Quốc, ông Lựu chia sẻ: “Nghề lặn tuy có khá giả hơn nghề câu, nghề lưới nhưng suốt ngày bị tàu Trung Quốc cướp phá, xua đuổi”.
Ông kể hồi cuối tháng 3/2015, sau khi chuẩn bị sẵn ngư cụ, tàu ông tắt đèn, chạy áp sát đảo Đá Lồi (Hoàng Sa) để lặn đêm. Quần quật suốt 22 đêm dài, “săn” được gần bốn tấn hải sản, tàu chuẩn bị trở về đất liền thì không may chạm trán tàu kiểm ngư của Trung Quốc. “Nhìn thấy từ xa, tàu chúng tôi đã nổ máy để rút lui. Rượt gần hai tiếng thì họ áp sát được tàu mình nhưng không có cách nào tiếp cận. Bên kia tàu, họ đưa súng ống ra chĩa thẳng về phía chúng tôi hăm dọa, buộc dừng tàu”.
Không khuất phục được con tàu gỗ chạy dích dắc, cố thoát khỏi sự kìm kẹp của con tàu sắt hung hãn to gấp 5-6 lần, phía Trung Quốc thả canô máy mang theo lính vũ trang xông lên.
Ông Lựu kể: “Đám lính vũ trang mang quân phục rằn ri dùng dùi cui điện gí vào lưng tôi, vừa nhảy lên là đánh phủ đầu ngay, dùng súng buộc anh em giơ tay úp sau gáy rồi dồn về một góc tàu”. Lời kể của vị thuyền trưởng dạn dày sóng gió cứ uất nghẹn lại, bao bức xúc dồn nén trên khuôn mặt cương nghị. Đánh đập xong, chúng phá hết ngư lưới cụ, xúc hết bốn tấn hải sản sang tàu rồi bỏ đi. Sau chuyến biển ấy, ông Lựu trở về gom góp cùng anh em mua sắm lại đồ đạc ra khơi.
Chưa kịp trả hết nợ thì tháng 6/2015, tàu của ông lại bị tàu hải giám ở đảo Phú Lâm ùa ra rượt đuổi. “Lúc đó, do tàu bị gãy trục máy nên mới bị chúng bắt, kéo về đảo Bom Bay. Cũng như lần trước, chúng cướp phá hết toàn bộ tài sản trên tàu, rút hết dầu chỉ còn chừa một ít để ra khỏi đảo và buông ra những lời dọa dẫm”.
Những lời đe dọa, trấn áp, cướp bóc không khiến làng lặn biển Ghành Cả run sợ. Hằng ngày, những con tàu của làng biển vẫn dũng mãnh ra khơi. Đêm đêm, những biệt đội “rái cá” vẫn lặng lẽ áp sát các đảo để thực hiện cuộc săn tìm sản vật.
Nghe tàu Trung Quốc tấn công “là cứ như ngồi trên đống lửa”
Chị Nguyễn Thị Năng (vợ anh Lựu) tâm sự lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm nhưng lấy chồng lặn biển còn thấp thỏm lo âu hơn bội phần. “Ngày xưa ra biển chỉ lo chồng, con không may gặp giông bão rồi chìm tàu, lật ghe nhưng giờ thì lo đủ thứ.
Nhất là cứ mỗi lần nghe tin tàu Trung Quốc tấn công, đâm chìm tàu cá Việt Nam thì cả nhà tôi như ngồi trên đống lửa. Mọi người trong xóm cũng hoảng hốt chạy lên trạm Icom Ghành Cả để ngóng tin người nhà báo về. Cuộc sống mưu sinh trên biển vất vả và hiểm nguy luôn rình rập” - chị Năng chia sẻ.
Qua Icom nghe tiếng người làng nói vọng về: “Tàu bị tàu Trung Quốc cướp sạch rồi” thì Ghành Cả hôm ấy nhà nào cũng buồn thiu, chỉ cầu mong cho người thân lành lặn trở về.