Vừa khai trương đã thấm - dột
Môn cầu lông trong khuôn khổ Đại hội TDTT (khai mạc 5/11, kết thúc 20/11). Đây là một trong 4 môn của đại hội sẽ được tổ chức gồm karate, bóng chuyền, vật, cầu lông.
Để chuẩn bị cơ sở vật chất cho đại hội và tương lai lâu dài, trong 2 năm, từ tháng 12/2012, Thái Bình đã gấp rút xây một nhà thi đấu đa năng hiện đại, hoành tráng với tổng số ghế ngồi là 4.950 chỗ. Chi phí xây nhà thi đấu này là 647,12 tỷ đồng. Tháng 7/2014, nhà thi đấu bắt đầu vận hành với việc tổ chức một số môn trong Đại hội TDTT của tỉnh.
Thế nhưng, ngay trong ngày “khai trương”, Nhà thi đấu Thái Bình đã gặp sự cố: Trần nhà thấm, nước mưa dột thẳng từ trên nóc xuống thảm đấu khiến một số VĐV trượt chân, chấn thương. Để giải quyết hậu quả “dột từ nóc” này, BTC đã phải đưa ra giải pháp tình thế là lợp thêm một mái tôn lên trên phủ kín mái nhà, đồng thời lắp đặt lại hệ thống thoát nước. Tổng chi phí cho sửa chữa này khoảng 300 triệu. Như vậy, chỉ ngay trong ngày khai trương, nhà thi đấu Thái Bình đã “đội vốn” lên thành gần 700 tỷ.
Thái Bình là địa phương có phong trào bóng chuyền khá mạnh, nhưng lâu nay chưa có nhà thi đấu xứng tầm. Việc có nhà thi đấu mới là cần thiết, nhưng việc vẽ ra một nhà thi đấu hoành tráng, đắt tiền vào bậc nhất Việt Nam, mà lại bị hư hỏng ngay trong ngày khai trương đã khiến không ít người giật mình. Hơn nữa, nhà thi đấu xây khá xa trung tâm tỉnh, nên ngay với môn cầu lông, lượng khán giả đến theo dõi chỉ chiếm khoảng 20-30%.
Tiết kiệm mà vẫn “phình” ra ngàn tỷ
Nam Định mới là “trung tâm” của Đại hội TDTT toàn quốc, với việc tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và diễn ra 13 môn thể thao gồm bóng đá nam, điền kinh, judo, bóng chuyền, bơi, lặn, vovinam, võ cổ truyền, pencak silat, wushu, thể hình, cử tạ, boxing.
Nhà thi đấu Thái Bình mới vừa khai trương đã dột. |
Cũng như những địa phương khác được nhận đăng cai, Nam Định quyết định xây dựng hai công trình trọng điểm là Cung thể thao Nam Định và bể bơi có mái che. Đây là những công trình mà thầu cam kết “xứng đáng là công trình thể thao hàng đầu trong khu vực nam đồng bằng sông Hồng”. Cũng xin nói thêm, Nam Định từng là một trong những địa phương cùng Hà Nội đăng cai SEA Games 22 năm 2003, địa phương này có gần 10 nhà thi đấu khá quy mô và sân Thiên Trường. Riêng sân Thiên Trường, kể từ khi đội Nam Định xuống hạng thì gần như… để mốc nhiều năm nay.
Nhà thi đấu đa năng Nam Định được khởi công từ tháng 1/2013 với tổng vốn ngân sách cấp là 885 tỷ đồng, có tổng diện tích sàn gần 16.000 m2 gồm 3 tầng khán đài với sức chứa 4.000 chỗ ngồi. Rõ ràng đây là nơi thi đấu hiện đại bậc nhất của không chỉ vùng nam sông Hồng, mà còn “to đẹp” nhất nước.
Song điều thắc mắc là ngay ở đại hội và những giải đấu trong tương lai, Nam Định làm sao phát huy hết công suất 4.000 chỗ ngồi ở cung thể thao hoành tráng ấy, khi mà trước khi có nhà thi đấu đa năng, mỗi năm Nam Định cũng chỉ tổ chức vài cuộc thi cấp tỉnh, cấp QG với lượng khán giả “khiêm tốn”? Hay đơn giản là cứ xây, rồi… tính sau.
Ngoài ra, Nam Định còn chơi sang với cung thể thao dưới nước có mái che - được xây dựng với kinh phí 114 tỷ đồng, khu khán giả quy mô 1.000 chỗ ngồi, khu thi đấu và khu vực kỹ thuật, phòng thông tin báo chí, có hệ thống sưởi ấm cho VĐV thi đấu trong thời tiết mùa đông…
Hai công trình của Nam Định, tính ra đã hơn 1.000 tỷ đồng, chưa kể hàng trăm tỷ sửa chữa những công trình mới xây cách nay chưa lâu, mà vẫn được cho là… tiết kiệm!
Dù có những công trình đồ sộ, nhưng thể thao Nam Định gần đây gần như không phát triển: đội bóng đá nam của tỉnh xuống hạng; tỉnh không có môn thể thao thế mạnh nào; thậm chí, để gom huy chương tại đại hội lần này, họ phải mượn võ sĩ Văn Ngọc Tú từ Gia Lai về thi đấu.
Bài học Tiên Sơn - Đà Nẵng
Mặc dù có những “cải tiến” là việc đăng cai đại hội theo vùng chứ không tập trung vào một địa phương, để tránh việc dồn quá nhiều tiền ngân sách vào một nơi xây cơ sở vật chất, song chuyện xin đăng cai để “xây dựng” là phổ biến. Việc xây có thể đúng chủ trương, nhưng sử dụng sao cho hiệu quả là điều hoàn toàn khác. Bài học từ Cung thể thao Tiên Sơn là một minh chứng.
4 năm trước, để phục vụ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI, Đà Nẵng dùng 1.000 tỷ ngân sách xây Cung thể thao Tiên Sơn có hình đĩa bay rất ấn tượng, quy mô xây dựng 40.000m2. Thế nhưng ngay sau đại hội, “cái đĩa bay” ấy vắng lặng vì rất ít khi tổ chức các giải thể thao, hoặc nếu có cũng không đủ sức hút để người dân mua vé vào xem. Cả năm các khoản thu về chưa đến 2 tỷ đồng, đó là chưa kể việc Cung Tiên Sơn hầu như chỉ tổ chức thể thao, không thể tổ chức ca nhạc vì hệ thống âm thanh kém. Ca sĩ hải ngoại Khánh Ly từng về hát ở đây, nhưng buổi diễn có chất lượng âm thanh rất tệ. Bỏ bạc tỷ nhưng thu bạc cắc là sự lãng phí rất lớn.
Vậy những công trình hoành tráng phục vụ Đại hội TDTT toàn quốc phải làm gì để sử dụng hiệu quả, tránh bài học Mỹ Đình, Tiên Sơn? Đó là câu hỏi không dễ trả lời…