Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Làng nghề' chế biến sừng tê giác ở miền Bắc

Muốn đặt một món đồ trang sức bằng sừng tê thì họ bảo đặt tiền trước, chỉ 2 ngày là có. Điều đáng chú ý là đa phần khách hàng ở làng nghề này đều là khách đến từ Trung Quốc.

Không khác sừng trâu

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra rằng, thực tế ở Việt Nam nhu cầu về sử dụng sừng tê giác lớn cỡ nào và Việt Nam có phải là thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới hay không.

Để giải đáp câu hỏi này, chúng tôi đã tìm đến Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (Wildlife Conservation Society -  WCS) - Chương trình Việt Nam, một tổ chức đã tiến hành nhiều nghiên cứu, điều tra sâu về thực trạng buôn bán, tiêu thụ sừng tê ở Việt Nam.

Theo bà Dương Việt Hồng – phụ trách truyền thông của WCS, con số cụ thể về thị trường tiêu thụ sừng tê ở VN chưa ai ước tính được, nhưng nhiều tổ chức cũng đã thực hiện một số điều tra để xem nhu cầu sử dụng sừng tê trong người dân Việt ra sao.

“Đến giờ mới có 4 điều tra với quy mô cũng khá nhỏ, từ 600 – 1.000 người, chủ yếu làm trong thời gian từ 2013 – 2014. Thành phần điều tra tập trung ở các vùng đô thị, bởi nơi đây được xem là có nhu cầu sử dụng sừng tê cao hơn cả”, bà Hồng cho biết.

Kết quả cho thấy từ 2,6 – 5% số người được hỏi khẳng định đã từng dùng sừng tê. Tuy nhiên, có một con số đáng chú ý hơn là có tới 17% số người được hỏi khẳng định sẽ dùng trong thời gian tới. “Điều nguy hại chính là ở chỗ này, bởi số người có xu hướng dùng sừng tê khá cao và chủ yếu là theo trào lưu”, bà Hồng đánh giá.

 Sừng tê giác được đồn đại là có thể chữa được bách bệnh.
Sừng tê giác được đồn đại là có thể chữa được bách bệnh.
Cũng theo nghiên cứu của WCS, việc sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam, không như đa phần mọi người nghĩ, là để chữa bệnh. Thực tế nhiều người sử dụng sừng tê là để khẳng định vị thế xã hội, để cho mọi người thấy đẳng cấp của mình. Bên cạnh đó, một số ít dùng sừng tê để mua cho mình một cảm giác an tâm.

Một số khác thì sử dụng sừng tê như một khoản đầu tư, tích trữ ngoài vàng bạc, kim cương, đá quý (giá 0,1kg sừng tê giác trên chợ đen khoảng 6.000USD). Giá của sừng tê cũng tùy thuộc vào nguồn gốc của tê giác châu Phi hay châu Á. Vì tê giác châu Á còn rất ít (độ vài chục con, chủ yếu ở Sri Lanka) nên sừng đắt hơn nhiều sừng tê châu Phi, nơi hiện vẫn còn hàng chục nghìn con. 

“Làng nghề” sừng tê cung cấp hàng cho khách Trung Quốc

Trung Quốc đã loại ra khỏi dược điển những vị thuốc đông y có sử dụng sừng tê, thay vào đó là sừng trâu. Một số thuốc truyền thống như An Cung ngưu hoàng hoàn cũng bị cấm sử dụng sừng tê trong thành phần.

Còn ở Việt Nam, Bộ Y tế mới đang nghiên cứu để đưa sừng tê ra khỏi dược điển. Theo đông y thì thành phần của sừng trâu và sừng tê giác là như nhau, cùng có đặc tính: Làm mát, tiêu ung (ung nhọt, không phải ung thư), hạ sốt.

"Việt Nam có thể nghèo nhưng riêng năm 2013 chúng ta đã bỏ ra tới 10 tỷ USD để nhập về các mặt hàng xa xỉ. Như vậy cũng đủ để thấy mức độ tiêu thụ sừng tê ở Việt Nam không hề thấp" - bà Dương Việt Hồng – phụ trách truyền thông của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (Wildlife Conservation Society -  WCS) - Chương trình Việt Nam nói.

“Thực ra Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sừng tê lớn nhất thế giới. Theo thông tin chúng tôi biết thì tại Trung Quốc cũng mới có duy nhất một cuộc điều tra được tiến hành, nhưng quy mô cũng chỉ với mấy trăm người trong khi dân số của họ là gần 1,4 tỷ người. Trên thực tế, Trung Quốc là một thị trường rất lớn”, bà Hồng đánh giá.

Như để tăng thêm sức nặng, đại diện WCS cho biết, WCS đã tiến hành điều tra một làng nghề ở phía Bắc.

Theo các chuyên gia sừng tê giác công dụng không khác gì sừng trâu
Theo các chuyên gia sừng tê giác công dụng không khác gì sừng trâu

Làng nghề này có nhiều hộ chế biến sừng tê khá công khai. “Chúng tôi đã có hình ảnh về việc nhập sừng tê, chế biến ra sao, giao hàng thế nào. Thậm chí có người chủ còn khẳng định với chúng tôi mỗi tuần họ nhập về hai sừng tê. Muốn đặt một món đồ trang sức bằng sừng tê thì họ bảo đặt tiền trước, chỉ 2 ngày là có. Điều đáng chú ý là đa phần khách hàng ở làng nghề này đều là khách đến từ Trung Quốc, được nhận ra bởi ngôn ngữ giao dịch của họ. Chúng tôi đã báo với các cơ quan chức năng và chắc họ sẽ sớm vào cuộc”.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, các vụ việc bắt giữ về buôn bán sừng tê trên thế giới từ năm 2006 đến nay đều có ít nhiều liên quan tới người Việt Nam, Trung Quốc hoặc cộng đồng người Việt ở một số nước Đông Âu.

Có thể khẳng định, nhu cầu sử dụng sừng tê chủ yếu là ở một số nước châu Á, chủ yếu chỉ có 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan mà thôi. Điều đó chứng tỏ nếu biết sừng tê chữa được ung thư thì cả thế giới đã đổ xô dùng sừng tê.

Cung cấp thêm thông tin về cách người châu Á khai thác sừng tê ở Nam Phi, đại diện WCS giải thích: Trước đây việc săn bắn động vật hoang dã ở Nam Phi để lấy sừng được coi như môn thể thao.

Nhưng sau một thời gian, người ta nhận ra người châu Á (Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc) đi săn không phải vì tình yêu với môn thể thao này nên đến 2013, Nam Phi không cấp phép cho người Việt Nam săn bắn ở Nam Phi với lý do không có hiệp hội săn bắn.

Ngay sau lệnh cấm, một loạt các nước Đông Âu có Hiệp hội săn bắn lập tức xin cấp phép để được săn bắn ở Nam Phi và khi người ta tìm hiểu ra thì những người đó đều gốc châu Á. Và tiếp đó là Trung Quốc, Thái Lan cũng bị cấm săn bắn ở Nam Phi.

http://danviet.vn/xa-hoi/lang-nghe-che-bien-sung-te-giac-o-mien-bac-501957.html

Theo Hải Phong/Dân Việt

Bạn có thể quan tâm