Tương truyền, ngày xưa, Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan, sau thời gian đi xứ Trung Quốc đã tìm tòi, nghiên cứu học tập được kỹ thuật sản xuất cày bừa để về hướng dẫn lại cho dân làng Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất nghề cơ, kim khí sản xuất ra cày, bừa, cuốc, xẻng. Mặc dù xuất phát điểm từ nghề chế tạo nông cụ đơn giản phục vụ sản xuất nông nghiệp, những người thợ tài hoa của làng nghề Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã năng động học hỏi và đưa về địa phương nhiều nghề mới.
Trước nhu cầu phát triển, cuối năm 2006, huyện Thạch Thất đã nhanh chóng ra quyết định xây dựng cụm công nghiệp Phùng Xá với diện tích ban đầu 11 ha, quy tụ hàng trăm hộ tham gia sản xuất, kinh doanh.
Đưa dây chuyền sản xuất một cách chính xác, hiệu quả |
Làng nghề “làm ăn lớn”
Từ khi hình thành cụm công nghiệp cơ khí, hầu hết các hộ sản xuất trong làng nghề đều tính đến chuyện làm ăn lớn. Có những cơ sở chỉ sau một thời gian ngắn, doanh thu đã tăng gấp ba, bốn lần so với khi mở xưởng. Ông Trần Văn Định - Giám đốc Công ty Đức Cường, chuyên sản xuất các loại bản lề cho biết, trước đây do không có mặt bằng sản xuất, không làm ăn lớn được, buôn bán sắt vụn nên thu nhập không ổn định. Nay được thuê mặt bằng nên điều kiện sản xuất thuận lợi hơn nhiều.
Với những sản phẩm đa dạng về mẫu mã mặt hàng và chủng loại, thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất lao động ở làng nghề Phùng Xá ngày càng cao. Sản phẩm tiêu thụ ở thị trường rộng lớn, không chỉ giải quyết việc làm cho lao động trong làng mà rất nhiều người từ nơi khác đến đây tìm việc. “Hiện tại, Công ty Đức Cường có sản lượng trung bình 50 tấn/tháng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 40 công nhân”, anh Định chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy Đức, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá cho biết: “Nhờ sản xuất tập trung nên người dân không còn phải lo lắng về việc làm và thu nhập. Đến nay, làng nghề có 145 doanh nghiệp, gần 1.000 cơ sở sản xuất cơ khí, thu hút hơn 5.000 lao động trong làng và các địa phương khác tham gia. Thu nhập bình quân của người lao động từ 4 triệu đồng trở lên tùy thuộc vào công việc, đời sống của lao động được đảm bảo.
Năm 2014, giá trị thu nhập từ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của xã ước đạt hơn 118,1 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 26,3 triệu đồng mỗi năm. Càng phấn khởi hơn khi Phùng Xá là một trong 6 xã đầu tiên của huyện Thạch Thất đã cán đích thành công xây dựng nông thôn mới, cùng với xã Đại Đồng, Dị Nậu, Hương Ngải, Hạ Bằng và Bình Yên”, ông Đức phấn khởi nói.
Nghe tiếng búa đoán rèn đồ gì…
Từ những chiếc máy đi mua hay đặt hàng, qua thực tiễn sản xuất, nhiều người thợ Phùng Xá đã tự mày mò cải tiến, chế tạo ra dòng máy mới có tính năng ưu việt hơn. Những sản phẩm cơ khí mang thương hiệu Phùng Xá xuất hiện ngày càng rộng rãi trên thị trường trong nước và một số nước khu vực ASEAN, đặc biệt là Lào và Campuchia.
Nói về làng nghề của mình, ông Trần Văn Sửu - Trưởng Ban quản lý Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá tự hào chia sẻ, không chỉ dừng lại ở những sản phẩm truyền thống mà người dân Phùng Xá giờ sản xuất đủ loại mặt hàng công nghiệp, đặc biệt các sản phẩm cho xây dựng. Thậm chí, người Phùng Xá nay đã làm được cả một cây cầu thép tải trọng vài chục tấn.
“Đến nay, 100% số hộ sản xuất đã áp dụng máy móc tự động, bán tự động nên năng suất lao động rất cao” - ông Sửu cho biết.
Việc chủ động áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất đã cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng cho thị trường Việt Nam. |
Anh Trần Văn Thắng, chủ cơ sở sản xuất Thắng Lợi, chuyên sản xuất cửa xếp và cửa cuốn hiện đại cho biết: “Cùng làng, cùng xóm với nhau nhưng nhiều nhà phải giấu nghề, lúc máy chạy phải đóng cửa, sau đó bật đài thật to để bên ngoài không nghe được tiếng. Vì dân ở đây chỉ cần nghe, xem búa hay máy đập bao nhiêu nhát là đoán ra được ngay đang làm sản phẩm gì”.
Chia sẻ của anh Thắng khiến chúng tôi khá bất ngờ, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ chúng tôi mới thấy rằng người dân Phùng Xá quả là tài tình. Họ không những cần cù mà còn khá thông minh, chỉ cần nhìn qua các mặt hàng cơ khí khác là có thể tìm ra cách chế tạo ra nó.
Xưởng sản xuất cửa kéo của anh Thắng là một ví dụ điển hình cho khả năng tiếp thu, sáng tạo của người dân Phùng Xá. Anh Thắng vốn chẳng học hành cao, hết cấp ba anh đi làm thuê một vài nơi rồi về nhà mở xưởng sản xuất cửa kéo. Hiện tại, cơ sở sản xuất của anh sản xuất hàng chục loại cửa kéo khác nhau, trong đó có cả những sản phẩm đẹp và tốt không kém gì cửa kéo thương hiệu nước ngoài.
Bật mí cho chúng tôi, anh Thắng cho biết: “Loại cửa kéo mới của cửa hàng không thua gì cửa kéo Đài Loan. Bởi các thợ sản xuất của tôi đã đi khảo sát thị trường, xem qua các thiết kể cửa nước ngoài rồi về mò mẫm ít ngày là ra sản phẩm không thua gì kể cả chất lượng và mẫu mã”.
Ra ngõ gặp giám đốc
Về Phùng Xá hôm nay, bước vào làng nhiều khách viễn phương không khỏi giật mình khi giữa làng quê Bắc bộ vốn thuần nông mà nhà cửa nguy nga, ôtô hạng sang đậu kín đường.
Anh Trần Văn Sửu ví von với chúng tôi rằng, ở Phùng Xá đi ra ngõ cũng gặp giám đốc. “Ở Phùng Xá, trung bình 4 hộ dân thì có một giám đốc hoặc 1 chủ xưởng ngành cơ, kim khí. Trong đó, 20% số doanh nghiệp này có doanh thu từ vài chục tỷ đồng cho đến hàng trăm tỷ đồng một năm. Nói không ngoa thì ở làng tôi đi ra ngõ gặp giám đốc nhưng không phải ai cũng nhận ra đó là những chủ doanh nghiệp. Bởi, các giám đốc ở đây rất giản dị, không khác công nhân là bao nhiêu nhưng dinh thự, xe hơi thì không thiếu.
Lý giải cho việc này, anh Sửu cho biết: “Có lẽ xuất phát điểm của những doanh nhân nơi đây đều là những người nông dân chất phát, một nắng hai sương quen với công việc rồi. Nhiều giám đốc ở đây khi vừa đi họp về thấy máy sản xuất hỏng là lại ném áo sang một bên sấn vào sửa chữa. Doanh nhân làng Bùng khác các nơi là ở điều đấy!”, anh Sửu khẳng định.
Để minh chứng cho sự giàu có của người dân làng Phùng Xá, anh Sửu nhẩm tính một lúc rồi nói với tôi, toàn xã có 2.250 hộ thì đã có trên trăm doanh nghiệp, 1.000 hộ sản xuất kim, cơ khí với 250 xe tải đưa hàng đi khắp các tỉnh phía Bắc, trên 100 xe con loại từ 1 đến 7 tỷ đồng. Tivi màn hình phẳng đời mới 42, 50 inches, xe máy đời mới… là “chuyện nhỏ”. Cuối tuần, mặc dù công việc sản xuất, kinh doanh khá bộn bề nhưng chị em phụ nữ đi mua sắm tại các siêu thị, chăm sóc sắc đẹp trong nội thành là chuyện thường”.
Ngoài vấn đề phát triển kinh tế công nghiệp nhanh chóng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương thì Phùng Xá vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Trong đó, nổi cộm nhất là mặt bằng sản xuất tại làng nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, diện tích hẹp, các cơ sở vừa sản xuất vừa đổ phế liệu bên cạnh, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, thời khắc hội nhập đang cận kề, hầu hết các doanh nghiệp nơi đây đang lo lắng không biết có đủ sức cạnh trạnh với những đối thủ nặng ký từ ngoài vào…
Tạm gác lại những khó khăn đang đối mặt, Phùng Xá hôm nay đang tưng bừng, nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền Bính Thân. Những đôi tay vẫn thoăn thoắt cán từng mẻ thép, vui tươi, hy vọng.