Nghiện thuốc từ khi 7 tuổi
Tại xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông có 5 thôn tập trung người dân tộc Mạ sinh sống. Và hầu hết các chị em sống trong 5 thôn này đều biết hút thuốc lá. Những phụ nữ nghiện thuốc nặng chủ yếu sống ở các thôn Srê Ú, N’Jriêng, Pru Đăng, Tinh Wel Đơn.
Loại thuốc được chị em tại đây sử dụng gọi là thuốc rê. Thuốc rê được trồng chủ yếu trên rẫy, đầu nhà của người Mạ, họ trồng để hút, không đem bán. “Chúng tôi trồng loại thuốc này chủ yếu dùng để hút, hoặc những ai trong xóm không có thì đem cho họ hút cùng vui chứ tuyệt nhiên không bán”, chị H’Tuyết chia sẻ.
Khi cây thuốc rê lớn bằng nửa thân người, những phụ nữ tại đây bắt đầu hái lá của nó thái thành sợi nhỏ giống với thuốc lào rồi đem phơi nắng. Thuốc rê được phơi khô, phụ nữ Mạ đem gói vào bịch cẩn thận để thuốc không bị mất vị thơm ngon của nó.
Cô H’Dong (50 tuổi, trú tại thôn N’Jriêng) cho biết nghiện thuốc từ lúc 7 tuổi. Khi ấy, cô sống cùng bà ngoại, cứ mỗi lần bà ngoại hái lá thuốc đều bảo cô chế biến đem phơi khô rồi cất lại để hút. Ngay cả khi bà ngoại thèm hút cũng bảo cô H’Dong quấn thuốc vào một loại lá cây rồi mồi lửa để bà rít. Chính những lần mồi thuốc cho bà ngoại đã khiến cô H’Dong nghiện thuốc rê lúc nào mà không hề hay biết.
Cô H'Dong đang quấn thuốc rê vào lá cây lù u để hút. |
“Lúc đầu, được bà ngoại giao cho nhiệm vụ mồi thuốc, chỉ cần đưa thuốc vào miệng mồi lửa là tôi bị ho sặc sụa, chóng mặt, buồn nôn. Thậm chí, khi rít hơi thuốc vào trong người thì bị say đến tối tăm mặt mũi, không đi được. Sau một vài lần như thế, tôi dần quen và cảm thấy thuốc có vị ngon nên nghiện nó. Nếu một ngày không có thuốc tôi như người mất hồn, chẳng muốn làm bất cứ việc gì” - cô H’Dong kể lại cảm giác ban đầu làm quen với thuốc rê.
Cũng theo cô H’Dong, phụ nữ Mạ nghiện loại thuốc này được truyền từ đời này qua đời khác, không phân biệt lứa tuổi, ai thích hút sẽ được người nhà cho thuốc cùng hút. Hiện tại, trong gia đình cô có tới 6 người nghiện thuốc rê, trong đó có 3 người là phụ nữ, bao gồm: ông ngoại, bà ngoại, chú ruột, em gái, con gái và cô. Mỗi ngày những người trong gia đình cô hút cả chục lần. Mỗi điếu thuốc rê hút kéo dài trong khoảng từ 15 đến 20 phút mới hết điếu thuốc.
Biết độc hại vẫn không sợ
Vừa ra khỏi nhà cô H’Dong, chúng tôi rảo bước trên đường thôn bắt gặp nhiều phụ nữ đứng trước nhà mình trên miệng ngậm điếu thuốc rê phì phèo và cười nói rôm rả với những người trong gia đình. Đôi lúc, vừa hút thuốc vừa nói chuyện nên nhiều phụ nữ bị nghẹt thuốc ho sặc sụa.
Cụ bà H’Mai năm nay đã ngoài 90 tuổi, mắt đã mờ, lưng còng nhưng lúc nào cũng phải ngậm trên miệng điếu thuốc rê. Cụ hút không ngừng nghỉ trong ngày, bất cứ thời điểm nào thèm thì hút. Theo cụ nói, thì cụ biết hút thuốc từ khi còn nhỏ, cho đến nay đã trải qua hơn 80 năm làm quen với khói thuốc rê.
“Già nay lớn tuổi rồi! Có khi hút thuốc nhiều hơn ăn cơm, ngày có thể nhịn đói chứ không thể nhịn hút thuốc. Lúc còn trẻ, già thường quấn thuốc rê vào lá rồi hút, nhưng nay già rồi thì phải dùng tẩu để hút nếu cứ dùng lá để hút thì mỗi lần rít sẽ rất mệt”, cụ H’Mai nói.
Theo những phụ nữ Mạ cho biết, có thể dùng nhiều loại lá cây để quấn thuốc rê đem hút, nhưng không phải lá cây nào khi kết hợp cũng đem lại vị ngon đặc trưng. Có loại lá cây đem quấn thuốc khi hút thì mùi khét, đắng, loại khác thì đem lại cảm giác ngái ngái…
Riêng lá cây lù u (theo cách gọi của đồng bào Mạ tại đây) được lấy trong rừng sâu khi đem quấn thuốc rê để hút sẽ mang lại cảm giác êm say, mùi thơm của lá quện với thuốc sẽ đem lại cảm giác thích thú khiến những ai hút loại thuốc này nghiện đến chết cũng không bỏ được.
Cây thuốc rê được trồng ngay đầu nhà của người Mạ. |
Từ cụ già đến những cô gái và cả những đứa nhỏ lên 9, 10 tuổi đều phì phèo hút thuốc. Đi làm rẫy, đi chợ hay đi chơi thì chị em phụ nữ mang theo túi đựng thuốc rê và lá cây lù u, khi thèm là mang ra hút bất kể là đang làm gì, ở đâu. Đặc biệt, đối với người Mạ, họ đến chơi nhà nhau, thay vì mời uống nước thì họ lại đưa thuốc ra mời rồi cùng hút.
Giống như loại thuốc lá mà người Kinh thường hay hút, thuốc rê của đồng bào Mạ cũng là loại thuốc gây nghiện và độc hại. Tuy nhiên, với những phụ nữ Mạ, việc hút thuốc đã ăn sâu vào tiềm thức họ trở thành nét độc đáo trong suy nghĩ, cách sống và đặc biệt thể hiện được cá tính riêng của mỗi phụ nữ nơi đây.
Hầu hết những phụ nữ Mạ đều biết đến sự độc hại của việc hút thuốc. Thế nhưng, với họ khói thuốc rê đã ngấm vào máu và trong suy nghĩ của họ như một loại “thần dược” làm cho họ vui sướng, thích thú: “Mùi của thuốc rê và lá cây lù u ngửi vào thích lắm nên không dứt ra được. Hôm nào hết thuốc là sinh ra cáu bẳn, bứt rứt trong người rồi lại chửi mắng con vô cớ. Những người nghiện thuốc rê tụi tôi khi đói thuốc cứ như người điên, bần thần không muốn làm, suy nghĩ gì hết”, chị H’Ban ngậm điếu thuốc sảng khoái nói.
Chị H’Ban cũng thừa nhận việc hút thuốc gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thường xuyên ho trong đêm nên khi đi khám bác sĩ nói chị bị viêm xoang, viêm dạ dày, đen phổi. Không chỉ bị các bệnh trên, hiện tại giống với nhiều phụ nữ nghiện thuốc khác trong thôn, đôi môi chị và hai hàm răng đã thâm và đen sì.
“Bản thân tôi thấy tác hại của thuốc, muốn bỏ mà không thể. Đã nhiều lần tôi bỏ được khoảng 1 tuần hoặc 1 tháng nhưng khi được bạn bè mời, thấy thèm tôi lại hút, cứ như thế trong cái vòng luẩn quẩn bỏ-hút mà mãi không dứt ra được”, chị H’Ban nói về nỗi khổ khi nghiện thuốc rê.
Ông Nguyễn Thái Ban - phó chủ tịch xã Đăk Nia cho biết, vốn dĩ việc hút thuốc của người Mạ có từ xa xưa và đã ăn sâu vào tiềm thức của họ giống như nét đặc trưng văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác. Cho nên đối với họ, việc bỏ thuốc là rất khó. "Nhiều lần chúng tôi tuyên truyền, vận động cho bà con hiểu được tác hại của thuốc lá để họ bỏ, nhưng không hiệu quả”.