Theo Guardian, các nhà vật lý của Trạm quan sát Sóng hấp dẫn bằng tia laser giao thoa (LIGO) ở Washington và Louisiana phát hiện những gợn sóng trong cấu trúc không gian được hình thành từ chuyển động của vụ va chạm giữa hai hố đen hơn một tỷ năm trước đây.
Các tín hiệu được hai thiết bị của LIGO thu lại cho thấy hai hố đen quay quanh nhau 27 lần trước khi va chạm. Một lỗ đen có kích cỡ gấp khoảng 8 lần mặt trời, lỗ đen còn lại khoảng 14 lần.
Sự kiện này đánh dấu lần thứ hai các nhà khoa học phát hiện sóng hấp dẫn, khẳng định một phỏng đoán cách đây gần một 100 năm của Albert Einstein trong thuyết tương đối.
"Đây là xác nhận rằng có nhiều hố đen vẫn đang chờ đợi để được phát hiện trong tương lai", John Veitch, một nhà thiên văn thuộc nhóm LIGO cho hay.
Mô phỏng khoảnh khắc trước khi hai hố đen va chạm và hợp nhất với nhau, giải phóng năng lượng ở dạng sóng hấp dẫn. Ảnh: Max Planck Institute |
Trên tạp chí Physical Review Letters ngày 15/6, nhóm chuyên gia LIGO đã mô tả quá trình sóng hấp dẫn được phát hiện qua thiết bị vài tháng sau lần đầu tiên. Một hệ thống tìm kiếm tự động đã phát hiện những tín hiệu và gửi email để thông báo cho các nhà khoa học.
"Mọi người vẫn còn sửng sốt với phát hiện đầu tiên. Chúng tôi đang viết các báo cáo và chuẩn bị công bố khi phát hiện lần thứ 2. Chúng tôi nghĩ rằng: 'Nó chắc chắn là thật'", Veich nói.
Ngày 11/2, một nhóm các nhà vật lý của LIGO ở Washington và Louisiana (Mỹ) công bố đã phát hiện được sóng hấp dẫn từ vụ "đụng độ" của hai lỗ đen cách chúng ta khoảng 1,3 tỷ năm ánh sáng.
Sóng hấp dẫn là hệ quả của thuyết tương đối rộng của Albert Einstein. Vì vậy, phát hiện là minh chứng rõ ràng cho sự đúng đắn của lý thuyết Einstein cách đây một thế kỷ. Theo giả thuyết này, không gian và thời gian quyện lại với nhau thành một thể là "không - thời gian", tạo ra chiều thứ 4 trong vũ trụ, bên cạnh khái niệm không gian ba chiều chúng ta có trước kia.