Wes Maas, cựu cầu thủ rugby chuyên nghiệp ở Nam Sydney, người thành lập công ty Maas Group có trụ sở ở New South Wales chuyên về vật liệu, thiết bị, đã nhìn thấy tiềm năng ở Việt Nam vài năm trước.
Công ty mà ông điều hành từ thành phố Dubbo, New South Wales, đang chuẩn bị lên sàn giao dịch chứng khoán Sydney, với trị giá cổ phiếu bán ra lần đầu lên tới 200 tỷ USD. Công ty này đã nhập thiết bị từ Việt Nam trong 18 năm. Nhưng khi đối tác ở Việt Nam bị mua lại, ông Maas quyết định tự mình sản xuất.
Công nhân làm việc một nhà máy may ở Hà Nội. Việc chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam đã diễn ra từ lâu do giá nhân công rẻ hơn so với Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Làn sóng chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam
Công ty của ông đẩy nhanh kế hoạch xây dựng nhà máy rộng 30.000 m2 sản xuất thiết bị khai mỏ dưới lòng đất, và khánh thành trong vòng 8 tháng.
“(Chúng tôi có mục tiêu) tiếp tục mở rộng trên thị trường thế giới, (nhưng) việc tìm nhân lực trình độ cao để chế tạo thiết bị là không thể ở Australia ngày nay”, ông Maas nói với tờ Australian Financial Review.
Nhà máy này nằm trong một khu công nghiệp gần Long Tân. Tại đây, nằm bên cạnh đồn điền cao su là bãi đỗ xe chật kín hàng chục nghìn xe máy, minh chứng cho sự tấp nập của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Các nhà kho và khu công nghiệp đã mọc lên ở các địa điểm nằm ở ngoại ô TP.HCM, chủ yếu là những cái tên Nhật Bản và Hàn Quốc, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế lên hàng Trung Quốc, buộc các doanh nghiệp phải tìm điểm đến thay thế cho Trung Quốc. Một xí nghiệp dệt may đang quảng cáo tuyển thêm 20.000 nhân viên.
Maas cũng nằm trong làn sóng người Australia quay trở lại Việt Nam, bị hấp dẫn bởi chính sách mở cửa của chính phủ, các hiệp định thương mại tự do và lao động giá rẻ.
Nhà máy 315 triệu USD, có 320 nhân viên, bao gồm 45 kỹ sư, đi vào hoạt động tháng trước. Ông Maas nói điểm hấp dẫn nhất ở Việt Nam là có nguồn nhân lực trình độ cao dồi dào. Lương trung bình ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 ở Australia.
Tổng thống Trump đã tuyên bố đợt áp thuế mới 10% lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc, nhưng hoãn đến tháng 12. Ảnh: Getty Images. |
Việt Nam - điểm sáng của kinh tế thế giới
Không chỉ riêng ông Maas nghĩ vậy. Hàng nghìn công ty đã chuyển khỏi Trung Quốc khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang, giá lao động tăng cao và rủi ro chính trị ngày càng lớn khiến Trung Quốc - công xưởng của thế giới - trở nên kém hấp dẫn.
Không chỉ là điểm đến dễ chịu cho nhiều du khách Australia, đất nước hình chữ S là một trong số ít những điểm sáng về kinh tế của thế giới trong thời điểm này.
Những “con hổ” châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Singapore là đầu tàu kinh tế của khu vực nhưng đang trước bờ vực suy thoái vào cuối quý III năm nay. Lượng xuất khẩu hàng điện tử vốn là mũi nhọn của Hàn Quốc giảm 22% trong nửa đầu năm nay. Nhưng Việt Nam lại đang có khả năng giữ mức tăng trưởng GDP hơn 6% vốn đã được giữ vững kể từ năm 2000.
Điều này mang lại cả thời cơ lẫn thách thức, khi cơ sở hạ tầng của đất nước không theo kịp nhu cầu ngày càng lớn.
“Khi nhiều công ty sản xuất đến đây, (Việt Nam) sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng và ách tắc ở các cảng sẽ dần giảm bớt. Nếu không, khi lượng lớn công ty sản xuất đến Việt Nam, sẽ đè nặng lên hạ tầng và lưới điện”, ông Maas nói với Australian Financial Review.
Nhưng trước mắt, Việt Nam vẫn là lựa chọn khó có thể bỏ qua.
Lao động giá rẻ, dân số trẻ, chú trọng giáo dục, và các chính sách miễn thuế và khuyến khích công ty nước ngoài đã dẫn đến làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Các giám đốc đã chuyển đến nói đây là nơi dễ sống.
“Một số nền kinh tế đã ghi nhận đầu tư tăng lên. Riêng Việt Nam đã gần đạt hết ‘công suất’ khi các doanh nghiệp chuyển nhà máy đến đây để tránh hậu quả trực tiếp của thuế và chiến tranh thương mại”, phó thống đốc ngân hàng trung ương Australia Guy Debelle cho biết vào tuần trước.
Container tại cảng Hải Phòng. Các cảng biển ở Việt Nam đối mặt khả năng bị quá tải nếu cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu thương mại. Ảnh: Reuters. |
Gạo vào VN để tiếp cận các thị trường khác
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Scott Morrison tuần này sẽ tập trung vào cơ hội đầu tư, mặc dù tình hình căng thẳng trên Biển Đông, với việc Trung Quốc điều tàu Hải Dương 8 quay trở lại vùng biển Việt Nam, cũng dự kiến được đề cập, theo Australian Financial Review.
Ông Morrison không phải là lãnh đạo duy nhất coi trọng Việt Nam vào thời điểm này. Giám đốc điều hành ngân hàng ANZ Shayne Elliott dẫn dàn lãnh đạo cấp cao của ngân hàng đến Việt Nam tuần trước để gặp các khách hàng tiềm năng và trực tiếp chứng kiến thị trường mà ông nói là đang bị giới doanh nghiệp Australia đánh giá chưa đúng mức. ANZ là đối tác của khoảng 150 doanh nghiệp ở Việt Nam.
“Việt Nam từ trước đến nay luôn là nơi có điều kiện nhảy vọt nhưng vẫn chưa thực sự làm được điều đó. Đã có những vấp váp, nhưng thời cơ lần này dường như khác hẳn”, ông Elliott nói trong một cuộc phỏng vấn ở văn phòng của ANZ ở TP.HCM.
“Chúng tôi không ngờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra như vậy, nhưng nó càng củng cố (cơ hội cho Việt Nam). Đất nước này tạo cơ hội đa dạng hóa cho các khách hàng của chúng tôi và dường như đúng như vậy”.
Việt Nam đã trao giấy phép đầu tư cho hơn 1.720 dự án trong sáu tháng đầu năm, tăng 26%. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,1% vào năm ngoái, mức tăng cao nhất trong 10 năm, mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến con số đó giảm xuống 6,5%.
Năm 2018, Australia xuất khẩu 5 tỷ USD hàng hóa sang Việt Nam, biến Việt Nam thành bạn hàng nhập khẩu lớn thứ 14 của nước này. Cùng năm đó, Australia nhập khẩu 6,1 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam. Từ trước đến nay, Australia luôn chịu thâm hụt thương mại với Việt Nam nhưng khoảng cách này đã giảm dần từ 2009.
Mặc dù làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam tăng mạnh, đóng góp của Australia vẫn hạn chế. ANZ nói Việt Nam tiếp nhận khoảng 0,1% tổng lượng đầu tư nước ngoài của Australia, tương đương 2,3 tỷ USD.
Dù Việt Nam sẽ không trở thành bạn hàng lớn mua nhiều quặng sắt và than của Australia như Trung Quốc, tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh của Việt Nam ngày càng tìm mua các mặt hàng từ xứ sở chuột túi.
SunRice Group của Australia, tập đoàn nhập tới 5% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, đã mua lại một nhà máy chế biến gạo ở phía nam Việt Nam vào năm ngoái và đã tiến hành nhân giống, làm việc với các nông dân địa phương để giới thiệu các cách thức trồng trọt bền vững và hiện đại.
Việt Nam là điểm đến lý tưởng thay thế cho vùng Riverina, New South Wales, nơi hoạt động của tập đoàn SunRice nhưng đang gặp vấn đề hạn hán.
“Australia không nằm trong hiệp định tự do thương mại về gạo xuất đi nhiều nước, còn Việt Nam lại là nơi tiếp cận được một số thị trường đó. Bằng cách đi vào chuỗi cung ứng của Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp cận được thị trường mà chúng tôi không thể vươn tới từ Australia”, giám đốc điều hành của SunRice Rob Gordon nói với Australian Financial Review.
Ông Gordon, người đã khảo sát 30 điểm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm ngoái, nói xưởng chế biến công suất 260.000 tấn thóc một năm ở Việt Nam của công ty đóng vai trò thiết yếu trong kế hoạch mở rộng thị trường ra thế giới.
Ông tin rằng Australia vẫn chưa phát huy hết tiềm năng xuất khẩu thực phẩm sang khu vực, mặc dù ông không ủng hộ việc biến Australia thành “bát thức ăn” của châu Á. Ngành du lịch đang bùng nổ của Việt Nam, và tầng lớp trung lưu đang lớn dần, đồng nghĩa với việc nhu cầu mua thực phẩm Australia sẽ cao hơn.