Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Làn sóng bài nữ quyền thành 'quân cờ' trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn

Một số chính trị gia Hàn Quốc, trong đó có ứng cử viên tổng thống, đang lợi dụng tâm lý bài nữ quyền của một bộ phận nam giới trẻ tuổi để thu hút sự ủng hộ từ nhóm đối tượng này.

chinh tri han quoc loi dung bai nu quyen anh 1

Kim Keon-hee - 49 tuổi, vợ của ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Youl của đảng đối lập Sức mạnh Quốc dân (PPP) - gây ra làn sóng phẫn nộ khi có những nhận xét không đúng mực về nạn nhân của phong trào #Metoo.

Theo đoạn ghi âm phát sóng trên đài truyền hình MBC, bà Kim nói rằng: “Metoo xảy ra là bởi vì họ (đàn ông) không trả tiền (cho nạn nhân). Họ muốn chơi đùa một chút nhưng không có tiền. Tôi hiểu họ mà”.

Bà Kim đang muốn đề cập tới việc trong những năm gần đây, các chính trị gia nổi tiếng từ đảng Dân chủ tự do cầm quyền sa lầy trong một loạt vụ bê bối tình dục, South China Morning Post đưa tin.

Trong số đó có cựu thống đốc tỉnh Nam Chungcheong Ahn Hee Jung (người bị kết án 42 tháng tù vào năm 2019 vì tấn công tình dục phụ tá) hay cựu Thị trưởng Seoul Park Won Soon (người tự sát vào năm 2020 sau khi thư ký đệ đơn cáo buộc bị ông quấy rối tình dục trong 4 năm).

Bà nói thêm rằng không giống như chính trị gia theo chủ nghĩa tự do, những người phe bảo thủ “chắc chắn sẽ trả tiền” và “không dùng người miễn phí”. Bà cảm thấy tiếc cho cựu thống đốc Ahn, hai vợ chồng bà đứng về “phe của Ahn Hee Jung”.

Mặc dù sau đó bà Kim đã lên tiếng xin lỗi vì “những nhận xét không phù hợp trong lúc chỉ trích một số chính trị gia đảng Dân chủ liên quan đến bóc lột tình dục”, lời nói của bà đã cho thấy những bất bình đẳng giới ăn sâu trong xã hội Hàn Quốc.

Không chỉ vậy, nhiều chính trị gia lợi dụng tinh thần chống lại phụ nữ của nam giới trẻ tuổi trong xã hội Hàn Quốc để thu hút cử tri, và cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 9/3 tới là ví dụ điển hình. Theo New York Times, trong cuộc đua vào ghế tổng thống của Hàn Quốc, không có ứng cử viên lớn nào lên tiếng vì quyền của phụ nữ.

Thù địch quá mức

Phân biệt giới tính là vấn đề vốn tồn tại từ lâu trong xã hội Hàn Quốc. Tuy nhiên, thế hệ trẻ lại có kiểu phân biệt giới tính khác so với cha ông họ. Nếu những người đàn ông Hàn Quốc lớn tuổi coi mình là người kiểm soát phụ nữ, những người trẻ lại coi mình là nạn nhân của nữ quyền, họ trở nên thù địch quá mức với chủ nghĩa này.

Theo một khảo sát, 58,6% nam giới Hàn Quốc được hỏi ở độ tuổi 20 cho biết họ phản đối mạnh mẽ nữ quyền, với 25,9% đánh dấu mức độ phản đối là 12/12.

chinh tri han quoc loi dung bai nu quyen anh 2

Nam giới trẻ Hàn Quốc tin bất hạnh của mình xuất phát từ nữ quyền khi phụ nữ được ưu tiên. Ảnh: New York Times.

Bất bình đẳng giới tại Hàn Quốc mang tính hệ thống. Khoảng cách chênh lệch lương theo giới tại nước này tăng từ 34,6% vào năm 2018 lên 37,1% vào năm 2019.

Đây chính là hệ quả khi một xã hội nhìn qua lăng kính dân chủ, “nơi người nghèo phải chịu trách nhiệm cho chính những đau khổ của họ”. Những người đàn ông trẻ tuổi tán thành tuyên bố: “Phụ nữ kiếm được ít hơn là do họ dành ít nỗ lực hơn cho sự nghiệp”.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Hàn Quốc tăng từ 6,9% lên 9,9% trong 10 năm qua, khiến cuộc cạnh tranh tìm việc làm trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Tình trạng thất nghiệp khiến không ít người phải từ bỏ những điều quan trọng trong cuộc sống, chẳng hạn như kết hôn, sinh con, mua nhà.

Làn sóng thù ghét phụ nữ thúc đẩy bởi quan điểm nữ giới là “mối đe dọa, và họ tiếp tục nhận được đặc quyền dù đã đạt được bình đẳng giới”. Nam giới bi quan về tương lai và cảm thấy mất đặc quyền khi vị trí của họ trong xã hội bị thách thức bởi bất ổn kinh tế.

Mặc dù Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Hàn Quốc đứng thứ 115/149 quốc gia về bình đẳng giới vào năm 2018, nam giới lại coi những nỗ lực tiến tới xóa bỏ bất bình đẳng giới của chính phủ lại tạo ra một môi trường nghiệt ngã và trừng phạt với nam giới. Một số đàn ông tin rằng những biện pháp này mang lại cho phụ nữ lợi thế không công bằng.

Điều này cho thấy họ nhận thức bản thân là “nạn nhân của nữ quyền”.

chinh tri han quoc loi dung bai nu quyen anh 3

Ứng cử viên đảng Dân chủ cầm quyền Lee Jae Myung (trái) và ứng cử viên Yoon Seok Youl của đảng đối lập Sức mạnh Nhân dân. Ảnh: Yonhap.

“Chuyển sự tức giận vào thùng phiếu”

Sau khi cựu Tổng thống Park Geun Hye bị luận tội và thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2020, PPP đã đổi tên và có cách tiếp cận trong vấn đề nữ quyền.

Diplomat cho rằng biệt ngữ chống nữ quyền như là khẩu hiệu của lãnh đạo bảo thủ Lee Jun Seok - “người đấu tranh trên mặt trận chính trị” cho những thanh niên theo chủ nghĩa lệch lạc.

Vào ngày 11/6/2021, PPP đã bầu Lee Jun Seok (36 tuổi) làm chủ tịch đảng. Bỏ qua yếu tố tuổi tác, vị trí chủ tịch đảng là một trong những chức vụ chính trị cao nhất ở Hàn Quốc, thường được trao cho nhà lập pháp giàu kinh nghiệm và nhận sự ủng hộ mạnh mẽ trong nội bộ đảng. Thế giới quan của ông Lee rất phù hợp với các bạn nam, Foreign Policy nhận định.

PPP có vẻ đã nhận được sự quan tâm nhờ kế hoạch này khi thu hút một số lượng lớn cử tri nam Hàn Quốc chuyển sang phe cánh hữu.

Khoảng 73% đàn ông gen Z bỏ phiếu cho đảng bảo thủ trong cuộc bầu cử thị trưởng Seoul năm 2021, trong đó có đến 76% phản đối chủ nghĩa nữ quyền.

Phân tích chiến thắng của đảng mình trong cuộc bầu cử phụ trách vị trí thị trưởng thành phố Seoul, ông Lee cho rằng đảng Dân chủ thua là do “họ dốc toàn lực cho nữ quyền, trong khi đánh giá thấp quyền biểu quyết của nam giới ở độ tuổi 20 và 30”.

Ông khẳng định mình chống lại “những người theo chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến” và các sáng kiến chính phủ bổ nhiệm nhiều phụ nữ hơn trong nội các hoặc cho họ điểm thưởng trên thị trường tuyển dụng.

chinh tri han quoc loi dung bai nu quyen anh 4

Một cuộc biểu tình ủng hộ nữ quyền gần văn phòng của PPP khi nhiều người cáo buộc ứng cử viên tổng thống của đảng đứng về phía phong trào chống nữ quyền. Ảnh: New York Times.

Bằng cách chọn ông Lee, đảng bảo thủ đang lợi dụng tinh thần chống lại phụ nữ để làm làm sống lại tinh thần của đảng - một dấu hiệu đáng ngại cho tương lai của nền chính trị Hàn Quốc.

Trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/3, PPP cũng bám vào làn sóng chống chủ nghĩa nữ quyền để giành được phiếu bầu của giới trẻ.

Ứng cử viên Yoon Suk Yeol đứng về phía phong trào chống nữ quyền khi cáo buộc Bộ bình đẳng giới - coi đàn ông như “tội phạm tình dục tiềm năng”. Ông Yoon hứa sẽ có những hình phạt khắc nghiệt hơn nếu đàn ông bị buộc tội sai.

Ông đề xuất bãi bỏ bộ và chuyển đổi chức năng, trong khi cơ quan này thực hiện các chính sách bình đẳng giới tại nơi làm việc, mở rộng sự tham gia của phụ nữ trong xã hội và ngăn cản bạo lực gia đình, bạo lực tình dục và bảo vệ nạn nhân.

Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là hơn một nửa số người Hàn Quốc tham gia thăm dò của Realmeter ủng hộ việc bãi bỏ bộ.

"Giới tính là vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử này vì nhóm tuổi 20-30 là những cử tri trung lập quan trọng, và đó cũng là độ tuổi ‘xung đột giới’ nóng nhất”, Duyeon Kim - thành viên cấp cao hỗ trợ tại Trung tâm An ninh Mỹ - cho biết. "Vì vậy, cả ông Lee (ứng cử viên Đảng Dân chủ Lee Jae Myung) và ông Yoon đều đang tích cực cố gắng giành được phiếu bầu từ các cử tri trẻ tuổi bằng cách nói những điều họ nghĩ sẽ hấp dẫn thế hệ đó”.

Trước đó, ông Lee từng nói rằng "cũng như phụ nữ, nam giới không nên bị phân biệt đối xử vì giới tính của họ".

Lee Jung Ah, chuyên gia thuộc Hiệp hội Phụ nữ Gyeonggi, cho biết rõ ràng một số chính trị gia đang tìm cách “gãi đúng chỗ ngứa” của một bộ phận nam giới trẻ tuổi và “chuyển vào thùng phiếu”.

Tuy nhiên, “tôi tự hỏi liệu chiến thuật này có hiệu quả không khi họ dường như quên mất thực tế một nửa dân số ở đất nước này là phụ nữ”, bà Lee nói.

Ứng viên tổng thống Hàn Quốc cáo buộc Trung Quốc 'đánh cắp huy chương'

Các ứng viên tổng thống Hàn Quốc cáo buộc Trung Quốc “đánh cắp văn hóa” và “đánh cắp huy chương” trong động thái dường như nhằm thu hút cử tri trẻ trước cuộc bầu cử sắp tới.

Hàn Quốc, Mỹ đồng ý đề xuất Tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết nước này và Mỹ đã đồng ý về nội dung trong Tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm