Lan Phương hoàn tất HS xin làm Đại sứ du lịch
Dù nữ diễn viên "Cô gái xấu xí" đóng kịch, đóng phim truyền hình từ lâu, nhưng phải đến năm 2010, tên tuổi cô mới bất ngờ được nhắc đến nhiều hơn sau vở kịch có kinh phí đầu tư 5 tỷ đồng và ứng cử làm Đại sứ du lịch.
Hết những tranh cãi về vở kịch, Lan Phương lại thầm lặng làm những công việc cô vẫn làm. Một ngày, cô lại gây bất ngờ khi tuyên bố sẽ tranh cử chức Đại sứ du lịch. Thời gian này, mỗi tối thứ bảy, cô lại xuất hiện trên truyền hình với vai trò thí sinh Bước nhảy hoàn vũ (BNHV), một thí sinh nhiều triển vọng cho những giải thưởng cao nhất.
Biết nhiều quá cũng khổ
- Chị vốn rất ít nói về mình. Nguyên do nào để một người kín tiếng với truyền thông như chị lại tham gia vào chương trình truyền hình thực tế "BNHV", một chương trình đã diễn ra đến mùa thứ 4 và lần nào cũng có những scandal lùm xùm hao tốn giấy mực của báo chí?
- Nói tôi kín tiếng cũng không phải, chẳng qua tôi không thích lên báo nói những chuyện vô bổ, khoe cái này cái kia. Tôi chỉ nói khi cần và phải là những thứ mình thích. Bản thân tôi cực kỳ thích nhảy múa và du lịch, tôi mơ ước được tham gia BNHV từ lâu, mùa thi năm nay tôi có đánh tiếng muốn tham gia nên ban tổ chức họ mời.
- Nhiều người cho rằng, Lan Phương có lợi thế nhất trong 10 thí sinh năm nay vì chị cũng là… một diễn viên múa. Thực hư chuyện này ra sao?
- Cái này mọi người lại nhầm một lần nữa. Tôi có tham gia đội múa ở nhà thiếu nhi thành phố Vũng Tàu lúc còn nhỏ, sau này vào trường Sân khấu - Điện ảnh cũng được dạy, có đi thi múa một vài lần và có giải, nhưng tôi chưa bao giờ là một diễn viên múa.
Lúc tốt nghiệp xong, tôi được các thầy vô quý vì ngoan ngoãn, họ giữ tôi ở lại làm trợ giảng cho cô giáo dạy múa trong trường. Tôi chưa bao giờ dám nhận mình là diễn viên múa, nếu như chỉ đóng 1-2 phim, tôi cũng chẳng dám nhận mình là diễn viên. Tôi chỉ là một người yêu múa và thích nhảy múa. Điều tôi thấy mình có lợi thế hơn các bạn thí sinh khác là ở phương diện cảm xúc.
"Tôi đơn giản lắm!". |
- Học cùng lúc 2 trường là Sân khấu - Điện ảnh và Đại học Ngoại thương, đóng phim, đóng kịch rồi tham gia múa. Chị ôm đồm quá không?
- Tôi đơn giản lắm, cái gì mình thích thực sự sẽ tìm cách tập trung để làm cho được việc đó, không nghĩ chuyện này, chuyện kia. Quan trọng là sự đam mê và biết cách sắp xếp thời gian cho từng việc. Học trường Sân khấu - Điện ảnh năm thứ hai tôi mới bắt đầu tham gia diễn ở nhà hát kịch Thành phố với đạo diễn Trần Ngọc Giàu, năm 2005 tôi mới tham gia phim, như vậy cũng hơi muộn so với các bạn cùng khóa. Tôi cũng ít đi làm phim, lúc đóng phim tôi cũng tốt nghiệp một trường.
Đôi lúc tôi cảm thấy mình như siêu nhân, biết đủ mọi thứ trên đời, sân khấu, múa, thậm chí đi học khiêu vũ, tham gia hoạt động xã hội, từ thiện, chương trình Mùa hè xanh… cái gì tôi cũng có mặt.
- Trên sân khấu kịch Hồng Vân, thấy chị nói cả tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật. Chị học cả 3 thứ tiếng ấy cùng một lúc?
- Bản thân tôi rất thích ngoại ngữ. Cấp 3 tôi học chuyên Anh ở Vũng Tàu. Sau này lại thường được đi giao lưu văn hóa, diễn kịch với các bạn quốc tế ở Nhật, Philippines, Hà Lan, Áo, Mỹ… nên có học và biết thêm được tiếng Pháp và tiếng Nhật. Tuy nhiên, vì ít có điều kiện sử dụng nên tôi cảm thấy nó cũng mai một đi phần nào. Bây giờ tôi chỉ giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.
Nhắc đến chuyện ngoại ngữ, tôi chợt nhớ ra một chuyện vui như thế này. Tham gia BNHV, có khi không rành tiếng Anh lại hay hơn vì tôi có thể giao lưu thoải mái với bạn nhảy mà nảy sinh chuyện. Tôi và Valeri đã nảy sinh bất đồng trước đêm thi thứ hai từ chuyện lời qua tiếng lại. Cả hai đều thấy không thoải mái từ lúc tập đến tận lúc thi, dẫn đến chuyện kết quả không như mong muốn. Chúng tôi đang từ điểm cao ở đêm thứ nhất rớt xuống thấp nhất ở đêm thứ hai. Sau này cả hai đã hiểu nhau hơn nên cũng có phần ăn ý hơn trên sân khấu.
- Làm nhiều việc, tham gia nhiều hoạt động nhưng nghe nói chị cũng chẳng giàu có có gì?
- Suốt những năm đi học, tôi đều có bố mẹ hỗ trợ. Về sau tôi mới đi diễn, tiền làm gì có nhiều. Tôi may mắn không phải thuê nhà, lúc đó tôi sống chung với người bạn thân nhất. Sau này khi mua nhà chung cư tôi cũng phải mượn thêm tiền bố mẹ, tiền dành dụm đâu có đủ.
- Bố mẹ chị có than phiền khi chị làm nhiều vẫn phải nhờ họ không?
- Bố mẹ tôi là người Bắc, luôn thích sự ổn định, không di chuyển nhiều, chẳng phải đi đêm về hôm, thu nhập khá, có lương hưu… Vì thế gia đình không ủng hộ tôi theo nghề này, đến tận bây giờ cũng vậy. Tôi phải thuyết phục bố mẹ rất nhiều.
Lan Phương biết 3 ngoại ngữ. |
Không có chuyện gì là không thể
- Đang thầm lặng làm việc, chị bỗng gây xôn xao với tuyên bố sẽ ứng cử vị trí Đại sứ du lịch 2013. Điều gì khiến chị hứng thú với chức danh ồn ào nhất năm 2012 vậy?
- Bản thân tôi từ bé đã ước mơ làm Đại sứ hòa bình của Liên hiệp quốc (cười). Khi nghe tin Lý Nhã Kỳ thôi nhiệm kỳ, tôi nảy sinh ý định ứng cử. Bạn bè, người thân hiểu tôi mê du lịch, muốn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè thế giới nên cũng ủng hộ. Thú thật tôi thấy sau khi tôi lên tiếng, có nhiều người cũng thổ lộ ý định này rồi độc giả, công chúng cũng xôn xao… Thật ra, thời gian qua tôi quá bận nên đó chỉ là đánh tiếng trên trang cá nhân và báo chí, đến hôm nay mới hoàn thành thủ tục gửi hồ sơ đến cơ quan chức năng.
- Bản thân chị có hiểu biết như thế nào về thực trạng du lịch ở Việt Nam hiện nay?
- Tôi thấy ý thức người dân mình hiện nay còn kém lắm, thường xuyên xả rác, vứt rác bừa bãi khiến khách du lịch nước ngoài khi đến cảm thấy khá là khó chịu. Ở những nước văn minh, phố xá của họ sạch sẽ, vứt rác không đúng nơi là bị phạt ngay. Người Việt cái gì không phải… ở nhà mình không ý thức giữ gìn. Nếu người dân ý thức được những chỗ đó là một phần của mình sẽ hoàn toàn khác. Chuyện này cũng không phải là không thể thay đổi được!
Nói đi cũng phải nói lại, người dân Việt cũng có những ưu điểm khác. Đó là bản tính đôn hậu, nồng nhiệt, cởi mở và rất hiếu khách, nếu chịu khó tiếp xúc với khách nước ngoài sẽ rất hay. Nước mình lại có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hà Nội, Sapa, Hạ Long, Đà Lạt… thậm chí cả du lịch sinh thái miền Tây cũng rất hay nhưng chưa nhiều người biết đến.
Ở Bước nhảy hoàn vũ, Lan Phương luôn giữ được phong độ. |
- Chị đã đi nhiều nơi, vậy hãy ví dụ một trường hợp cụ thể về du lịch của nước bạn chị cảm thấy ấn tượng?
- Ở một số nước châu Âu, khi đi đến bất cứ cửa hàng nào, trình hộ chiếu cho nhân viên bán hàng, tức khắc du khách được giảm ngay 10% số tiền mua hàng trên hóa đơn. Tôi cảm thấy rất thích thú trước việc này và nó cũng kích thích khách du lịch mua sắm, đem lại lợi nhuận cho quốc gia đó.
Một số nước lân cận Việt Nam như Thái Lan, Philippines, Singapore, du khách cũng được đón tiếp rất niềm nở, không có thái độ chèo kéo, đeo bám người mua hàng như ở Việt Nam. Còn ở Nhật, một lần đến đó, hỏi thăm đường, tôi được người Nhật dẫn đến tận nơi một cách nhiệt tình, lúc đó tôi thấy cảm mến người Nhật lắm. Người dân Nhật đã cùng góp phần xây dựng nền văn hóa du lịch của họ. Tôi nghĩ đó là quy tắc xã hội chung ở các nước văn minh.
- Chị nghĩ rằng với chức danh Đại sứ du lịch, chị có thể thay đổi những điều không hay đang tồn tại?
- Không phải là không thể, chúng ta cần thời gian và chiến lược. Bản thân tôi cũng đã làm được nhiều việc mà mọi người nghĩ là không thể, như biết nhiều ngoại ngữ, học hai trường cùng lúc chẳng hạn. Tôi thấy không chuyện gì mình không thể làm được cả. Vấn đề là cách tiếp cận, thay đổi. Bản thân tôi từ bé không ai dạy nhưng đã ý thức được việc không nên xả rác bừa bãi nơi công cộng, dù thấy mọi người xung quanh vẫn làm đấy nhưng tôi chưa bao giờ làm thế, thậm chí ăn một hột ô mai tôi cũng cầm trên tay, tìm được thùng rác mới bỏ vào.
- Chị có đánh giá thế nào về các đối thủ khác đang cùng ứng tuyển Đại sứ du lịch?
- Tôi không đánh giá ai. Tôi chỉ biết mình mê du lịch và muốn góp phần xây dựng. Còn việc nếu như không trúng tuyển, tôi nghĩ chắc do mình không phải lựa chọn phù hợp của Bộ VH, TT&DL du lịch, không phải vì mình không có khả năng. Nếu tôi được chọn, nghĩa là tôi phù hợp, chẳng phải mình hơn người khác gì cả! Thế thôi.
Theo Thể thao & Văn hóa