Hiện, trên các trang mạng xã hội dân kinh doanh vẫn rầm rộ livestream về các vụ giao dịch lan đột biến hàng tỷ đồng để thu hút sự chú ý. Nhưng những giao dịch với con số khó tin khiến cộng đồng chơi lan khẳng định đây chiêu trò thổi giá ảo.
Ngay sau vụ giao dịch lan đột biến có giá lên đến 250 tỷ đồng ở Quảng Ninh gây xôn xao dư luận, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh.
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thực chất số tiền trên là để mua cho toàn bộ 5.000 cây lan giống nhà vườn cung cấp cho bên mua trong một năm chứ không phải một cây lan như thông tin cuộc giao dịch rầm rộ trên mạng xã hội.
Một thương vụ chuyển nhượng lan đột biến trị giá hơn 45 tỷ đồng tại tỉnh Bình Phước ngày 11/3. Ảnh: Tan Huy Nguyen. |
Mập mờ giao dịch, "làm màu" trên mạng xã hội
Điều đáng nói, hơn một năm trước cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước được chủ cây mua của một người dân bán ven đường khu vực tỉnh Sơn La.
Anh Dương, một người chơi lan lâu năm ở Phú Thọ, cho rằng: "Mức giá 250 tỷ cho một cây lan là quá vô lý. Hơn nữa, tấm biển giao dịch ghi rõ một cây Ngọc Sơn Cước nhưng khi dư luận và cơ quan chức năng làm việc thì chủ vườn lại trả lời đó là giá trị 5.000 cây lan giống".
Theo anh, 5.000 cây giống là cách chữa cháy cho mức giá ảo họ tự thổi lên khi công an và cơ quan thuế vào cuộc. "Một năm làm sao có thể nhân thủ công ra 5.000 cây giống loại đặc biệt hiếm? Và nếu tốc độ nhân giống nhanh như vậy thì làm sao có thể có giá trăm tỷ như thế?", anh đặt nghi vấn.
Trước đó, một tài khoản Facebook đăng tải hình ảnh, thông tin "Chúc mừng bạn Lắk giao dịch thành công thương vụ mua bán lan đột biến có giá hơn 31,5 tỷ đồng". Theo hình ảnh đăng tải, các chậu lan đột biến và một lượng lớn tiền mặt bày trên bàn.
Tuy nhiên, sự thật là người đăng thông tin này nhằm mục đích câu like gây chú ý trong dư luận. Công an huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk xác định trên địa bàn không có việc chuyển nhượng lan đột biến giá hơn 31 tỷ đồng.
Một mầm tách từ chậu lan đột biến "Huyền thoại bướm đại ngàn" được bán với giá 15 tỷ đồng. Ảnh: Chính Trương. |
Tương tự, tháng 7/2020, một giao dịch 2 chậu lan đột biến với giá lên tới 1.400 tỷ đồng ở Thái Bình. Tuy nhiên, sau khi thương vụ này gây sốt mạng xã hội, người trong cuộc đã lên tiếng giải thích giá trị thương vụ 1.400 tỷ đồng như hình ảnh trên mạng xã hội chia sẻ thực chất chỉ là 1,4 tỷ đồng do hàng in viết thừa số 0.
Đưa lên mạng xã hội giá tiền khủng, rầm rộ livestream, dàn cảnh nhiều người chơi từ các nơi về đầu tư, giao dịch “chồng” số lượng lớn tiền mặt trong các thương vụ... là những chiêu trò của dân buôn sử dụng để lan đột biến càng thêm "sốt".
Anh Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, cũng cho rằng những vụ giao dịch lan đột biến hàng chục, hàng trăm tỷ là ảo, bị chi phối của một nhóm người.
Tạo giao dịch ảo để đẩy giá?
Theo khảo sát, hiện giá bình quân một kie lan đột biến dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Đơn cử, đối với lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ, một kie dài 5-10 cm có giá 1,2-1,7 triệu đồng/cm; 5 cánh trắng Hiển Oanh có giá 5,8-6,8 triệu đồng/cm.
Đặc biệt, lan đột biến Ngọc Sơn Cước được rao bán ở mức vài tỷ đồng, trong đó: Lúa non (nhận tiền trước, trả kie sau) có giá 3,2-3,5 tỷ đồng; kie 2-5 cm giá 2,7-3 tỷ đồng/cm; kie 5-7,5 cm giá 1,8-2,7 tỷ đồng/cm; kie 7,5-10 cm giá 1,3-1,8 tỷ đồng/cm.
Tuy nhiên, khoảng 3 năm trước bình quân một kie lan đột biến chỉ dao động từ vài trăm đến vài trăm triệu đồng. Chủ nhà vườn Huy Anh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết năm 2017, lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ giá chỉ 250.000 đồng/cm, đến giữa năm 2018 giá 500.000 đồng/cm, năm 2021 tăng lên khoảng 1,2 triệu đồng/cm; hay lan phi điệp 5 cánh trắng Hiển Oanh, năm 2018 giá chỉ khoảng 500.000 đồng-1 triệu đồng/cm thì đến nay giá đã 5-7 triệu đồng/cm.
Đáng chú ý, lúa non 5 cánh trắng Bảo Duy nếu như năm 2019 có giá khoảng 250 triệu đồng/cm thì năm nay đang được rao bán lên đến 1,8 tỷ đồng/cm.
Do nhu cầu tăng, giá lan đột biến đang bị thổi giá quá cao so với giá trị thực
Giáo sư Trần Duy Quý
Theo ông Nguyễn Đức, một người chơi lan lâu năm ở Hà Tĩnh, giá lan ngày càng cao chứng tỏ sự thành công của những kẻ đầu cơ, thổi giá tự diễn xuất mua bán giá cao với nhau.
Thực tế, đến nay chưa có đơn vị nào đứng ra đánh giá giá trị thật của lan đột biến, do đó, đây chính là cơ hội cho các đối tượng tạo ra một thị trường ảo nhằm đẩy giá mầm lan đột biến.
Trao đổi với Zing, GS.TSKH Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học Công nghệ châu Á Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho biết không có mức giá quy định cho loài lan đột biến, mà phụ thuộc vào sự trao đổi, thỏa thuận giữa người mua và người bán.
"Lan đột biến có giá trăm triệu đến tiền tỷ là có, nhưng hiện nay do nhu cầu tăng nên lan đột biến đang bị thổi giá quá cao so với giá trị thực", ông nói.
Sở dĩ các đối tượng rao lan đột biến với giá hàng tỷ hay trăm tỷ đồng là do họ cho rằng sự đột biến đó là độc đáo và duy nhất. Càng đột biến lạ và hiếm giá càng cao.
Hình ảnh đăng tải các chậu lan đột biến và một lượng lớn tiền mặt bày trên bàn để nhằm mục đích tạo giao dịch ảo, câu like trên mạng xã hội. Ảnh: N.H. |
Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Rau quả, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh khẳng định lan phi điệp đột biến hoàn toàn có thể nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô với số lượng lớn.
Theo ông, lan đột biến đã có từ lâu nhưng trước đây mọi người chưa chú ý, nên ít ai nhắc đến, nhưng hiện nay mọi người quan tâm nhiều hơn. "Nếu cây lan phi điệp con được nhân từ một đoạn cành hoặc một mô của cây lan phi điệp mẹ đột biến, thì vẫn có thể cho ra hàng vạn cây con giống hệt đặc tính của cây mẹ", PGS.TS Đặng Văn Đông nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho hay không thể trồng chỗ nào, trong điều kiện nào cũng cho ra hoa giống hệt như cây mẹ mà còn tuỳ thuộc vào môi trường, điều kiện thời tiết khí hậu, cách chăm sóc cây...
Trước đó, cơ quan công an đã đưa ra nhiều cảnh báo về tình trạng người dân bỏ cả tỷ đồng đầu tư và nhiều công chăm sóc nhưng không bán được hoặc bán được cây giá trị thấp, người trước lừa người sau gây ra hiện tượng “bong bóng”.
Các đối tượng thường dùng các giao dịch ảo, dàn cảnh nhiều người chơi từ các nơi về đầu tư, giao dịch “chồng” số lượng lớn tiền mặt, “khoe” những câu chuyện thành công, đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh người dân.