Bằng các câu chuyện xoay quanh đời sống, tình huống vui nhộn, hài độc thoại mang đến tiếng cười sảng khoái cho khán giả bên cạnh những bài học sâu lắng.
Những năm gần đây, hài độc thoại (stand-up comedy) trở thành món ăn tinh thần mới với giới trẻ. Sau khi gác lại công việc riêng, nhiều người chọn đến xem show hài độc thoại để thư giãn đầu óc, đắm chìm trong những tràng cười thoải mái.
Đây là một hình thức biểu diễn trực tiếp với khán giả, không sử dụng đạo cụ hay bất kỳ hiệu ứng sân khấu nào.
Theo Uy Lê, diễn viên của nhóm hài Saigon Tếu, hài độc thoại không phải trải nghiệm giải trí mang tính đại chúng hay quá dễ tiếp cận.
“Thực chất, đây là thể loại trình diễn khá kén người xem. Cách thưởng thức hài độc thoại phụ thuộc nhiều vào góc nhìn của từng người bởi không có thước đo cụ thể cho sự hài hước. Tuy nhiên, bộ môn này đã dần trở nên quen thuộc cũng như có tệp khán giả trung thành nhất định”, Uy chia sẻ với Zing.
_______
Hài độc thoại hoạt động âm ỉ tại Việt Nam từ khá lâu. Là một loại hình đến từ các nước phương Tây nên khi du nhập vào đây, “stand-up comedy” có những thách thức nhất định để phù hợp với văn hoá và cách tiếp nhận của khán giả Việt.
Những buổi diễn hài độc thoại thường diễn ra ở không gian kín, ấm cúng, dễ tạo sự gần gũi giữa người diễn (comedian) và người xem như tiệm cà phê, quán bar nhỏ. Độ dài của từng set diễn tùy thuộc vào khả năng của diễn viên, dao động 5-10 phút, đôi khi lên đến 30-45 phút.
Sự độc đáo của bộ môn nghệ thuật này được thể hiện qua cách dẫn dắt của người biểu diễn.
Các diễn viên thường có lối kể chuyện phóng khoáng, không bị ràng buộc bởi kịch bản hoặc ứng biến, tung hứng theo phản ứng của khán giả. Họ để lại ấn tượng cho người xem qua biểu cảm, ngôn từ và hành động cá nhân.
Mỗi chương trình hài độc thoại đều có nét độc đáo riêng biệt. Không show diễn nào giống nhau. Các set diễn thường được liên kết với nhau bởi những câu chuyện ngắn nhưng có chung chủ đề để khán giả dễ dàng hình dung.
Không giống các thể loại hài khác, “stand-up comedy” không có sự hỗ trợ của đạo cụ hay những yếu tố sân khấu.
Cũng khác với các hình thức tiểu phẩm, đa số các câu chuyện hài độc thoại đều được kể từ góc nhìn thứ nhất của diễn viên. Mỗi người biểu diễn đều là chính mình và không đóng vai một nhân vật nào đó để tạo câu chuyện.
Để trở thành diễn viên hài độc thoại, ngoài kỹ năng về ngôn ngữ, hình thể, điều quan trọng nhất là khả năng kết nối và thấu hiểu khán giả.
Vì mỗi chương trình sẽ có lượng người xem khác nhau, dù có chuẩn bị kịch bản, diễn viên cũng không đoán trước được cách tiếp nhận của từng show như thế nào.
Họ phải thật sự thoải mái, tự tin để đem cái tôi của mình lên sân khấu, tạo kết nối với từng người trong căn phòng đó.
_______
Lần đầu đến xem show hài độc thoại, tôi chọn ngồi hàng ghế đầu để thoải mái giao lưu với diễn viên. Trong không gian nhỏ, hơn 150 khán giả khác đều tập trung vào từng cử chỉ, hành động của người đứng trên sân khấu.
Không trang phục cầu kỳ, hiệu ứng phô trương, mỗi diễn viên mang đến cho chúng tôi những cảm xúc khác nhau. Đôi khi đó là những câu chuyện dí dỏm, kỳ lạ hoặc bài học sâu lắng, kiến thức thú vị.
Người đến xem hài độc thoại thường tìm kiếm những phút giây thư giãn để giải phóng ưu tư, phiền muộn.
Theo Uy Lê, để khán giả bật cười và cảm thấy hài lòng không phải điều dễ dàng. Tiếng cười là một mục tiêu quan trọng của hài độc thoại nhưng không phải duy nhất.
Một phần trình diễn sẽ có cảm xúc thăng hoa nhất khi diễn viên và khán giả cảm thấy đồng điệu, chung một “tần số”. Vì vậy, những khoảnh khắc “lệch pha” sẽ khiến comedian gặp áp lực lớn và cần có đủ khả năng, sự bình tĩnh để xoay chuyển tình thế.
Một số chương trình hài độc thoại đi theo hai hình thức: tiêu đề (headline) hoặc trình diễn (showcase).
Với format đầu tiên, MC sẽ có trách nhiệm mở đầu, khuấy động sân khấu, giới thiệu các chủ đề và diễn viên. Phần diễn của người thực hiện tiêu đề thường có thời gian dài hơn các set còn lại.
Khác với “headline”, hình thức “showcase” bao gồm các màn trình diễn có dung lượng bằng nhau.
_______
Uy Lê cho biết mỗi diễn viên có cách tạo ra mảng miếng khác nhau. Họ cần hiểu rõ thế mạnh của mình để khai thác qua câu chuyện. Tuy nhiên, có những cách chung mà người xem dễ dàng bắt gặp trong cuộc hội thoại của diễn viên là “setup” (câu dẫn) và “punchline” (câu chốt).
Dù có nhiều hình thức khai thác đa dạng, diễn viên vẫn thường dẫn khán giả đến một suy nghĩ, rồi bất ngờ bẻ lái và chốt lại bằng một sự thật khác. Sự tréo ngoe, vô lý nhưng lại rất logic là một trong những nguyên lý cơ bản của mảng miếng hài kịch.
Khi đến xem show hài độc thoại, khán giả nên mặc trang phục thoải mái, không gò bó và tắt chuông thiết bị điện tử để tránh làm gián đoạn phần trình diễn của comedian.
“Mang tên hài độc thoại nhưng thực chất không gian của bộ môn này là sự đối thoại giữa người diễn - người xem. Có một thứ năng lượng rất thú vị và dễ lan toả, đó là nụ cười từ khán giả này đến khán giả khác.
Trong không gian an toàn, không phán xét, chúng ta dễ dàng bật cười cùng nhau. Đó cũng là lý do vì sao nếu xem hài độc thoại qua video hoặc online, bạn sẽ khó thấy vui hơn”, Uy Lê chia sẻ.
_______