Sáng 3/11, Liên đoàn trượt băng Việt Nam chính thức được thành lập. Đây là dấu mốc quan trọng với sự phát triển của môn trượt băng nghệ thuật của Việt Nam. Một trong những lý do thành lập liên đoàn chính là việc giúp các vận động viên trượt băng Việt Nam được tham gia các giải đấu của quốc tế một cách chính thức, từ đó mang về thành tích cho quốc gia.
Về vấn đề thành tích của môn trượt băng trong tương lai, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh đã có những đánh giá của mình.
Trượt băng nghệ thuật là môn thể thao còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Ảnh: Kiệt Trần. |
Rất cần ủng hộ
Trước tiên, ông Nguyễn Hồng Minh đánh giá cao nỗ lực thành lập Liên đoàn trượt băng Việt Nam trong bối cảnh môn trượt băng còn đang rất mới mẻ. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa được môn thể thao này là điều rất đáng ủng hộ.
Ông chia sẻ với Zing.vn: "Chúng ta biết môn trượt băng đã có từ thế kỷ 19 rồi, nhưng những năm gần đây, những doanh nghiệp mới bắt đầu đưa các sân băng về Việt Nam. Việc thành lập liên đoàn cũng chủ yếu do những doanh nghiệp và những người đam mê trượt băng, họ đi học tập ở nước ngoài và có đam mê rồi quyết tâm đưa trượt băng về Việt Nam"
"Như các liên đoàn thể thao khác của chúng ta gồm những những nhà chuyên môn, nhà quản lý của nhà nước, hay nói cách khác là tổ chức hành chính của nhà nước thì Liên đoàn trượt băng thể hiện tính xã hội hóa rất cao, với sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp. Theo tôi, đây là bước tiến bộ mà chúng ta cần phải ủng hộ. Liên đoàn ra đời là dấu mốc đánh dấu sự tập hợp của những tổ chức, cá nhân có đam mê, tâm huyết với trượt băng. Tôi đánh giá rất cao điều này", chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhận định.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh đánh giá cao tính xã hội hóa của Liên đoàn trượt băng Việt Nam. |
Việc Liên đoàn trượt băng được thành lập cũng tạo điều kiện cho các vận động viên được tham gia thi đấu quốc tế một cách chính thức, đại diện cho liên đoàn của Việt Nam chứ không phải trên tư cách tự do. Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, Việt Nam có thể kỳ vọng trượt băng sẽ đem lại những thành tích trên trường quốc tế.
Ông nói: "Trượt băng là môn đòi hỏi kỹ thuật rất cao, nhưng lại không đòi hỏi yếu tố nhanh hơn, khỏe hơn, cao hơn. Đây là môn đòi hỏi sự khéo léo, hợp với thể trạng người châu Á. Chúng ta thấy những vận động viên của CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản, rồi Hàn Quốc đã nhiều lần vô địch thế giới. Có thể nói thế giới đang ở trình độ rất cao, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể theo được họ".
Còn đó những khó khăn
Nhận định Việt Nam có thể phát triển trượt băng nhưng theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, trước mắt sẽ có rất nhiều khó khăn chờ đợi Liên đoàn trượt băng Việt Nam.
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, có 4 trở ngại lớn trong quá trình phát triển của trượt băng tại Việt Nam. Ông cho hay: "Thứ nhất, chúng ta thiếu nhiều chuyên gia giỏi để đào tạo vận động viên. Hai là nhận thức của chúng ta về môn này quá chậm so với các nước khác. Ba là thiếu cơ sở vật chất và thứ tư, chúng ta không có hệ thống đào tạo tại Việt Nam".
Những vận động viên trượt băng ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn so với các nước khác. |
Vấn đề đào tạo các vận động viên được chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh: "Chúng ta có thể đi tắt đón đầu bằng cách cử các vận động viên đi tập huấn nước ngoài, đó cũng là một cách. Tuy nhiên muốn trượt băng phát triển thì phải có hệ thống đào tạo tốt. Không có môn thể thao nào không tổ chức đào tạo nghiêm túc mà lại có người giỏi được".
"Chúng ta không thể cứ ra sân băng là thấy vận động viên tốt. Trượt băng cần rất nhiều kỹ thuât, mà phải có thầy giỏi mới tập được. Nhiều môn chúng ta có thể tự tập, hoặc thầy không giỏi lắm cũng có thể dạy được nhưng với môn kỹ thuật cao như trượt băng, dứt khoát phải có chuyên gia giỏi mới làm được. Nói vậy để thấy chúng ta đang thiếu nhất là những chuyên gia", chuyên gia Nguyễn hồng Minh đánh giá.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Minh, có một số nhiệm vụ mà Liên đoàn trượt băng Việt Nam sau khi ra đời cần phải làm ngay: "Nhiệm vụ quan trọng nhất bây giờ là thúc đẩy sự tập luyện phong trào, để từ đó tìm ra những trẻ em tốt. Thứ hai là phải làm ngay, là xây dựng hệ thống đào tạo vận động viên, tổ chức hệ thống thi đấu".
"Phải có thi đấu để được cọ xát, xác định trình độ, nhưng phải có hệ thống đào tạo thì các em tài năng mới được phát triển tốt", ông đánh giá.